Lũ đi qua, khó khăn đọng lại

09:11, 18/11/2017
.

(Báo Quảng Ngãi)- Không chỉ gặp khó trong mưu sinh, mà còn phải đối mặt với muôn vàn khó khăn trong việc đi lại, do đường lầy lội, sạt lở, nhất là ở miền núi, vùng rốn lũ Bình Sơn. Dẫu vậy, người dân những nơi này vẫn không chùn bước, luôn gắng sức vươn lên để ổn định cuộc sống, trong đó có cả những thầy cô giáo và học sinh...

TIN LIÊN QUAN

Nhọc nhằn giáo viên, học sinh vùng cao

Thầy Lâm (Trường THCS Ba Trang) quê ở phường Quảng Phú (TP.Quảng Ngãi). Có hai đường để đi đến trường, từ xã Phổ Cường (Đức Phổ) đi lên hoặc từ thị trấn Ba Tơ băng qua. Sau khi lũ rút, thầy Lâm tranh thủ đến trường để ổn định lớp học. Tuy nhiên, tuyến đường từ xã Phổ Cường đến Trường THCS Ba Trang (Ba Tơ) chỉ hơn 20km, nhưng là một hành trình đầy vất vả. Thầy Lâm cùng đồng nghiệp đều đã chuẩn bị tâm thế, nhưng khi vượt được phân nửa đoạn đường thì chẳng may xe gặp nạn, gây chấn thương ở bàn chân và được đồng nghiệp đưa về Trạm xá xã Ba Trang để khâu vết thương.

 Vợ chồng ông Nguyễn Thế Bình sửa sang lại lồng cá. Ảnh: BS
Vợ chồng ông Nguyễn Thế Bình sửa sang lại lồng cá. Ảnh: BS


Đường đến Trường THCS Ba Lế cũng vậy. Tuy không còn cảnh lầy lội, dốc cao, nhưng đợt mưa lũ vừa qua khiến con đường còn trơ trọi sỏi, đá. Thầy cô giáo đến được trường phải mất hàng giờ. Phó Hiệu trưởng nhà trường Nguyễn Hải Dương, cho biết: Để đảm bảo an toàn cho học sinh, trường đã phân công giáo viên xuống vận động và đưa các em qua suối đến trường. Tại Trường Tiểu học và THCS xã Ba Giang, đến thứ 6 ngày 10.11, thầy trò vẫn chưa đến được trường. Hiệu trường nhà trường Đào Văn Thành, cho hay: Con đường chính đến trường bị sạt lở nghiêm trọng. Đến ngày 13.11 các em mới có thể trở lại trường.
 

Đợt lũ vừa qua đã gây thiệt hại nặng cho hộ nuôi cá ở đập Cà Ninh, thôn Thượng Hòa, xã Bình Đông (Bình Sơn). Hàng trăm tấn cá bị nước lũ cuốn trôi hoặc gây chết, khiến nhiều hộ dân phút chốc trắng tay, nợ nần... Chủ tịch UBND xã Bình Đông Bùi Thanh Vũ, cho biết: Toàn xã có trên chục hộ nuôi cá bị thiệt hại hàng trăm triệu đồng và có 120 hộ dân ở vức 1, thôn Thượng Hòa bị ngập nặng và chia cắt với bên ngoài, cuộc sống hiện nay gặp rất nhiều khó khăn.

Trưởng Phòng GD&ĐT Ba Tơ Huỳnh Giang Nam, cho biết: Phòng GD&ĐT huyện Ba Tơ đã chỉ đạo các trường có phương án dạy bù, để đảm bảo chương trình cho các em. Đối với thầy cô giáo ở vùng khó khăn, đường đến trường nguy hiểm thì phòng động viên ở lại trường để giảng dạy và đảm bảo an toàn tính mạng.

Xót thương học trò vùng lũ

Lũ đã rút, nhưng không khí trong nhà ông Kiều Đức Bình (49 tuổi) ở thôn Mỹ Tân, xã Bình Chánh (Bình Sơn) vẫn chưa thể lấy lại niềm vui. Bé Kiều Thị Ny Na, học lớp 11B6, Trường THPT Trần Kỳ Phong (con gái lớn ông Bình), trò chuyện cùng tôi mà đôi mắt đỏ hoe: "Mấy hôm nay, ba mẹ em ăn không ngon, ngủ không yên. Cả nghìn con ba ba, 500 con cá chình bị nước lũ cuốn sạch. Rồi đây gia đình sẽ sống thế nào đây?".

Bé Sa, học lớp 5 Trường Tiểu học số 2 Bình Chánh (em gái Na) thì òa khóc khi tôi hỏi về mẹ của em. Sa nói: Đêm nào mẹ cũng khóc. Mẹ bảo, gia đình trông chờ vào lứa ba ba và chình này sẽ trả xong nợ vay mượn làm ăn, nhưng nay thì trắng tay rồi. Các con cũng phải chịu cơ cực cùng bố mẹ thôi.

Ở cùng thôn với gia đình Na còn có rất nhiều gia đình khác bị thiệt hại nặng trong đợt lũ rồi. Như gia đình em Nguyễn Thị Bảo Thy, học lớp 9B, lũ đã cuốn sạch 200 con gà chuẩn bị xuất chuồng. Số gạo nếp gia đình mua dự trữ để làm bánh nổ bán dịp Tết Nguyên đán sắp đến, cũng bị ướt và hư hỏng toàn bộ.

Hay như gia đình em Đồng Sỹ Nguyên ở thôn Long Vĩnh, xã Bình Long (Bình Sơn), học sinh lớp 8 Trường THCS thị trấn Châu Ổ thì vô cùng đáng thương. Ba em bị tai biến 11 năm nay, mẹ em bán bánh cuốn, mỗi ngày chỉ kiếm được trăm nghìn đồng. Số tiền đó phải tiết kiệm để nuôi anh em Nguyên ăn học. Giờ đây, lũ ập đến khiến gia cảnh Nguyên đã khó nay còn khó khăn hơn.


M.Hạ- Đ.Sương- B.Sơn


 


.