Sự hy sinh thầm lặng

02:09, 03/09/2017
.

(Báo Quảng Ngãi)- Trong muôn vàn sự hy sinh cho Tổ quốc luôn có bóng dáng người phụ nữ, những người Mẹ Việt Nam Anh hùng. Họ đã nén nỗi đau riêng, luôn giữ vững niềm tin vào ngày mai cuộc cách mạng giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước thắng lợi...

Chiến tranh đã qua đi hơn 42 năm, nhưng mỗi khi mở ra trang sử, thế hệ sau vừa cảm thấy nể phục, vừa se sắt trong lòng. Bởi những người phụ nữ thời chiến đã chịu quá nhiều nỗi đau. Và bà Trần Thị Thi (sinh năm 1934), hiện ở phường Quảng Phú (TP.Quảng Ngãi) là một trong những người phụ nữ, người mẹ như thế.
 

 

Bây giờ, tuổi cao sức yếu, có lẽ niềm vui đối với bà Thi là sống bên cạnh người con gái tần tảo chăm sóc.
Bây giờ, tuổi cao sức yếu, có lẽ niềm vui đối với bà Thi là sống bên cạnh người con gái tần tảo chăm sóc.

Bà Thi đã chịu nỗi đau mất mẹ khi chỉ mới vài tháng tuổi. Vì con đông, nên cha của bà phải gửi bà về phía ngoại ở xã Hành Đức (Nghĩa Hành) nhờ cậu mợ nuôi giúp. Bà Thi được nuôi dưỡng, lớn lên trong gia đình giàu truyền thống cách mạng. Sau này, bà có chồng về thôn Thi Phổ Nhất, xã Đức Tân (Mộ Đức). Gia đình phía chồng cũng là gia đình cách mạng kiên trung. Năm 1954, khi bà Thi có thai đúng lúc người chồng chuẩn bị đi tập kết ra Bắc. Bà tiễn ông đi với biết bao hy vọng. Một mình bà ở nhà vừa chăm con, vừa đóng góp công sức cho cách mạng, mong ngày hòa bình chồng về.

Năm 1959, bà Thi tham gia cách mạng, làm liên lạc, nuôi giấu cán bộ. Bà là đội viên Đội công tác Đức Tân anh hùng ngày nào. Từ năm 1966- 1969, cơ sở bị lộ, bà Thi thoát ly lên căn cứ làm cán bộ của Ban sản xuất huyện Mộ Đức. Nhiều lần bị địch bắt, tra tấn bằng đủ thủ đoạn như đánh đập, đổ nước vôi vào bụng, tra điện... nhưng bà Thi vẫn kiên quyết không khai báo, kiên trung bảo vệ đồng đội. Không những thế, bà còn tham gia nhiều cuộc đấu tranh trong tù.  

Câu chuyện bà Thi kiên cường, anh dũng đã trở thành tấm gương sáng khiến nhiều người nể phục về hình ảnh người phụ nữ nhỏ bé quả cảm. Sau này ra tù, bà Thi tiếp tục công tác trong Ban sản xuất nông nghiệp của huyện.

Tiếp nối truyền thống gia đình, cô con gái của bà Thi là Phạm Thị Xuân Viên 12 tuổi đã trở thành liên lạc cho cách mạng. Hình ảnh người mẹ anh hùng là động lực để người con gái của bà Thi can trường trên con đường hoạt động cách mạng.

Năm 1972, trong một lần đi công tác, chị Phạm Thị Xuân Viên bị địch bắn bị thương. Bà Thi nghe tin vội chạy ra tìm. Lẫn vào giữa đám đông, bà nghẹn ngào khi thấy con. Bà Thi đến gần hỏi nhỏ: “Có phải con không?”. Dù nhìn thấy đứa con gái duy nhất bị thương, nằm ngay trước mặt, nhưng khi chị Viên ra hiệu bảo mẹ nên trở về kẻo bị địch phát hiện, bà Thi gạt nước mắt, bởi bà tin tưởng con gái luôn trung kiên với cách mạng.

Và trong nỗi đau chiến tranh, không biết bao gia đình đã phải chia cách nhau, mất liên lạc bởi mưa bom bão đạn. Ngày hòa bình, gia đình đoàn tụ cũng là lúc hai mẹ con bà Thi biết ông đã có vợ con ở miền Bắc. Cả ba người nhìn nhau khóc nghẹn ngào. Dù vậy, hai mẹ con bà không hề oán trách ông. Rồi hai mẹ con bà Thi vẫn động viên ông trở về với gia đình mới.

Sau này, bà Thi ở cùng với gia đình người con gái. Năm 2009, chị Viên chuyển nhà từ Mộ Đức đến ở tại một con hẻm trên đường Nguyễn Trãi (TP.Quảng Ngãi). “Tuổi cao, sức yếu, mẹ tôi luôn thích có người ở bên cạnh, nhất là có khách đến chơi bà vui lắm”, chị Viên giải thích. Giờ đây, niềm hạnh phúc của bà Thi có lẽ là ở bên cạnh gia đình con gái tần tảo chăm sóc, yêu thương. Những người dân trong con hẻm vẫn luôn quý mến, nể phục khi nhắc về gia đình người hàng xóm. Bởi trong căn nhà nhỏ ấy có hai thế hệ, hai người phụ nữ, hai mẹ con một thời từng là những chiến sĩ cách mạng son sắt, kiên trung.

Bài, ảnh: BẢO HÒA

 

.