Tây Trà: Người dân nơm nớp nỗi lo sạt lở núi

02:03, 26/03/2018
.

(Baoquangngai.vn) - Năm tháng sau đợt mưa lũ hồi tháng 11.2017, hàng nghìn người dân ở huyện Tây Trà vẫn luôn nơm nớp lo sợ mỗi khi lưu thông qua tuyến đường độc đạo nối từ trung tâm huyện về các xã. Hàng trăm nghìn khối đất đá trên những ngọn núi cao có thể đổ ập xuống bất cứ lúc nào.

TIN LIÊN QUAN


Tai họa chực chờ

Trở lại xã Trà Xinh sau 5 tháng kể từ vụ sạt lở nghiêm trọng xảy ra tại cầu sông Tang hồi tháng 11.2017, dù đang là mùa nắng nóng nhưng nỗi bất an của người dân cũng không thể vơi bớt. Hai bên đoạn đường dài khoảng 200m còn ngổn ngang đất, đá. 

Trên ngọn núi cao chót vót ở khu vực cầu sông Tang chi chít vết nứt, đứt gãy, khoét sâu vào chân núi, tạo nhiều hàm ếch. Những tảng đá lớn chông chênh trên vách núi cao có thể đổ xuống bất kỳ lúc nào, đe dọa tính mạng người đi đường và người dân trồng rừng ở khu vực này.

 

Sạt lở nghiêm trọng tại khu vực cầu sông Tang.
Sạt lở nghiêm trọng tại khu vực cầu sông Tang.


Đang chặt chuối về cho bò ăn, nhìn ngọn núi cao chót vót, anh Hồ Văn Linh, ở thôn Trà Kem, xã Trà Xinh nói: “Mỗi khi qua đây phải gồ ga phóng thật nhanh. Bây giờ, bất kể đêm hay ngày, mưa hay nắng gì bà con cũng phải ngó trước nhìn sau mới dám đi, không dám liều mình qua khu vực này”.

Hàng ngày, người dân đi xe máy, học sinh đi bộ trên tuyến đường độc đạo này rất bất an, nặng trĩu nỗi lo núi lở. Nhiều người muốn ra huyện hoặc vào xã phải đánh liều với những hiểm nguy rình rập. Tình trạng sạt lở núi với mức độ ngày càng nhiều và lan rộng.

 

Người dân nơm nớp lo âu khi lưu thông qua các điểm sạt lở.


“Mọi năm mưa lũ mới lo sạt lở núi, còn bây giờ mùa nắng đã lo.  Đợt mưa lũ hồi tháng 11/2017, chúng tôi bị cô lập cả tháng trời không ra huyện được. Kiểu này mình đi qua cũng lo mà con cái đi bộ đi học hằng ngày cũng sợ”-  chị Hồ Thị Lâm, ở thôn Trà Veo, xã Trà Xinh lo lắng.

Ngoài khả năng của huyện

Ảnh hưởng của cơn bão số 12 vào tháng 11.2017, tuyến đường này bị sạt lở nghiêm trọng. Hàng trăm nghìn khối đất đá đã vùi lấp đoạn đường dài gần 200m suốt 1 tháng, khiến 500 hộ dân xã Trà Xinh bị cô lập hoàn toàn. Để vào trung tâm huyện Tây Trà, người dân xã Trà Xinh phải chấp nhận nguy hiểm lội qua đoạn đường bùn đất nhầy nhụa.

Ngoài tuyến đường này, trên địa bàn huyện Tây Trà có hàng chục điểm sạt lở núi, gây ách tắc giao thông. Trong đó, các tuyến đường bị sạt lở nhiều là Di Lăng - Trà Trung, Trà Phong - Trà Xinh, Trà Bao - Trà Quân, Trà Bao - Trà Khê, Trà Phong - Trà Thanh...

 

Đất, đá lơ lửng, chờ chực rơi xuống trên Tỉnh lộ 622 qua xã Trà Lãnh.


Tình trạng sạt lở núi trên địa bàn huyện Tây Trà ngày càng nhiều và lan rộng. Dù chính quyền địa phương đã nỗ lực khắc phục sạt lở, tuy nhiên mới chỉ chỉ xử lý được “phần ngọn”; san ủi, dọn khối lượng đất đá chắn ngang đường, còn khối lượng đất đá bị sạt lở rất lớn nhưng chưa đổ xuống đường, còn treo lơ lửng trên vách núi, nguy cơ đổ ụp xuống bất cứ lúc nào thì chưa xử lý được.

Phó Chủ tịch UBND huyện Tây Trà Hoàng Như Lâm cho biết, riêng tại cầu Sông Tang, điểm sạt lở dài hơn 200m, với khối lượng đất, đá quá lớn, khoảng trên 100.000m3, ước tính kinh phí khắc phục lên đến 25 tỷ đồng. Số tiền này quá lớn, ngoài khả năng của huyện, nên rất mong UBND tỉnh sớm xem xét bố trí ngân sách để huyện khắc phục các điểm sạt lở, nhằm đảm bảo an toàn cho người dân đi lại.

Bài, ảnh: C.P


 


.