Ly hôn trong các gia đình trẻ tăng: Để lại nhiều hệ lụy

10:01, 17/01/2018
.

(Báo Quảng Ngãi)- Tình trạng ly hôn ở những gia đình trẻ ngày càng phổ biến, chiếm khoảng 2/3 số vụ ly hôn mà các cấp tòa trong tỉnh thụ lý. Họ là những người trẻ, đến với hôn nhân bằng tình yêu, nhưng lại dễ dàng buông tay khi có mâu thuẫn, khó khăn, để lại những hệ lụy buồn.


Tan vỡ vì không hợp nhau

Theo ngành tòa án, những vụ ly hôn của những cặp vợ chồng trên 40 tuổi, lý do chủ yếu là vì bạo hành, nhưng đối với cặp vợ chồng trẻ tuổi thì lý do là không hợp nhau, bất đồng quan điểm. Cũng như nhiều cặp vợ chồng trẻ ly hôn, vợ chồng anh N (30 tuổi) và chị T (23 tuổi) ở xã Hành Thiện (Nghĩa Hành), chia tay nhau trong sự tiếc nuối của cả cha mẹ hai bên gia đình và bà con hàng xóm. Anh N làm nghề cửa sắt, chị T làm công nhân, cả hai đến với nhau bằng tình yêu. Thế nhưng, sau một năm chung sống,  có với nhau một đứa con trai, thì chị T đề nghị ly hôn vì không hợp nhau trong cách sống. Thường ngày, T ở nhà chăm con, nội trợ, còn anh N làm việc ở cửa hàng, hai vợ chồng thiếu sự chia sẻ, trò chuyện, khiến T buồn chán.

  Ly hôn khi còn trẻ, không chỉ người trong cuộc mà cha mẹ, gia đình hai bên và cả những đứa trẻ thơ dại đều chịu những hệ lụy.
Ly hôn khi còn trẻ, không chỉ người trong cuộc mà cha mẹ, gia đình hai bên và cả những đứa trẻ thơ dại đều chịu những hệ lụy.


Đối với trường hợp của vợ chồng chị N và anh M, đều 25 tuổi, ở xã Bình Đông (Bình Sơn) thì chia tay vì chưa hiểu hết tính cách của nhau. Cả hai đều là những người có trình độ học vấn cao, việc làm ổn định. Sau thời gian tìm hiểu gần 3 năm, họ mới kết hôn, nhưng khi con chỉ mới 5 tháng tuổi, chị N gửi đơn xin ly hôn.  Chị N ngậm ngùi cho biết, mình vẫn chưa thật sự hiểu hết tính cách của chồng và ngược lại.

Thư ký TAND huyện Bình Sơn Trương Quang Bình cho biết, những người trẻ ly hôn thường không có mâu thuẫn rõ ràng, chỉ cần vài bức xúc đơn giản về quan điểm, cách sống là họ có thể ly hôn. Có nhiều người yêu nhau vài năm rồi mới kết hôn, nhưng khi sống chung với nhau thời gian ngắn thì đã đường ai nấy đi.
 

Lắng nghe và chia sẻ nhiều hơn

Theo Phó Chánh án TAND huyện Sơn Tịnh Nguyễn Thị Nga, để có một cuộc hôn nhân hạnh phúc, bền vững không phải là điều dễ dàng, cần sự cố gắng, chia sẻ. Không phải đơn độc từ một phía chồng hoặc vợ, mà cần có sự quan tâm, sẻ chia của cả hai, khi đã là gia đình của nhau thì cần có sự hy sinh dành cho nhau.

Theo ngành tòa án, số vụ ly hôn ở những cặp vợ chồng trẻ ngày càng tăng cao. Nếu năm 2012, Tòa án các huyện Tư Nghĩa, Bình Sơn, Sơn Tịnh giải quyết số vụ ly hôn ở các  cặp vợ chồng dưới 30 tuổi chiếm khoảng 1/4 - 1/3 trong tổng số vụ, thì đến năm 2017 chiếm từ khoảng hơn 2/3 số vụ. Ở huyện Sơn Tịnh, năm 2017 án ly hôn chiếm gần 60% tổng số án thụ lý (130/228 vụ), Bình Sơn 211/358 vụ, trong đó án ly hôn dưới 30 tuổi chiếm 70%.

Hệ lụy buồn

Theo Phó Chánh án TAND huyện Sơn Tịnh Nguyễn Thị Nga, xã hội càng hiện đại, phát triển thì người trẻ có tư duy cởi mở, phóng khoáng hơn. Nếu hôn nhân có dấu hiệu không hạnh phúc, mâu thuẫn thì họ sẵn sàng ly hôn. Nhiều người trẻ nhìn nhận đơn giản về hôn nhân, từ đó không có sự chuẩn bị cho một cuộc hôn nhân bền vững.

Thường những vụ ly hôn ở những gia đình trẻ xảy ra khi kết hôn từ 1- 3 năm và đa số đều có một đứa con. Họ ly hôn khi kinh tế chưa vững vàng nên đa số đều gửi con cho ông bà, để bước vào hành trình mưu sinh và tìm kiếm những mối quan hệ mới. Có con trai ly hôn, cháu nội mới vài tháng tuổi, nên bà Nguyễn Thị Khiếm, ở xã Hành Thiện  (Nghĩa Hành) đành phải nghỉ việc ở nhà trông cháu. “Ngày nay sao tụi trẻ dễ bỏ nhau quá. Thời của tôi, khó khăn mấy cũng cùng nhau vượt qua. Chẳng có cuộc hôn nhân nào mà không sóng gió, nhưng phải cố gắng, chứ không thể cứ mâu thuẫn lại ly hôn được”, bà Khiếm thở dài.

Theo anh Bình thì ly hôn khi còn trẻ, đa số đều bước vào một cuộc hôn nhân tiếp theo và nếu không chín chắn, thiếu sự chuẩn bị thì bi kịch ly hôn lại tiếp tục xảy ra.  Hệ lụy đáng buồn nhất là những đứa trẻ không có được sự yêu thương, quan tâm chăm sóc, giáo dục đầy đủ của cả bố và mẹ, có thể dẫn đến tình trạng phạm tội ở tuổi thanh thiếu niên.


Bài, ảnh: HIỀN THU


 


.