Thông tin chính thức vụ sát hại cháu bé 23 ngày tuổi

10:11, 29/11/2017
.

Công an Thanh Hóa đã xác định được nghi can liên quan đến cái chết của cháu bé 23 ngày tuổi là bà Phạm Thị Xuân (bà nội nạn nhân). Do đây là vụ án có nhiều tình tiết phức tạp và đang trong quá trình điều tra, nên cơ quan Cảnh sát điều tra chưa đưa ra kết luận nguyên nhân, động cơ, mục đích phạm tội của bà Phạm Thị Xuân. 
 
Trước đó, tối 28/11, Công an Thanh Hóa thông tin: Vào khoảng 19h ngày 25/11, tại nhà anh Lê Hữu Thuận, ở đường Nguyễn Du, phường Bắc Sơn, Thị xã Bỉm Sơn đã xảy ra vụ bắt cóc trẻ em.
 
Vào thời điểm trên, mẹ anh Thuận (bà Phạm Thị Xuân) đang bế cháu nhỏ vừa sinh ngày 3/11/2017 thì bị 2 đối tượng lạ mặt gồm một nam và một nữ đi xe máy tay ga vào khống chế bà Xuân.
 
Đối tượng nam dùng dao đe dọa, đối tượng nữ một tay túm tóc, một tay bịt miệng bà Xuân, đẩy bà Xuân ra cổng nhà và giằng lấy cháu bé, đối tượng nam đạp bà Xuân ngã và cả hai bế cháu bé lên xe máy tẩu thoát.
 
Đến khoảng 10h sáng 27/11, thi thể bé gái bị bắt cóc được người dân tìm thấy tại một bãi rác trên địa bàn thị xã Bỉm Sơn (khu vực gần Nhà máy xi măng Long Sơn), cách nhà bị hại gần10 km. 
 
Nhận định đây là vụ án có tính chất đặc biệt nghiêm trọng, Công an tỉnh Thanh Hóa đã báo cáo nội dung vụ án với cục Cảnh sát hình sự, đồng thời trưng cầu Viện Khoa học hình sự Bộ Công an phối hợp khám nghiệm tử thi và tiến hành điều tra truy xét.
 
Đến chiều 28/11, Công an Thanh Hóa đã xác định được nghi can gây ra cái chết của cháu bé. Do vụ án có nhiều tình tiết phức tạp và đang trong quá trình điều tra nên danh tính nghi can vẫn đang được giữ kín.
 
Công an tỉnh Thanh Hóa cho biết, hiện cơ quan CSĐT Công an Thanh Hóa vẫn đang tiếp tục điều tra mở rộng và sẽ sớm cung cấp thông tin khi vụ án đã được điều tra, làm rõ.
 
Chiều 29/11, Cổng TTĐT Công an Thanh Hóa tiếp tục phát đi thông tin cho biết: Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Thanh Hoá đã điều tra, làm rõ và xác định được nghi can liên quan đến cái chết của cháu bé là bà Phạm Thị Xuân (bà nội cháu bé), sinh năm 1952 ở xã Vũ Lăng, huyện Tiền Hải, tỉnh Thái Bình...
Đại tá Khương Duy Oanh, Phó Giám đốc, Thủ trưởng cơ quan CSĐT Công an tỉnh Thanh Hóa cho biết: Ngay sau khi vụ án xảy ra, Công an Thanh Hóa đã huy động lực lượng Cảnh sát hình sự và các đơn vị nghiệp vụ có mặt ngay tại hiện trường để tiến hành các biện pháp điều tra.
 
Đến 16 giờ ngày 28/11 đã xác định được nghi can có liên quan trực tiếp đến cái chết của cháu bé.

 

 
Căn cứ vào những dấu vết và kết quả khám nghiệm hiện trường, khám nghiệm tử thi cùng những mâu thuẫn trong lời khai của bà nội cháu bé về việc có 2 đối tượng lạ mặt (một nam, một nữ) vào khống chế, bắt cóc cháu bé, cơ quan Cảnh sát điều tra công an Thanh Hóa đã loại bỏ các yếu tố bắt cóc. Toàn bộ sự việc là do bà nội cháu bé dựng lên.
 
Trước những chứng cứ mà các điều tra viên đưa ra, bước đầu bà Phạm Thị Xuân thừa nhận hành vi đã gây ra cái chết của cháu bé, sau đó tạo nên hiện trường giả về một vụ bắt cóc nhằm đánh lạc hướng điều tra của cơ quan công an.
 
Do đây là vụ án có nhiều tình tiết phức tạp và đang trong quá trình điều tra, nên cơ quan Cảnh sát điều tra chưa đưa ra kết luận nguyên nhân, động cơ, mục đích phạm tội của bà Phạm Thị Xuân.
 
Công an Thanh Hóa sẽ sớm cung cấp thông tin khi vụ án đã được điều tra, làm rõ.
 
 
Liên quan đến một số vụ bạo hành, xâm hại, sát hại trẻ em, chiều 28/11, Văn phòng Chủ tịch nước đã có công văn số 1581/VPCTN-TH gửi Ủy ban Quốc gia về trẻ em, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Y tế, Bộ Công an, Tòa án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, thông báo ý kiến của Chủ tịch nước Trần Đại Quang về các vụ bạo hành, xâm hại, thậm chí sát hại trẻ em xảy ra tại một số địa phương.
 
Văn bản nêu rõ, thời gian gần đây, các phương tiện thông tin đại chúng đưa tin nhiều vụ bạo hành, xâm hại, thậm chí sát hại trẻ em xảy ra tại một số địa phương, gây tâm lý hoang mang, lo lắng cho các gia đình và bức xúc trong dư luận xã hội.
 
Trước tình hình này, Chủ tịch nước Trần Đại Quang đề nghị Ủy ban Quốc gia về trẻ em, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Y tế, Bộ Công an, các bộ, ngành liên quan và các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra, giám sát việc thực hiện các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về trẻ em, nhất là Chỉ thị số 20-CT/TW ngày 05/11/2012 của Bộ Chính trị (Khóa XI) về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em trong tình hình mới, Luật Trẻ em năm 2016.
 
Chủ tịch nước cũng đề nghị các bộ, ngành, liên quan, các địa phương có các giải pháp hiệu quả bảo đảm trẻ em được sống trong môi trường an toàn, lành mạnh, phát triển toàn diện cả về thể chất và tinh thần.
 
Tổ chức kiểm tra, thanh tra việc chấp hành quy định của pháp luật tại các trường mầm non, trường mẫu giáo, nhà trẻ, nhóm trẻ trong cả nước để phòng ngừa, ngăn chặn, điều tra, xử lý nghiêm minh các hành vi vi phạm pháp luật về trẻ em.
 
Theo Chinhphu.vn

.