Chạy lũ, chống bệnh: Người dân Ba Nam kiệt sức

01:01, 08/01/2018
.

(Báo Quảng Ngãi)- Chưa thể gượng dậy sau đợt mưa lũ kéo dài, người dân xã vùng cao Ba Nam (Ba Tơ) lại phải đối mặt với căn bệnh viêm da dày sừng bàn tay, bàn chân vừa tái xuất hiện tại đây. Bao khó khăn bủa vây, nhiều người dân Ba Nam kiệt sức...

TIN LIÊN QUAN

Bất an với bệnh

Những ngày cuối năm ở thôn Làng Dút 1, xã Ba Nam, cả làng vắng lặng, chỉ có mưa và rét là mỗi lúc một tăng thêm. Hai mẹ con chị Phạm Thị Dách vừa mới từ bệnh viện trở về sau nửa tháng nằm tại đây điều trị. Nghe tin hàng xóm ra viện, nhưng dường như chẳng mấy người đến thăm. Cửa nhà ai cũng im ỉm khóa.

 

 

Thăm, tặng quà cho hai mẹ cho chị Phạm Thị Dách - bệnh nhân viêm da dày sừng bàn tay bàn chân ở thôn Làng Dút.
Thăm, tặng quà cho hai mẹ cho chị Phạm Thị Dách - bệnh nhân viêm da dày sừng bàn tay bàn chân ở thôn Làng Dút.

Đoàn y, bác sĩ từ Trung tâm Y tế huyện Ba Tơ đi xe máy - phương tiện duy nhất có thể về được làng vào những ngày mưa, đến gia đình chị Dách thăm hỏi, kiểm tra sức khỏe, động viên mẹ con chị ra lại Trung tâm để thăm khám, theo dõi bệnh.

Câu chuyện chăm sóc sức khỏe cho mẹ con chị Dách chẳng thể nói được nhiều, vì hôm nay người nhà của họ tổ chức “cúng con bệnh” theo phong tục người Hrê ở Ba Nam. Ít nhất cũng phải mất hai ngày thủ tục này mới xong, mẹ con chị Dách mới có thể xuống Trung tâm Y tế huyện theo lời động viên của bác sĩ...

Già làng Phạm Văn Thua, thôn Làng Dút 1 bảo rằng: “Từ ngày làng có bệnh, mình khó ngủ lắm! Gạo hết mà không có ai thuê mình đi làm cả!”. Còn trưởng thôn Làng Dút 1 Phạm Văn Chương, cho biết: “Người dân lo lắng lắm! Hiện giờ lại đang mùa cày cấy vụ mới, nhưng nhiều người dân sợ không dám đi ruộng, đi rẫy. Lương thực, thực phẩm cạn kiệt. Mong cấp trên quan tâm giúp đỡ cho dân làng!”.

Các bác sĩ Trung tâm Y tế huyện Ba Tơ thì cho rằng, ngành rất quan tâm, lo lắng, sẽ làm hết sức mình, nhưng chưa thể nói trước được điều gì với căn bệnh này cả.

Bí thư Đảng ủy xã Ba Nam Phạm Văn Đinh, thì ngày nào cũng tranh thủ chạy xe máy về đầu làng, dựng ở đó, đi bộ vượt con dốc cao dựng đứng, trơn như mỡ để động viên dân làng “Ăn chín, uống sôi, giữ vệ sinh nhà cửa, áo quần, để có sức khỏe, chống lại căn bệnh này.

Lo sợ sạt lở

Đường về xã Ba Nam sau mưa lũ đã thông, nhưng chỉ thông với “xe máy”. Nhiều đống sạt lở lớn đã được dọn dẹp, nhưng sạt lở mới lại tiếp tục gia tăng.

Cả xã Ba Nam hiện có 5 thôn, nhưng có tới 3 thôn đang đề nghị cấp trên làm khu tái định cư, để di dời dân vùng sạt lở. Đó là thôn Làng Dút 1, Làng Vờ, Xà Râu. Những căn nhà chênh vênh trên cao. Cách những cây cột nhà sàn không xa là những vết nứt đang rộng thêm, kéo đất đá xuống vực sâu mỗi ngày.

Già làng Phạm Văn Voi, thôn Xà Râu, cho biết: “Làng này dân về ở đã lâu. Ngày trước thì không sao, gần đây sạt lở mạnh lắm, nhất là mùa mưa bão. Nhiều đêm đang ngủ, nghe tiếng động mạnh, sáng ra đã thấy con đường mòn đi về mỗi ngày không còn nữa!”.

Còn Bí thư xã Ba Nam Phạm Văn Đinh thì đưa ra định hướng: Đất ở Ba Nam tuy rộng, nhưng toàn đồi núi cao, vực sâu, không có nơi bằng phẳng để đưa dân về sống tập trung. Người dân thực sự rất khó khăn, không thể tự lo đất để làm nhà. Xã cũng đã lên phương án quy hoạch vùng để di dời dân các thôn vùng sạt lở về ở, nhưng phải chờ cấp trên xem xét quyết định bố trí kinh phí mới đầu tư được. “Cứ nghe mưa lớn là xã động viên dân phải tự di chuyển đến nơi an toàn. Thế nhưng mưa lũ bất thường, cũng khó có thể đảm bảo được tính mạng, tài sản cho dân trước nạn sạt lở núi”, Bí thư Phạm Văn Đinh trăn trở.

Năm 2017 vừa đi qua. Trong đánh giá tình hình kinh tế - xã hội của xã Ba Nam có chi tiết: Thu nhập bình quân năm đạt 11,5 triệu đồng/người/năm, giảm 1,5 triệu đồng so với năm 2016. Nguyên nhân được Chủ tịch UBND xã Ba Nam Phạm Văn Tương, giải thích: “Do mưa lũ kéo dài, bệnh tật, ốm đau, dân không đi làm ăn được”.


Bài, ảnh: THANH NHỊ

 


.