Đẩy mạnh cải cách tư pháp

06:04, 06/04/2018
.

(Báo Quảng Ngãi)- Thực hiện Nghị quyết 49-NQ/TW và Kết luận số 92-KL/TW của Bộ Chính trị về “Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020”, nhiều cơ quan tư pháp trên địa bàn tỉnh đã có những cách làm mới, mang lại hiệu quả cao trong thực hiện nhiệm vụ cải cách tư pháp.

Phiên tòa rút kinh nghiệm

Thời gian qua, Ban Cán sự đảng TAND tỉnh triển khai thực hiện đồng bộ công tác cải cách tư pháp trong TAND hai cấp. Trong đó, chú trọng những cách làm mới, hiệu quả, như tổ chức các phiên tòa “rút kinh nghiệm”. Vừa qua, TAND huyện Sơn Tây phối hợp với Viện KSND huyện, tổ chức hai phiên tòa rút kinh nghiệm đối với hai vụ án hình sự sơ thẩm.

Thứ nhất là, vụ án “Đinh Văn Biên phạm tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản” theo Khoản 1 Điều 139 Bộ luật Hình sự. Đây là vụ án được đưa ra xét xử lưu động tại xã Sơn Tân vào tháng 4.2017. Thứ hai là, vụ án “Bùi Văn Minh phạm tội trộm cắp tài sản” theo Khoản 1 Điều 138 Bộ luật Hình sự, cũng được đưa ra xét xử công khai tại trụ sở TAND huyện Sơn Tây vào tháng 4.2017.

Một phiên tòa xét xử lưu động tại xã Tịnh Phong (Sơn Tịnh).
Một phiên tòa xét xử lưu động tại xã Tịnh Phong (Sơn Tịnh).


 Kết thúc hai phiên tòa, TAND huyện Sơn Tây đã tổ chức họp, đánh giá những ưu điểm và những vấn đề cần rút kinh nghiệm. Các bên dự họp đã có nhiều ý kiến đóng góp cho HĐXX trong quá trình thực hiện công tác xét xử tại phiên tòa và góp ý đối với kiểm sát viên giữ quyền công tố tại phiên tòa. Theo đánh giá, trong quá trình thực hiện công tác xét xử tại phiên tòa, HĐXX đã xây dựng kế hoạch xét xử sát với nội dung vụ án; thẩm phán, hội thẩm nhân dân xét hỏi đúng trọng tâm; làm rõ động cơ, mục đích, thủ đoạn, hậu quả của đối tượng phạm tội; được lãnh đạo TAND tỉnh dự và đánh giá đạt chất lượng cao.

Theo TAND tỉnh, năm 2017, Ban cán sự đảng, lãnh đạo TAND tỉnh đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo để đẩy nhanh tiến độ giải quyết, xét xử các loại vụ án, đảm bảo các vụ việc phải được giải quyết trong thời hạn pháp luật quy định. Tập trung thực hiện tốt nguyên tắc tranh tụng, nguyên tắc độc lập trong xét xử và nguyên tắc suy đoán vô tội để nâng cao chất lượng xét xử, đảm bảo phán quyết của TAND hai cấp đúng pháp luật, bảo vệ công lý, bảo vệ các quyền con người, quyền công dân. Đẩy mạnh việc tổ chức các phiên tòa rút kinh nghiệm là giải pháp đột phá và thiết thực trong công tác xét xử của TAND hai cấp, nhằm đáp ứng ngày một tốt hơn yêu cầu của công tác cải cách tư pháp.
 
Chuẩn hóa đội ngũ cán bộ

 Ban cán sự đảng TAND tỉnh đã củng cố, hoàn thiện bộ máy, kiện toàn đội ngũ cán bộ lãnh đạo và các chức danh của TAND hai cấp; đẩy mạnh công tác đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn để nâng cao trình độ chuyên môn cho đội ngũ thẩm phán, thẩm tra viên, thư ký và hội thẩm tòa án hai cấp; xây dựng hình ảnh tòa án thân thiện, gần dân, là chỗ dựa của nhân dân và là nơi bảo vệ công lý, bảo vệ quyền con người, quyền công dân, bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa, bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân.

 Từ nay đến năm 2020, tỉnh sẽ tập trung kiện toàn tổ chức bộ máy, sắp xếp cán bộ; đẩy mạnh công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ các chức danh tư pháp; trong đó chú trọng các chức danh bổ trợ tư pháp. Tăng cường thực hiện công tác chuyển đổi, luân chuyển, điều động; khuyến khích và tạo điều kiện để công chức, viên chức ngành tư pháp tham gia nghiên cứu khoa học, nâng cao trình độ chuyên môn để đáp ứng nhu cầu của công tác cải cách tư pháp trong tình hình mới.

Bên cạnh đó, tỉnh cũng sẽ xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức ngành tòa án trong sạch, vững mạnh theo hướng đề cao quyền hạn, trách nhiệm pháp lý, tuân thủ kỷ luật, kỷ cương công vụ; kịp thời khen thưởng, biểu dương cán bộ, công chức, viên chức có thành tích trong công tác tư pháp, cải cách tư pháp; đồng thời xử lý nghiêm các sai phạm, tiêu cực của cán bộ, công chức, viên chức trong thực thi công vụ.

Ngoài ra, tỉnh tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả Đề án phát triển đội ngũ luật sư giai đoạn 2012 - 2020 trên địa bàn tỉnh, đề cao trách nhiệm và ý thức đạo đức nghề nghiệp của luật sư, phát huy vai trò tự quản của Đoàn Luật sư tỉnh. Tăng cường quản lý nhà nước đối với hoạt động luật sư, các tổ chức hành nghề luật sư, trong đó chú trọng công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát hoạt động của các tổ chức hành nghề luật, nhằm kịp thời phát hiện, chấn chỉnh các sai sót. Chú trọng nâng cao chất lượng dịch vụ công trong lĩnh vực tư pháp, hành chính tư pháp, nhất là dịch vụ trợ giúp pháp lý miễn phí nhằm bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp cho các đối tượng được trợ giúp pháp lý, góp phần nâng cao hiểu biết pháp luật, bảo vệ công lý, công bằng xã hội.


 Bài, ảnh: NG.TRIỀU
 


.