Nghề lấy nhựa dầu rái

01:01, 17/01/2018
.

 


(Baoquangngai.vn)- Nằm ở vùng giáp ranh giữa 3 huyện Nghĩa Hành- Đức Phổ- Ba Tơ, núi Lớn là nơi có khá nhiều cây dầu rái, từ xưa nghề lấy nhựa dầu rái ở đây đã rất phổ biến.
 
Cây dầu rái (cây gỗ lớn, thuộc họ dầu, cao 40-50m, thân thẳng) mọc tự nhiên trong rừng, nhựa của cây được xem là món quà của thiên nhiên. Nhựa lấy từ cây thường được dùng để quét lên mặt ngoài của nón lá, thúng, ghe, thuyền,… đóng vai trò như một lớp áo giáp để chống chọi với nước biển và nắng mưa. Ngoài ra, nhựa cây còn được dùng trong các kỹ nghệ hóa mỹ phẩm, vec ni, dầu bóng, công nghệ in, kỹ nghệ dược phẩm…
 
Món quà của thiên nhiên
 
Dầu rái thường mọc thưa thớt và lượng lớn cây hiện nay nằm trong rừng nguyên sinh nên việc khai thác nhựa rất tốn công sức, thời gian. Nhựa cây được khai thác chủ yếu vào mùa khô, một tháng có thể thu được hai lần. Vào mùa mưa thì hiếm khi thu được do không nhóm được lửa đuốc để hơ và đường rất khó đi. 
 
Theo kinh nghiệm của những thợ lấy dầu rái thì những cây dầu tầm 8 năm tuổi là đã có thể cho nhựa. Nhựa dầu rái ở núi Lớn luôn có chất lượng tốt, thu được bao nhiêu là bán hết bấy nhiêu. Thậm chí vào mùa ‘khó’, thương lái phải đặt hàng trước nhiều ngày mới có hàng. 
 
Những cây dầu rái ngày càng hiếm
Những cây dầu rái ngày càng hiếm ở núi Lớn
 
Việc lấy nhựa cây được chia làm 2 công đoạn, đầu tiên phải cạo một lớp ở phần thân sát gốc cây (người ta cạo bỏ lớp cũ 1 lần/năm) sau đó dùng đuốc lửa hơ (thui) bề mặt vừa mới cạo, tiếp theo là tạo máng chứa nhựa cây tiết ra. Cuối cùng, khoảng 3-4 ngày sau những người thợ mới lên rừng để thu nhựa cây. Mỗi lần thu được 2 thùng (khoảng 40 lít), giá hiện tại thương lái thu mua tận nhà là 450.000đ/thùng.
 
Theo người dân ở đây cho biết thì từ thời cha ông của họ đã làm nghề này, người đi trước chỉ cho người sau. Anh Trần Hữu Ái (thôn Trường Lệ, xã Hành Tín Đông, huyện Nghĩa Hành) cho biết: “Trước kia những người trong trong thôn làm nghề này rất đông, thế hệ của tôi về trước ai cũng được dạy cách lấy nhựa, nó là nguồn thu chính của các gia đình ở đây nên mọi người luôn có ý thức bảo vệ cây dầu”.
 
“Từ lúc nhỏ tôi đã cùng cha đi lấy dầu rái, sau khi có chồng thì cả 2 vợ chồng tôi vẫn tiếp tục công việc cho đến nay”- chị Huỳnh Thị Huân (cùng thôn với anh Ái) chia sẻ. 
 
Nghề hiếm…
 
Trước kia những người khai thác nhựa như anh Ái và chị Huân đều có thu nhập khá ổn định nhờ nghề lấy nhựa dầu rái, nhưng mấy năm trở lại đây giá cả bấp bênh, thương lái liên tục ép giá. Nhựa dầu rái được giá nhất là vào mùa mưa, nhưng mùa này thì khai thác không được bao nhiêu. Đây cũng là một trong những lý do khiến cho người dân ‘quay lưng’ với công việc này.

 

công đoạn hơ(thui) để nhựa cây tiết ra
công đoạn hơ(thui) để nhựa cây tiết ra
“Nghề này vốn đã không giàu, mà nặng nhọc quá, không thể trông cậy vào được. Bây giờ chỉ thỉnh thoảng lúc nông nhàn hay thương lái đặt hàng mới đi khai thác”- chị Huân chia sẻ.
 
Lúc trước những hộ trong thôn ít thì cũng có khoảng 6-7 cội dầu, nhưng nay chỉ còn thu 2-3 cội dầu, số thì đem cho người khác thuê làm hay số khác phá bỏ để trồng keo. Mặc khác, những cội dầu thường cách rất xa nhau, bây giờ muốn tìm được cội dầu phải đi tận núi cao, một trong nguyên nhân đó là do bị người dân phá bỏ để lấy chỗ cho cây keo, nên số lượng cây dầu rái cũng bị sụt giảm đáng kể.

 

dụng cụ để lấy nhựa dầu rái
Sản phẩm nhựa dầu rái sau khi lấy được
Ngày nay người dân làm nghề khai thác nhựa dầu rái chỉ xem đây là một công việc kiếm thêm thu nhập, không còn quá mặn mà với nhề này. Hiện nay còn rất ít người theo nghề, ở thôn Trường Lệ chỉ còn khoảng 9 hộ là vẫn bám nghề khai thác nhựa dầu rái. Những người còn gắn bó với nghề này thì nay tuổi cũng đã cao, lớp con cháu sau này cũng không ai theo nghề này. Theo thời gian, càng ngày sẽ càng có ít người tiếp tục công việc này và rất có thể chỉ vài năm nữa sẽ chẳng có ai còn làm nghề lấy nhựa dầu rái.
 
Bài, ảnh: Đức Tươi
 
 

.