Dẹp nạn "cò" trong đăng ký đất đai

10:10, 29/10/2017
.

(Báo Quảng Ngãi)- Tuy đã có nhiều cải thiện, nhưng thủ tục hành chính (TTHC) trong việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (CNQSDĐ) vẫn còn rườm rà, cộng với thái độ phục vụ của một số cán bộ, viên chức trong lĩnh vực đăng ký đất đai chưa đúng mực, khiến người dân e ngại khi có nhu cầu làm giấy CNQSDĐ.

Người dân ngại

Thay vì trực tiếp mang hồ sơ đến nộp tại Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất huyện Đức Phổ để làm giấy CNQSDĐ, ông Trần Quốc Tuấn, xã Phổ Phong lại nhờ “cò” làm giúp với giá 10 triệu đồng.“Cực chẳng đã, chứ đi làm thủ tục liên quan đến đất đai là tôi ngán! Phải đi tới đi lui, rồi thêm giấy này bớt giấy kia mệt lắm! Thôi nhờ người làm cho khỏe!”, ông Tuấn lý giải.

Chấn chỉnh thái độ phục vụ của đội ngũ cán bộ, công chức là một trong những giải pháp góp phần dẹp nạn
Chấn chỉnh thái độ phục vụ của đội ngũ cán bộ, công chức là một trong những giải pháp góp phần dẹp nạn "cò" trong làm thủ tục đất đai (ảnh minh họa).


Khi được hỏi: "Ông đã trực tiếp đi làm các thủ tục đăng ký đất đai lần nào chưa?". Ông Tuấn bảo: “Chưa! Nhưng nghe mọi người nói, đi làm các thủ tục liên quan đến đất đai không chỉ mất cả tháng, mà còn mất tiền “bồi dưỡng”, nên tôi nhờ người khác làm cho khỏe”.

Tuy nhiên, khi nghe thông tin rằng, hiện nay việc làm các thủ tục đất đai rất đơn giản và thuận lợi. Nếu làm giấy CNQSDĐ, bà con chỉ cần mang hồ sơ gồm các loại giấy tờ liên quan như: Sổ hộ khẩu, chứng minh nhân dân, đơn xin đăng ký làm giấy CNQSDĐ lần đầu (nếu làm giấy lần đầu), hợp đồng mua bán nhà đất có công chứng (nếu chuyển nhượng)... đến nộp tại Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất huyện.

Sau khi tiếp nhận hồ sơ, cán bộ Văn phòng sẽ kiểm tra các loại giấy tờ. Nếu đầy đủ, người dân sẽ nhận giấy hẹn trả hồ sơ sau 15 ngày tiếp nhận. Còn nếu thiếu loại giấy tờ nào, cán bộ tiếp nhận hồ sơ sẽ hỗ trợ, hướng dẫn người dân bổ sung. Nghe vậy, ông Tuấn liền bảo: “Tôi đâu có biết. Chỉ nghe “cò” nói là làm Giấy CNQSDĐ phải đi tới đi lui hai tháng, rồi còn phải “bồi dưỡng” cho cán bộ, thì mới được ưu tiên giải quyết sớm”.

Không chỉ ông Tuấn, mà nhiều người dân cũng suy nghĩ rằng, thủ tục đăng ký đất đai quá rườm rà; thời gian giải quyết kéo dài; thái độ phục vụ của cán bộ, công chức nhiêu khê, nên ngại trực tiếp đến làm việc, mà nhờ qua “cò” cho thuận việc. Đây là lý do khiến các “cò” trong lĩnh vực đăng ký đất đai có đất hoạt động.

 Làm gì để dẹp "cò"

Lãnh đạo các địa phương cho rằng, phàn nàn của người dân không phải không có cơ sở. Bởi trước đây, việc đăng ký thủ tục đất đai khá rườm rà; cộng với một bộ phận cán bộ, công chức làm việc trong lĩnh vực đất đai chưa đúng mực, khiến người dân mất lòng tin. Tuy nhiên, thời gian qua, những vấn đề trên đã từng bước được chấn chỉnh, nhưng người dân lại... không biết!

Đơn cử như tại huyện Đức Phổ, nhiều người dân không trực tiếp đến làm việc với các cơ quan, đơn vị trong lĩnh vực đăng ký đất đai, mà thông qua “cò”. Thậm chí, việc đơn giản nhất là đăng ký giấy CNQSDĐ lần đầu, hoặc chuyển nhượng QSDĐ mà người dân vẫn nhờ “cò”. “Điều này không chỉ khiến người dân tốn kém chi phí, mà còn tạo điều kiện cho các đối tượng môi giới nhũng nhiễu, thổi phồng thông tin”, Phó Chủ tịch UBND huyện Đức Phổ Lê Thanh Tân, cho biết.

Chấn chỉnh tình trạng “cò”, đồng thời lấy lại niềm tin của người dân, bên cạnh công tác tuyên truyền để người dân biết điều kiện, thời gian giải quyết của các bộ thủ tục hành chính liên quan đến lĩnh vực đất đai; UBND huyện Đức Phổ còn tập trung chấn chỉnh thái độ phục vụ của đội ngũ cán bộ, công chức làm việc trong lĩnh vực đất đai.

“Vẫn còn tình trạng cán bộ, công chức làm việc trong lĩnh vực đất đai có thái độ phục vụ chưa đúng mực. Thậm chí có trường hợp còn “bắt tay” với “cò” để làm khó người dân”, ông Lê Thanh Tân lý giải. Vì vậy, theo chỉ đạo của UBND huyện Đức Phổ, việc tiếp nhận và chuyển hồ sơ liên quan đến lĩnh vực đất đai phải thực hiện hàng ngày, hàng tuần (trừ những trường hợp cần xác minh tính xác thực hoặc phát sinh tranh chấp...). Hằng tháng, UBND huyện tổ chức họp giao ban và yêu cầu các địa phương, đơn vị báo cáo những khó khăn, vướng mắc để kịp thời giải quyết.

Kết quả, thời gian qua, huyện Đức Phổ không có hồ sơ tồn đọng quá hạn. Người dân cũng đã dần hiểu và trực tiếp đến làm việc, phản ánh thông tin về tình hình giải quyết thủ tục đất đai của các cá nhân, cơ quan, đơn vị liên quan. Điều này không chỉ củng cố niềm tin của người dân, mà còn góp phần dẹp nạn “cò” trong lĩnh vực đăng ký đất đai. “Sắp tới, UBND huyện Đức Phổ cũng sẽ công khai đường dây “nóng” để tiếp nhận thông tin phản ánh của người dân, tổ chức về kết quả giải quyết các thủ tục đất đai, cũng như thái độ phục vụ của cán bộ, công chức”, Phó Chủ tịch UBND huyện Đức Phổ Lê Thanh Tân, khẳng định.  


Bài, ảnh: MỸ HOA

 


.