Mất bò mới lo... chuồng hỏng

02:11, 22/11/2017
.

(Báo Quảng Ngãi)- Đợt mưa lũ xảy ra từ ngày 3 - 6.11, gây thiệt hại nặng nề cho người dân các địa phương trong tỉnh, với tổng thiệt hại trên 950 tỷ đồng. Bên cạnh một số khu vực, công trình xếp vào diện “rủi ro cao”, thì thiệt hại vẫn xảy ra trong khu vực được xem là an toàn.

TIN LIÊN QUAN

Toàn tỉnh có 24 chiếc tàu bị chìm, hư hỏng do bị va đập trong khu neo đậu, tránh trú. Nhiều công trình kè, đê chắn sóng cũng bị gãy, sạt lở, hư hỏng nặng.  

Tàu chìm ngay tại vũng neo đậu

“Chưa có năm nào mà nhiều tàu thuyền bị sóng đánh chìm, rồi hư hỏng ngay trong vũng neo đậu như năm nay”, ngư dân Võ Hồng Thanh, xã Tịnh Khê (TP.Quảng Ngãi) mở đầu câu chuyện. Theo ông Thanh, khi đưa tàu về cảng Tịnh Hòa để tránh bão lũ, gia đình đã buộc dây neo cẩn thận, đề phòng trường hợp va đập. Vì vậy, khi hay tin chiếc tàu bị sóng đánh chìm, ông Thanh rất bất ngờ. Trong khi đó, ngư dân Nguyễn Thương, xã Bình Châu (Bình Sơn) cũng chưa hết bàng hoàng khi chiếc tàu bị sóng đánh chìm ngay khu vực neo đậu, dù đã được neo buộc chắc chắn.

Ngư dân cho rằng, thiệt hại xảy ra ngoài yếu tố thời tiết thì việc sắp xếp, bố trí chỗ neo đậu, tránh trú còn nhiều bất cập. “Mưa gió là ngư dân vội vã cho tàu trở về cảng tránh trú để đảm bảo an toàn. Nhưng về cảng thì tàu chật kín. Vì thế, nhiều tàu thuyền phải neo kiểu “nửa trong nửa ngoài”, ông Thương bày tỏ.

Kè chắn sóng Thạch Bi bị gãy.            Ảnh: TL
Kè chắn sóng Thạch Bi bị gãy. Ảnh: TL


Trong khi đó, Ban quản lý các cảng cá và khu neo đậu trú bão tàu cá Quảng Ngãi (BQL các cảng cá) thì cho rằng, hầu hết các tàu bị chìm, hư hỏng do va đập là neo đậu ngoài khu vực an toàn. Đó là thay vì ở trong vũng, ngư dân lại neo tàu ngoài luồng, cạnh cầu và dọc sông Bờ Ca.

Hơn nữa, đợt mưa lụt vừa qua, các cảng biển trên địa bàn tỉnh quá tải. Đơn cử như cảng Tịnh Hòa, có thời điểm phải chứa trên 310 chiếc tàu, hầu hết là tàu công suất lớn thay vì 250 chiếc như năng lực thiết kế. “Điều đáng nói là, hầu hết các cảng cá trên địa bàn tỉnh chỉ phục vụ tàu vỏ gỗ công suất dưới 500CV. Trong khi đó hiện nay, tàu vỏ gỗ công suất trên 500CV ngày càng nhiều, nên không đảm bảo an toàn khi vào neo đậu”, Trưởng phòng kế hoạch quản lý công trình, BQL các cảng cá tỉnh Nguyễn Thanh Hiền cho biết.

Tuy nhiên, lý giải này không được ngư dân đồng tình. “Nếu cảng quá tải, BQL các cảng cá phải sớm thông báo và hướng dẫn ngư dân tìm chỗ neo đậu an toàn hơn, chứ sao vẫn để ngư dân neo tàu ngoài luồng. Đến khi xảy ra rủi ro rồi lại nói do quá tải”, ông Thương đặt vấn đề.

Vỡ đê, gãy kè chắn sóng

Trong khi ngư dân bị thiệt hại nặng nề thì 14 hộ dân sống ven sông Trà Câu, đoạn qua xã Phổ Minh (Đức Phổ) cũng điêu đứng khi 30m bờ đê bị vỡ. “Đê vỡ không nằm ngoài dự đoán của người dân. Bờ đê bằng đất thì làm sao đủ sức chống chọi với nước lũ. Bà con chúng tôi đã kiến nghị nhiều lần, nhưng vẫn chưa được các ngành chức năng quan tâm kiên cố hóa”, ông Nguyễn Hưng, người dân xã Phổ Minh cho biết. Dù được chính quyền di dời kịp thời đến nơi an toàn, nhưng nhìn tuyến đê bị vỡ, người dân sống dọc sông Trà Câu luôn thấy bất an và lo lắng.

Còn 240 hộ dân dọc kè Thạch Bi (Đức Phổ) cũng thấp thỏm khi tuyến kè này bị biển khoét sâu từ 7-9m, làm gãy bê tông bờ kè và mặt đường, tạo nên những hố sâu khá lớn, gây nguy hiểm cho người tham gia giao thông. Phó Chủ tịch UBND huyện Đức Phổ Lê Thanh Tân, cho biết: Kè chắn sóng Thạch Bi được xây dựng nhằm bảo vệ hơn 240 nhà dân, Quốc lộ 1 và đường sắt Bắc-Nam trước tình trạng triều cường xâm thực. Tuy nhiên, kè chắn sóng Thạch Bi xây dựng từ những năm 2000, nên nhiều điểm đã bị hư hỏng. “Kinh phí kiên cố hóa đê sông Trà Câu, nâng cấp kè chắn sóng Thạch Bi vượt quá khả năng của huyện. Vì vậy, UBND huyện đã nhiều lần kiến nghị cấp trên nghiên cứu nâng cấp, kiên cố hóa hai công trình trên, nhưng đến giờ vẫn chưa được bố trí vốn”, ông Tân cho biết.

Không chỉ cảng Tịnh Hòa, đê Phổ Minh, kè Thạch Bi mà trên địa bàn tỉnh vẫn còn nhiều cảng biển, vũng neo đậu tàu thuyền được chính quyền các cấp chủ động xếp vào diện "quá tải"; còn các công trình đê, kè thì hư hỏng, xuống cấp. Biết vậy, nhưng vì điệp khúc "thiếu vốn" nên các công trình trên vẫn phải đối mặt với rủi ro.
 

MỸ HOA
 


.