Những con đường "khổ ải" trong lòng thành phố

07:10, 24/10/2017
.

(Báo Quảng Ngãi)- Chỉ một cơn mưa nhẹ, nhưng có rất nhiều tuyến đường, con hẻm ở khu vực nội thành của TP.Quảng Ngãi trở thành "túi đựng nước", lầy lội.

TIN LIÊN QUAN

Đường trơ "xương"

Những ngày qua, tuyến đường Mạc Đĩnh Chi thuộc phường Lê Hồng Phong tụ đọng nhiều vũng nước to. Người đi xe qua đoạn đường này phải đi sát mép đường, vì ở giữa đường đã bị bong tróc thành một hố sâu. Ông Trần Sảy, ở tổ dân phố 10, phường Lê Hồng Phong, bức xúc: Tuyến đường này xuống cấp nghiêm trọng từ nhiều năm nay, đã có nhiều người ngã khi tham gia giao thông qua đây, nhiều nhất là học sinh.

Chỉ mới đầu mùa mưa mà tuyến đường đã lầy lội. Ông Trần Minh Hùng thì cho biết, năm 2010, khi dự án xây khu dân cư Bắc Gò Đá hình thành, nhiều loại xe trọng tải lớn chở đất, đá đi qua đường Mạc Đĩnh Chi, làm mặt đường hư hỏng nghiêm trọng. Ngày nắng thì bụi mịt mù không sao thở nổi.

Chỉ cần mưa nhỏ là đường Mạc Đĩnh Chi xuất hiện rất nhiều vũng nước lớn.
Chỉ cần mưa nhỏ là đường Mạc Đĩnh Chi xuất hiện rất nhiều vũng nước lớn.


Tại phường Lê Hồng Phong, ngoài con đường "khổ ải" Mạc Đĩnh Chi, còn có nhiều con hẻm cũng đã hư hỏng, xuống cấp nghiêm trọng, nhất là hẻm số 38 Hai Bà Trưng. Chỉ mới mưa nhỏ mà con hẻm này đã trở thành "túi đựng nước". Anh Võ Duy Sinh, một người dân sống trong hẻm, thở dài: "Chỉ cần cơn mưa nhỏ cũng đã ngập nước. Còn mưa lớn thì nước tràn vào sân, vào nhà của dân. Vì thế, nhà tôi phải xây móng, nâng hè cao hơn rất nhiều so với mặt đường". Nỗi khổ này còn có cả ở phường Trần Phú, trên các tuyến Nguyễn Chánh nối Trần Thái Tông - Trần Cao Vân, đoạn từ Hai Bà Trưng - Tô Hiến Thành - Trần Cao Vân; các con hẻm ở đường Trương Định...

Bao giờ được mặc "áo mới"?

Theo kỹ sư cầu đường Võ Văn Hùng, những con đường, con hẻm lâm vào tình trạng hư hỏng như trên là do sử dụng quá công năng. Có thể do thiếu vốn, phải tiết kiệm chi phí, nên các tuyến đường, con hẻm này không được đầu tư hệ thống cống thoát nước và thiết kế chưa đảm bảo. Bất kể con đường nào cũng cần phải đầu tư hệ thống cống thoát nước bài bản mới giải quyết được tình trạng ngập úng, tích tụ nước vào mỗi mùa mưa.

Trao đổi với chúng tôi về vấn đề này, Chủ tịch UBND phường Trần Phú Hồ Kỳ Phương, cho biết: Tuyến Nguyễn Chánh - Trần Thái Tông - Trần Cao Vân do Nhà nước chưa đầu tư, nên đường hư hỏng kéo dài nhiều năm nay. Còn tuyến Hai Bà Trưng - Tô Hiến Thành - Trần Cao Vân nằm trong dự án đường Trần Cao Vân.

Mới đây, UBND thành phố cũng họp lấy ý kiến. Tuy nhiên, người dân yêu cầu phải tái định cư phù hợp với điều kiện họ đang sinh sống, nên UBND thành phố đang nghiên cứu điều chỉnh phương án cho phù hợp. Đối với những con hẻm thuộc đường Trương Định, do xây dựng từ rất lâu, mặt đường hẻm thấp hơn mặt đường chính, không có hệ thống  thoát nước. "Chúng tôi mong rằng, người dân cùng chung tay với địa phương, để "thay áo mới" cho những tuyến đường trên", ông Phương chia sẻ.

Chủ tịch UBND phường Lê Hồng Phong Phạm Việt Ất thì cho biết: Đường Mạc Đĩnh Chi xuống cấp nghiêm trọng, là nỗi trăn trở lớn của phường từ nhiều năm nay. Phường đã nhiều lần kiến nghị lên UBND thành phố, nhưng chưa có nguồn vốn đầu tư. Vừa qua, Bí thư Thành ủy về đối thoại cũng được người dân phản ánh thực trạng trên. Sau đó, UBND thành phố cũng đã thống nhất nâng cấp đường Mạc Đĩnh Chi trong năm 2018, còn hẻm 38 đường Hai Bà Trưng cũng sẽ đầu tư hệ thống thoát nước trong năm tới. Như vậy, mùa mưa năm nay người dân ở những khu vực này vẫn phải tiếp tục đi lại trên những con đường "khổ ải".


Bài, ảnh: Đ.SƯƠNG

 


.