Hành trình trao yêu thương

08:01, 06/01/2018
.

(Báo Quảng Ngãi)- Tri ân các anh hùng liệt sĩ, thương binh, người có công với cách mạng; sẻ chia, giúp đỡ người nghèo, những người không may mắn... là hành trình trao yêu thương giàu nghĩa cử nhân văn.

TIN LIÊN QUAN

Những nghĩa cử tri ân

Thực hiện Quyết định 154 của UBND tỉnh, đến nay, 500 căn nhà tình nghĩa đã được hoàn thành, với tổng kinh phí 20 tỷ đồng. Đây là một trong những hoạt động trọng tâm trong công tác “Đền ơn đáp nghĩa” nhân kỷ niệm 70 năm ngày Thương binh – Liệt sĩ. Là một trong số 500 hộ gia đình người có công năm nay được đón Tết trong căn nhà mới khang trang, bà Đỗ Thị Hồng Thủy, thương binh hạng 3/4, ở xã Đức Thạnh (Mộ Đức) xúc động bày tỏ: “Nhiều năm nay, tôi sống trong căn nhà xuống cấp, nhưng không có điều kiện tu sửa. Nay được tỉnh quan tâm hỗ trợ xây dựng nhà ở, nên Tết này rất vui”.

Nghiệm thu và bàn giao nhà tình nghĩa cho bà Đỗ Thị Hồng Thủy, thương binh hạng 3/4, ở xã Đức Thạnh (Mộ Đức). Ảnh: V.Y
Nghiệm thu và bàn giao nhà tình nghĩa cho bà Đỗ Thị Hồng Thủy, thương binh hạng 3/4, ở xã Đức Thạnh (Mộ Đức). Ảnh: V.Y


Toàn tỉnh hiện có trên 180 nghìn người được xác nhận là người có công với cách mạng (chiếm 13% dân số toàn tỉnh), trong đó có trên 37.000 liệt sĩ, 24.000 thương binh, 6.239 Bà mẹ VNAH, 11.092 người hoạt động cách mạng hoặc hoạt động kháng chiến bị địch bắt tù đày, gần 6.000 người hoạt động kháng chiến và con đẻ của họ bị nhiễm chất độc hoá học... Hiện có trên 50.000 người đang hưởng trợ cấp ưu đãi người có công hằng tháng. Với những chính sách ưu đãi của Nhà nước, cùng với sự chung tay chăm lo của toàn xã hội, nên hiện nay có trên 90% hộ gia đình người có công với cách mạng có mức sống bằng hoặc cao hơn mức sống người dân nơi cư trú; 474 Mẹ VNAH còn sống được các đơn vị nhận phụng dưỡng suốt đời.
 

“Năm 2018, ngành LĐ-TB&XH sẽ tiếp tục huy động nhiều nguồn lực để chung tay chăm lo, chia sẻ, tri ân người có công với cách mạng, đưa công tác này ngày càng thiết thực và đi vào chiều sâu”.
Giám đốc Sở LĐ-TB&XH LƯƠNG KIM SƠN

Trong năm qua, ngành LĐ-TB&XH cũng đã đầu tư xây dựng, sửa chữa, nâng cấp 18 công trình ghi công liệt sĩ, với tổng kinh phí trên 17,4 tỷ đồng, tạo nên diện mạo mới cho những công trình ghi công liệt sĩ. Cùng với đó là, giải quyết cho 3.077 người hưởng chế độ trợ cấp ưu đãi theo quy định tại Nghị định số 31/CP; 552 thanh niên xung phong được hướng dẫn, giải quyết chế độ trợ cấp. Thẩm định hồ sơ và đề nghị Chủ tịch UBND tỉnh xem xét trình Thủ tướng Chính phủ 255 hồ sơ Bà mẹ VNAH, 253 hồ sơ tặng thưởng Huân chương Độc lập các hạng cho gia đình có nhiều liệt sĩ...

Không những thế, ngành LĐ-TB&XH còn quan tâm nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của các gia đình có công với cách mạng, thông qua việc tổ chức đối thoại với người có công ở 13 huyện, thành phố trong tỉnh, thu hút trên 1.300 người tham gia. Đây cũng là nét mới trong công tác của ngành LĐ-TB&XH. “Qua đối thoại đã giúp người có công với cách mạng có điều kiện phản ánh, bày tỏ nguyện vọng của mình với Đảng và Nhà nước”, bà Trần Thị Dư (66 tuổi), thương binh 2/4, ở xã Hành Tín Đông (Nghĩa Hành) sẻ chia.

