"Bí" nơi an táng

09:09, 10/09/2017
.

(Báo Quảng Ngãi)- Vì sự phát triển chung, nhiều người dân ở xã Bình Phước (Bình Sơn) đã đồng tình nhường đất vốn xưa nay là khu vực an táng để phục vụ cho việc xây dựng Nhà máy bột giấy VNT 19. Tuy nhiên, hiện người dân nằm trong vùng dự án này đang hết sức lo lắng vì đang “bí” nơi an táng.  Nhiều hộ dân đã phải chôn cất người quá cố trên đất nông nghiệp, hoặc gần các khu dân cư.


Gặp khó trong quy hoạch

Vốn không có khu quy hoạch nghĩa địa tập trung, nên từ bao đời nay, nhiều người dân xã Bình Phước an táng người quá cố rải rác khắp nơi trong xã và các xã lân cận. Trong đó tập trung nhiều ở khu vực đồi Cà Ninh thuộc thôn Phú Long 1.

 Nhường đất cho Nhà máy bột giấy VNT 19, nhiều hộ dân ở xã Bình Phước đang
Nhường đất cho Nhà máy bột giấy VNT 19, nhiều hộ dân ở xã Bình Phước đang "bí" nơi an táng cho người quá cố.


Vào năm 2012, chính quyền thông báo cho người dân phải di dời mộ của người thân đang nằm trên đồi Cà Ninh đến nơi khác, nhường đất phục vụ cho dự án xây dựng Nhà máy bột giấy VNT 19. Thống nhất với chủ trương của chính quyền, người dân đã tiến hành di dời khoảng 700 ngôi mộ ở khu vực đồi Cà Ninh. Kinh phí di dời do chủ đầu tư hỗ trợ thỏa đáng.

Khu vực nghĩa địa mới thuộc thôn Phú Long 2. Đây là nơi chính quyền địa phương lựa chọn, với tổng diện tích khoảng 2,5ha, đủ để cho các phần mộ cải táng và chôn mới trong thời gian dài. Tuy nhiên, nhiều hộ dân sống quanh khu nghĩa địa mới chỉ đồng tình cho di dời 700 ngôi mộ cũ về đây, chứ không đồng ý cho chôn cất mới.

Trao đổi về vấn đề này, Chủ tịch UBND xã Bình Phước Nguyễn Thế Nhân, cho hay: "Khu nghĩa địa tập trung mới tuy đã được khảo sát, quy hoạch, tuy nhiên nhiều người dân sống quanh khu vực này đã phản ứng. Họ cho rằng, việc chôn cất ở đây sẽ gây ô nhiễm môi trường. Nhận thấy ý kiến của người dân là đúng, vì khu vực chôn cất mới chỉ cách khu dân cư khoảng 200m, chưa đúng theo tiêu chuẩn của Bộ Xây dựng, nên chúng tôi chấp thuận với mong muốn của người dân...".

Chôn cất cả trên đất nông nghiệp

Chủ tịch UBND xã Bình Phước Nguyễn Thế Nhân cho biết thêm, khi dự án Nhà máy bột giấy VNT 19 triển khai, chủ đầu tư đã hứa là sẽ xây dựng một khu nghĩa địa tập trung. Tuy nhiên, vì địa điểm do chính quyền khảo sát lần đầu vấp phải sự phản ứng của người dân là chỉ cho cải táng, không cho chôn mới, nên không thể tiến hành xây dựng.

"Vào năm 2016 xã khảo sát ở chân núi Phố Tinh thuộc thôn Phú Long 2 đủ điện kiện cho việc an táng. Địa điểm này cũng được huyện, tỉnh chấp thuận. Cũng trong năm 2016, chủ đầu tư dự án Nhà máy bột giấy VNT 19 đã làm hồ sơ thiết kế, gửi về cho xã xem xét. Kinh phí dự toán cho việc xây dựng nghĩa địa khoảng 9 tỷ đồng. Song đến nay, chúng tôi vẫn chưa nhận hồi âm nào từ chủ đầu tư. Cái khó nhất là chủ đầu tư chỉ hứa chứ không cam kết xây dựng, nên chính quyền cũng không biết dựa vào cơ sở nào để đề xuất họ rót kinh phí. Giờ chỉ biết trông chờ kinh phí từ Nhà nước”, ông Nhân nói.

Theo báo cáo từ chính quyền địa phương, đã có 7 trường hợp người dân vì “bí” nơi an táng đã phải chôn cất người thân trên đất nông nghiệp, hoặc sát với khu vực dân cư, tiềm ẩn nguy cơ ô nhiễm môi trường. Có nhiều trường hợp người dân bức xúc vì người khác chôn cất người quá cố gần nơi mình sinh sống, đã có đơn gửi lên chính quyền. Chính quyền cũng chỉ đến nơi để tuyên truyền, giải thích những khó khăn trong việc tìm nơi an táng. Còn việc giải tỏa những lo lắng, bức xúc đó thì chính quyền cũng bất lực.

Ông Nguyễn Thành Lê, ngụ thôn Phú Long 1 cho biết, nơi gia đình ông và các hộ dân sinh sống phía sau là đồi Cà Ninh, nay đã nhường cho Nhà máy bột giấy VNT 19, còn phía trước là đất nông nghiệp.  "Quỹ đất khá hạn hẹp, nên người dân rất lo lắng, khi những phần mộ vì “bí” nơi an táng phải chôn cả trên đất nông nghiệp. Tại các buổi tiếp xúc cử tri, chúng tôi cũng đã phản ánh việc này lên các cấp cần xây dựng một khu nghĩa địa tập trung, song mong mỏi đó của người dân đến nay vẫn chưa thành hiện thực", ông Lê cho hay.


 Bài, ảnh: NGỌC VIÊN


 


.