Tập trung khắc phục hạ tầng giao thông, thủy lợi

09:11, 18/11/2017
.

(Báo Quảng Ngãi)- Mưa lũ từ ngày 3 đến ngày 6.11 tàn phá nặng nề các công trình thủy lợi và giao thông, với giá trị thiệt hại ước tính gần 600 tỷ đồng. Hiện nay, các đơn vị và địa phương đang tập trung khắc phục, nhằm đảm bảo giao thông thông suốt cũng như nước tưới phục vụ sản xuất vụ đông xuân 2017-2018.

TIN LIÊN QUAN

Tuy nhiên, việc sửa chữa, khắc phục hạ tầng giao thông, các công trình thủy lợi, kênh mương hiện đang gặp rất nhiều khó khăn. Một phần do kinh phí hạn hẹp, phần do mưa gió bất thường khiến nhiều điểm còn ngập trong nước và lượng đất, đá bồi lấp quá lớn, nguy cơ sạt lở cao, việc vận chuyển phương tiện máy móc vào thi công gặp nhiều trở ngại...         
 

“Ưu tiên khắc phục công trình phục vụ sản xuất, hạ tầng giao thông”

Chính quyền các cấp cần chủ động, tập trung huy động mọi nguồn lực để khắc phục thiệt hại do mưa lũ gây ra. Trong đó, ưu tiên bố trí nguồn lực khắc phục hạ tầng giao thông, các công trình phục vụ sản xuất, đặc biệt là hệ thống kênh mương thủy lợi, nhằm đảm bảo nước tưới cho vụ sản xuất đông xuân 2017-2018. Hạn chế thấp nhất diện tích bị bỏ hoang, không gieo sạ được do thiếu nước, sa bồi thủy phá…    
 

Chủ tịch UBND tỉnh
TRẦN NGỌC CĂNG

Nhiều công trình tan nát

Lũ qua, tuyến kênh chính Bắc, đoạn qua xã Tịnh Phong (Sơn Tịnh) và kênh B7, đoạn qua xã Bình Hiệp-Bình Long (Bình Sơn) bị hư hỏng nặng. Bờ kênh vỡ. Lòng kênh bị bồi lấp. Tràn vào kênh cũng hỏng. Vì vậy, việc cấp nước phục vụ sản xuất cho hơn 1.000ha đất sản xuất nông nghiệp của các xã Bình Hiệp, Bình Phước, Bình Long, Bình Trị (Bình Sơn) và Tịnh Phong (Sơn Tịnh) cùng KKT Dung Quất có nguy cơ bị ách tắc.

Trong khi đó, tuyến kênh B10 cũng bị sạt lở. Khối lượng đất đá bồi lấp lòng kênh đã ảnh hưởng rất lớn đến năng lực cấp, thoát nước phục vụ cho KCN VSIP cũng như các địa phương lân cận.

Giám đốc Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi Quảng Ngãi (Công ty KTCTTL) Đặng Huy Lâm cho biết: Ngoài tuyến kênh chính Bắc, B7, B10, thì lũ lớn làm hơn 54km kênh mương và 350 điểm/86 hạng mục công trình, hồ đập thủy lợi do công ty quản lý bị sạt lở, bồi lắng và hư hỏng nặng. Điều này ảnh hưởng rất lớn đến việc cấp nước cho các KCN, KKT Dung Quất; nhất là vụ sản xuất đông xuân 2017-2018.

Đối với giao thông, Quốc lộ 24C-tuyến đường kết nối thông thương giữa các huyện miền núi Quảng Ngãi với Quảng Nam hiện vẫn bị tắc do sạt lở. Nặng nhất là đoạn qua đèo Eo Tà Mã, khu vực giáp ranh giữa xã Trà Hiệp (Trà Bồng) và Trà Thanh (Tây Trà), do khối lượng đất đá bồi lấp đường lớn.
Phương tiện cơ giới của Công ty CP Xây dựng Giao thông đang nỗ lực thông tuyến tại đèo Eo Tà Mã.              Ảnh: LÊ ĐỨC
Phương tiện cơ giới của Công ty CP Xây dựng Giao thông đang nỗ lực thông tuyến tại đèo Eo Tà Mã. Ảnh: LÊ ĐỨC


Trong khi đó, tuyến đường Đông Trường Sơn, đoạn từ xã Sơn Bua đến Sơn Long (Sơn Tây) hiện vẫn chưa thông suốt. Vì vậy, việc đi lại, buôn bán của người dân gặp rất nhiều khó khăn. Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Sơn Tây Đinh Quang Ven, đây là tuyến đường thuộc trách nhiệm quản lý của Bộ Quốc phòng và Bộ GTVT, nên để đảm bảo giao thông đi lại, huyện chỉ huy động nhân dân khắc phục tạm thời.

Không chỉ nền đường, mương thoát nước mà nhiều cầu cống trên các tuyến tỉnh lộ cũng bị hư hỏng nghiêm trọng. Nhiều cầu bị cuốn trôi, mố cầu sụt lún, nên lực lượng chức năng phải dựng rào chắn và đặt các biển cảnh báo.

