Cần những phương án lâu dài cho người dân vùng lũ

09:11, 17/11/2017
.

(Báo Quảng Ngãi)- Ngay sau đợt mưa lũ vừa qua, nhiều đơn vị, tổ chức, cá nhân đã quyên góp, đến tận nơi hỗ trợ cho người dân chịu nhiều thiệt hại. Đây là những hành động nhân văn, kịp thời góp phần san sẻ, động viên tinh thần người dân vùng lũ. Tuy nhiên, về lâu dài, người dân vùng lũ cần những phương án dài hơi hơn để ổn định đời sống, sản xuất và bảo đảm an toàn tính mạng trong những cơn lũ lớn.

TIN LIÊN QUAN

Về các vùng rốn lũ xã Bình Minh (Bình Sơn), Hành Tín Đông (Nghĩa Hành) sau gần một tuần cơn lũ đi qua, đời sống người dân đã phần nào nối nhịp thường ngày, nhưng vẫn còn bộn bề khó khăn. Sau lũ, chị Nguyễn Thị Mỹ Lệ, ở thôn Đồng Giữa, xã Hành Tín Đông đi cắt từng nắm cỏ sót lại, rồi rửa sạch bùn đất để làm thức ăn cho bò. Chị Lệ cho biết, hoa màu bị hư hỏng hết, nên chị phải tận dụng để gia súc có thức ăn. Nỗi lo tiếp theo của chị Lệ là sắp tới các loại thực phẩm, rau xanh sẽ khan hiếm.

Sau lũ, đời sống người dân gặp nhiều khó khăn nên việc hỗ trợ cần tính đến nhu cầu thực tế của mỗi địa phương.
Sau lũ, đời sống người dân gặp nhiều khó khăn nên việc hỗ trợ cần tính đến nhu cầu thực tế của mỗi địa phương.


Đối với người dân vùng nông thôn, vùng sâu vùng xa, những gói mì tôm, chai nước được các tổ chức, cá nhân hỗ trợ kịp thời rất đáng quý, vì đường sá đi lại khó khăn, chưa họp chợ, thực phẩm khan hiếm. Tuy nhiên, mì tôm chỉ là phương án hỗ trợ khẩn cấp ngay sau cơn lũ. Sau khi nước rút, người dân cũng cần các nhu yếu phẩm thiết thực khác.

“Cảm ơn tấm lòng của các mạnh thường quân, đã nghĩ đến người dân vùng lũ. Chúng tôi rất mong các phần quà hỗ trợ được chia ra phù hợp hơn như thực phẩm, gạo, mắm muối, kem đánh răng, quần áo, xà bông...”, một người dân vùng lũ chia sẻ.

Người dân xã Bình Minh chủ yếu sử dụng nước sinh hoạt từ giếng đào. Trong đợt lũ vừa qua, các giếng nước đều bị ngập. Anh Nguyễn Văn Hải, ở thôn Tân Phước, xã Bình Minh cho biết, phần nước bị ngập đã dùng để lau rửa nhà cửa. Sau đó, anh Hải làm theo hướng dẫn của cán bộ địa phương khử trùng nước giếng để có nước sinh hoạt.

Đợt lũ vừa qua đã khiến người dân xã Bình Thới (Bình Sơn) chịu nhiều thiệt hại nặng nề. Toàn xã có 1.150/1.287 hộ bị ngập nước; số lượng hoa màu, gia súc, gia cầm bị chết, cuốn trôi khá lớn, do đó nhiều hộ dân cần hỗ trợ hạt giống cho vụ mùa tiếp theo. “Hỗ trợ mì tôm, nước uống là cần thiết. Nhưng, chúng tôi cần nhất là các lực lượng cùng chung tay dọn dẹp vệ sinh, vì lượng rác và bèo lục bình ứ đọng lại.

Tại xã Bình Thới có nhiều điểm xung yếu, như cầu tràn Sông Bi rất nguy hiểm vào mùa mưa lũ. Do đó, để bảo đảm an toàn trong mùa mưa lũ, người dân cần hỗ trợ áo phao và phương tiện qua lại. Hiện UBND xã Bình Thới không có ghe, đợt mưa lũ vừa qua xã phải thuê 3 chiếc ghe để làm phương tiện qua lại và hỗ trợ người dân, ông Nguyễn Văn Ngọc – Chủ tịch UBND xã Bình Thới cho biết.

Xử lý môi trường và nước sạch sinh hoạt là những vấn đề quan trọng sau lũ, nhất là phân trâu bò, các loại rác và xác súc vật như heo, gà. Chủ tịch UBND xã Bình Minh Võ Đức Diên cho biết, sau lũ, địa phương phải huy động nhân lực và xe công nông để dọn dẹp và chôn xác súc vật.

Những năm gần đây, nước lũ lên nhanh, dòng nước chảy xiết. Để “sống chung với lũ”, ông Diên cho rằng, người dân cần được hỗ trợ áo phao, phao bè. “Về lâu dài, Nhà nước cần tạo điều kiện cho người dân vùng lũ vay vốn lãi suất thấp để sửa chữa, nâng cấp nhà cửa kiên cố để đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản khi xảy ra bão lũ. Thực hiện Quyết định 48 của Thủ tướng Chính phủ, xã Bình Minh có 78 hộ xây nhà phòng chống lũ đã thực sự phát huy hiệu quả, nhưng chưa đáp ứng hết nhu cầu của người dân, còn nhiều hộ dân khác cần sửa lại nhà cửa. Các hộ dân có nhà cấp 4 cần làm thêm gác cao, nhưng chưa có kinh phí để sửa chữa”, ông Diên nói.
 

Bài, ảnh: BẢO HÒA
 


.