Phát huy vai trò của nữ công nhân viên chức lao động

01:08, 14/08/2017
.

(Báo Quảng Ngãi)- Lực lượng nữ công nhân viên chức, lao động (CNVC-LĐ) ở tỉnh ta trong những năm qua đã có những đóng góp tích cực cho sự nghiệp phát triển kinh tế- xã hội ở địa phương. Kết quả đó có vai trò của Ban Nữ công Công đoàn các cấp.

Trưởng Ban Tuyên giáo - Nữ công LĐLĐ tỉnh Phạm Thái Dương cho biết, toàn tỉnh hiện có 34.300 nữ đoàn viên công đoàn (ĐVCĐ), chiếm 51,8% tổng số ĐVCĐ. Vì thế, Ban Nữ công Công đoàn các cấp đã triển khai nhiều hoạt động có ý nghĩa, mang lại lợi ích thiết thực, tạo động lực thúc đẩy phong trào nữ CNVC-LĐ.

Ban Nữ công LĐLĐ tỉnh phối hợp với Sở Y tế tổ chức tư vấn, khám, cấp phát thuốc miễn phí cho lao động nữ tại KCN VSIP Quảng Ngãi.
Ban Nữ công LĐLĐ tỉnh phối hợp với Sở Y tế tổ chức tư vấn, khám, cấp phát thuốc miễn phí cho lao động nữ tại KCN VSIP Quảng Ngãi.

Tiêu biểu là phong trào “Giỏi việc nước, đảm việc nhà”. Để đưa phong trào thật sự đi vào đời sống của chị em, gắn liền với việc làm tại đơn vị, Ban Nữ công LĐLĐ tỉnh đã chỉ đạo Công đoàn cơ sở (CĐCS) tổ chức cho chị em đăng ký. Dựa vào công tác chuyên môn, nữ ĐVCĐ đề ra kế hoạch, chỉ tiêu thi đua cụ thể, nên đã phát huy hiệu quả của phong trào, tạo động lực, giúp chị em nâng cao ý thức học tập, trình độ chuyên môn, phát huy tinh thần sáng tạo trong lao động, sản xuất.
 

Trên thực tế vẫn còn một số ít công đoàn chưa thật sự quan tâm, tạo điều kiện và phối hợp tổ chức các hoạt động nữ công phù hợp với điều kiện thực tế của đơn vị. Mặt khác, do đa số là kiêm nhiệm, nên cán bộ nữ công ở cơ sở ít có thời gian dành cho các hoạt động này, dẫn đến hiệu quả đạt được chưa cao.
Trưởng Ban Tuyên giáo- Nữ công LĐLĐ tỉnh PHẠM THÁI DƯƠNG

Ban Nữ công Công đoàn các cấp luôn quan tâm bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chăm lo đời sống cho lao động nữ; tuyên truyền pháp luật về lao động, hôn nhân và gia đình, kiến thức về bình đẳng giới... Thường xuyên phối hợp với các cơ quan chức năng tiến hành kiểm tra, giám sát thực hiện chế độ, chính sách đối với nữ CNVC-LĐ; tổ chức cho chị em khám, kiểm tra sức khỏe định kỳ. Ban Nữ công còn thành lập các mô hình góp vốn xoay vòng, quỹ tình thương trong cơ quan, đơn vị. LĐLĐ tỉnh cũng đã có nhiều hoạt động hỗ trợ nữ CNVC-LĐ phát triển kinh tế gia đình.

Trong 5 năm qua, có 55 dự án được giải ngân từ kênh giải quyết việc làm của Tổng LĐLĐ Việt Nam, với số tiền quay vòng hơn 1 tỷ đồng; tạo điều kiện cho 256 lượt chị em được vay, với tổng số tiền trên 600 triệu đồng từ Quỹ Ngày tiết kiệm vì phụ nữ nghèo; hỗ trợ xây mới, sửa chữa 39 nhà Mái ấm Công đoàn, Mái ấm tình thương cho nữ CNVC-LĐ có hoàn cảnh khó khăn với tổng kinh phí hơn 1 tỷ đồng. Vận động ủng hộ phụ nữ, trẻ em nghèo trên 250 triệu đồng và đã trao 64 suất học bổng cho con nữ CNVC-LĐ vượt khó, học giỏi...

Nhiều tổ chức CĐCS cũng có những cách làm hiệu quả, góp phần nâng cao đời sống của nữ CNVC-LĐ. Điển hình như CĐCS Công ty TNHH Điện tử Foster, có trên 2.300 ĐVCĐ nữ (chiếm 92% trong tổng số ĐVCĐ của công ty) đã tích cực bảo vệ và thực hiện các chế độ chính sách cho đoàn viên, nhất là đoàn viên nữ. Chị Phạm Thị Huế phấn khởi cho biết: Lao động nữ của công ty được hỗ trợ tiền thuê nhà ở, đi lại; hỗ trợ tiền gửi trẻ; được về sớm 4 giờ vào ngày cuối tháng.

Lao động nữ mang thai hoặc đang nuôi con nhỏ đều có chế độ cụ thể như được đi ăn giữa ca sớm hơn và ra về trước giờ tan ca quy định. Công ty cũng xây dựng cabin sữa từ hơn 2 năm nay, để lao động nữ trong thời kỳ nuôi con có thể vắt sữa, trữ sữa, góp phần cho việc chăm sóc con nhỏ được tốt hơn... “Đời sống của lao động nữ được quan tâm hỗ trợ kịp thời về vật chất, tinh thần và chính sách ưu tiên theo quy định của pháp luật về lao động, nên chúng tôi có thể yên tâm làm việc, cống hiến cho công ty”, chị Huế nói.

Với những phong trào, hoạt động được tổ chức, phát động hằng năm, công tác nữ công của công đoàn các cấp đã giúp nữ cán bộ, CNVC-LĐ có điều kiện tham gia các hoạt động trên mọi lĩnh vực đời sống, thực hiện ngày càng tốt hơn công tác bình đẳng giới.


Bài, ảnh: VŨ YẾN

 


.