Tập trung khắc phục

Trước thiệt hại nặng nề do mưa lũ gây ra, chính quyền các địa phương đã chủ động trích ngân sách để khắc phục tạm thời, nhằm thông các tuyến giao thông. Tuy nhiên, việc khắc phục gặp rất nhiều khó khăn do khối lượng đất đá lớn, nguy cơ sạt lở cao. Chính vì vậy, chính quyền các địa phương đã huy động nhân dân và các đơn vị thi công, lực lượng, phương tiện tập trung khắc phục các điểm hư hỏng.

Giám đốc Công ty CP Xây dựng Giao thông Đinh Tấn Dũng cho biết, công ty huy động 60 nhân công và hơn 40 đầu phương tiện tập trung thi công khắc phục hậu quả mưa lũ. Ngoài ra, khoảng 30 nhân công của các Hạt quản lý đường bộ cũng ra quân nạo vét, thông cống, rãnh, hệ thống mương thoát nước dọc các tuyến, đảm bảo trong thời gian sớm nhất hoàn thành việc dọn đất, đá thông tuyến cũng như tạo cơ sở để khắc phục trong lâu dài.

Theo Phó Giám đốc Sở GTVT Lê Nhân, đến thời điểm này các tuyến Quốc lộ, đường tỉnh, đường huyện và đường xã đã thông xe một vạch. Riêng Quốc lộ 24C vẫn bị chia cắt tại Km70+500-Km71+400 và một số tuyến đường huyện, đường xã trên địa bàn huyện Tây Trà vẫn bị chia cắt. “Chúng tôi đã đề nghị Bộ GTVT, Hội đồng Quản lý Quỹ bảo trì đường bộ Trung ương bố trí 102 tỷ đồng để khắc phục hậu quả lũ lụt trên các tuyến quốc lộ ủy thác”, ông Nhân cho biết.

Tuyến kênh B7 bị vỡ, nhưng công tác khắc phục gặp khó vì đường lầy lội, nên đơn vị thi công không thể tập kết phương tiện. Ảnh: M.HOA
Tuyến kênh B7 bị vỡ, nhưng công tác khắc phục gặp khó vì đường lầy lội, nên đơn vị thi công không thể tập kết phương tiện. Ảnh: M.HOA


Đối với thủy lợi, dù đơn vị chủ quản là Công ty KTCTTL đã huy động nguồn lực, phương tiện máy móc, nhưng hiện công tác khắc phục gặp rất nhiều khó khăn. “Khối lượng đất đá bồi lấp lòng kênh quá lớn nên phải sử dụng cơ giới hóa để đào 2 lớp. Tuy nhiên, chúng tôi chưa thể vận chuyển máy móc vào khu vực cần sửa chữa vì một số điểm vẫn còn bị ngập nước, đường nhỏ lại lầy lội”, Giám đốc Công ty KTCTTL Đặng Huy Lâm lý giải.

Tuy nhiên, vì đảm nhận tưới tiêu cho hơn 23 nghìn ha lúa vụ sản xuất đông xuân 2017-2018 và phục vụ nước cho các KCN, KKT Dung Quất nên hiện giờ, Công ty KTCTTL tập trung kiểm tra, rà soát và xây dựng phương án khắc phục tạm thời, đảm bảo đến ngày 15.12 phải mở nước Thạch Nham, phục vụ sản xuất. “Với giá trị thiệt hại trên 27 tỷ đồng, trong khi đơn vị chỉ cân đối bố trí được 3 tỷ đồng để gia cố, sửa chữa tạm thời các công trình. Vì vậy, chúng tôi rất mong các ngành chức năng quan tâm, hỗ trợ kinh phí để đơn vị có điều kiện khắc phục và kiên cố hóa một số công trình xung yếu”, ông Lâm kiến nghị.

Đồng hành cùng Công ty KTCTTL, chính quyền các địa phương cũng khẩn trương huy động lực lượng sửa chữa, khắc phục các công trình kênh mương, thủy lợi, đảm bảo cung cấp nước phục vụ sản xuất.

Tại huyện Bình Sơn, một trong những địa phương chịu thiệt hại nặng nề nhất trong đợt mưa lụt vừa qua đã tập trung mọi nguồn lực nạo vét 29 tuyến kênh, với chiều dài hơn 6km bị bồi lấp; sửa sang các công trình thủy lợi hư hỏng; cải tạo gần 34ha đất sa bồi thủy phá... Để làm được điều này, bên cạnh việc huy động hàng chục nghìn ngày công công ích, UBND huyện kêu gọi doanh nghiệp trợ sức bằng hình thức “làm trước, trả nợ sau”, nhằm đẩy nhanh tiến độ khôi phục; đảm bảo 95% diện tích ruộng xuống giống đúng lịch thời vụ.

Trực tiếp kiểm tra hiện trường và chỉ đạo công tác khắc phục, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Đặng Văn Minh yêu cầu: “Chính quyền địa phương và các ngành chức năng, cần chủ động khắc phục các công trình hư hỏng để đảm bảo giao thông bước một, nước tưới phục vụ sản xuất vụ đông xuân 2017-2018. Về lâu dài, UBND tỉnh sẽ nghiên cứu nâng cấp, kiên cố hóa một số công trình để tránh tình trạng mưa lũ là hỏng”.


M.HOA-L.ĐỨC


 


.