"Không bỏ ai ở lại phía sau"

Chúng tôi đến thăm gia đình bà Lê Thị Hoanh (72 tuổi), ở xã Phổ Thuận (Đức Phổ) vào dịp cuối năm. Gia đình bà Hoanh là hộ nghèo, có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn của xã, nên được Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện hỗ trợ 40 triệu đồng xây dựng nhà “Ðại đoàn kết”. Bà Hoanh phấn khởi, cho biết: “Năm nay ăn Tết vui rồi! Nếu không có sự hỗ trợ của Ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp, thì có lẽ tôi sẽ không bao giờ được sống trong căn nhà kiên cố, khang trang thế này”.

Nhiều tổ chức thiện nguyện có nhiều cách làm hay để giúp đỡ người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn. ẢNH: TL
Nhiều tổ chức thiện nguyện có nhiều cách làm hay để giúp đỡ người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn. ẢNH: TL


Với những người nhận được sự giúp đỡ như gia đình bà Hoanh, thì ngoài giá trị vật chất còn có ý nghĩa tinh thần rất lớn. Bởi lẽ, mỗi ngôi nhà “Ðại đoàn kết” đều được kết nối, chia sẻ từ rất nhiều những tấm lòng. Vì thế, chương trình này mang đậm tính nhân văn sâu sắc, thể hiện sự quan tâm của các cấp ủy, chính quyền, MTTQ các cấp và tinh thần tương thân, tương ái; sự đùm bọc, sẻ chia của cộng đồng với người nghèo, những người không may mắn.
 

Năm 2017, Ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp đã vận động, tiếp nhận trên 17 tỷ đồng, trong đó Quỹ “Vì người nghèo” cấp tỉnh tiếp nhận 7 tỷ đồng và Quỹ “Vì người nghèo” cấp cơ sở tiếp nhận ủng hộ trên 10 tỷ đồng (trong đó vận động từ 2 ngày lương của CB, CCVC trên 5,3 tỷ đồng). Ban vận động Quỹ “Vì người nghèo” tỉnh và các huyện, thành phố đã hỗ trợ xây dựng 115 nhà đại đoàn kết; hỗ trợ xây dựng 501 nhà tránh lũ (mức 3 triệu đồng/nhà); hỗ trợ 150 con bò giống cho hộ nghèo, để thực hiện thoát nghèo bền vững...

Phong trào chung tay chăm lo cho người nghèo không chỉ có những đơn vị lớn như Công ty CP Đường Quảng Ngãi, Công ty Lọc hóa dầu Bình Sơn, Công ty TNHH VSIP Quảng Ngãi... mà còn thu hút nhiều cá nhân, nhóm thiện nguyện trong và ngoài tỉnh tham gia. Mới đây, CLB thiện nguyện "Về với quê mình Quảng Ngãi" đã phối hợp với Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh tổ chức đêm nhạc gây quỹ cho người nghèo và đã huy động được gần 800 triệu đồng, để chăm lo Tết cho người nghèo. Chủ nhiệm CLB Kiều Minh Phụng, cho biết: “CLB đã tập hợp những người Quảng Ngãi ở TP.Hồ Chí Minh. Đây cũng là năm thứ 2 CLB tổ chức đêm nhạc, để ủng hộ cho người nghèo có một cái Tết đầm ấm”.

Ở nhiều địa phương trong tỉnh cũng đã xuất hiện ngày càng nhiều những “địa chỉ” từ thiện để hỗ trợ thường xuyên cho người nghèo. Như Hội Phụ nữ xã Tịnh Sơn (Sơn Tịnh) phối hợp với Ủy ban MTTQ Việt Nam xã, hỗ trợ 12 hộ nghèo trong xã 10kg gạo/hộ/tháng; chùa Hoa Sơn, xã Nghĩa Phú (TP.Quảng Ngãi) hỗ trợ 10kg gạo/tháng cho 60 hộ nghèo... Đây cũng là một trong những nguồn lực để MTTQ Việt Nam các cấp thực hiện tốt công tác an sinh xã hội.

Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Lê Văn Sáu, cho biết: Với truyền thống “lá lành đùm lá rách”, Tết đến, Xuân về cũng là lúc mọi người đều hướng về những người dân nghèo ở các vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn. Hiện nay, MTTQ Việt Nam các cấp đã và đang tập trung các nguồn lực để chăm lo Tết Mậu Tuất 2018 cho người nghèo. Đây cũng là năm đầu tiên Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh, phối hợp với Hội Chữ thập đỏ tỉnh tổ chức phong trào “Tết vì người nghèo và nạn nhân chất độc da cam” theo chỉ đạo của Thường trực Tỉnh ủy. Hy vọng, các tổ chức, đơn vị, cá nhân trong và ngoài tỉnh sẽ chung tay tham gia, để không có hộ nghèo nào bị bỏ lại phía sau.


XUÂN HIẾU
 


.