Xây dựng nông thôn mới ở TP.Quảng Ngãi: Loay hoay với chỉ tiêu nước sạch

04:05, 22/05/2017
.

(Báo Quảng Ngãi)- Theo Bộ tiêu chí quốc gia về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2016- 2020, để đáp ứng được tiêu chí số 17 về môi trường, mỗi xã cần có 95% số hộ trở lên được sử dụng nước hợp vệ sinh và 65% số hộ trở lên được sử dụng nước sạch theo quy chuẩn. Đây là chỉ tiêu khó đối với TP.Quảng Ngãi, bởi hầu hết các xã ven biển đều rơi vào tình trạng khan hiếm nước sinh hoạt vào mùa khô.

TIN LIÊN QUAN

Khan hiếm nước sinh hoạt

Cứ đến mùa nắng, người dân phải đi mua nước về dùng, vì nước giếng bị nhiễm mặn, nhiễm phèn. Đây là điệp khúc đã lặp đi lặp lại nhiều năm nay tại các xã ven biển của TP.Quảng Ngãi như Nghĩa An, Nghĩa Phú, Tịnh Hòa, Tịnh Kỳ...

Công trình cấp nước sinh hoạt Nghĩa An
Công trình cấp nước sinh hoạt Nghĩa An "đắp chiếu" vì chưa thống nhất được vị trí khoan giếng phù hợp.


Nghĩa An có khoảng 4.000 hộ dân thì có hơn 1.000 hộ ở 4 thôn Phổ Trường, Phổ Trung, Phổ An và Tân An thiếu nước sinh hoạt do giếng nước ô nhiễm. Ngay bên cạnh xã Nghĩa An, tình trạng nước giếng nhiễm mặn không thể sử dụng được vào mỗi mùa khô cũng diễn ra tại hầu hết các thôn của xã Nghĩa Phú, nhưng nghiêm trọng nhất là các thôn Cổ Lũy Bắc và Cổ Lũy Làng Cá. Ông Nguyễn Tư, ở khu dân cư số 4, thôn Cổ Lũy Bắc, cho biết: “Đến tháng 5 - 6, nước giếng lợ như nước muối không thể uống được, nên chúng tôi phải mua nước đóng chai về dùng. Với người dân thôn quê, giá mỗi thùng nước đóng chai không hề rẻ, nhưng đành bấm bụng mà mua”.

Tại xã Tịnh Hòa, những ngày qua, các hộ dân thôn Tư Cung phải sang các thôn lân cận xin nước về dùng, vì các giếng nước trong thôn đều bị nhiễm phèn nặng. Ông Nguyễn Hai, ngụ thôn Tư Cung, cho biết:  “Tốn tiền đầu tư xây dựng bể lọc cũng như không. Nước lọc xong nhưng vẫn còn tanh mùi phèn, nên chúng tôi chỉ dùng để tắm giặt, đâu dám uống hay nấu ăn”.

Tại xã Tịnh Kỳ, tình trạng khan hiếm nước sinh hoạt cũng diễn ra ngày càng khắc nghiệt. Chủ tịch UBND xã Tịnh Kỳ Trần Đình Tiến, cho hay: “Cả xã có khoảng 2.500 hộ dân thì đều thiếu nước sinh hoạt trầm trọng. Bởi cứ đến mùa khô, các giếng đều bị nhiễm mặn, nhiễm phèn”.

Công trình nước xuống cấp

Trong khi người dân đang khổ sở vì thiếu nước sinh hoạt, thì một số công trình cấp nước tại các địa phương này lại đang xuống cấp, không phát huy được tác dụng.

Công trình cấp nước Khê - Kỳ với công suất thiết kế ban đầu sẽ cung cấp nước cho 500 - 600 hộ dân, nhưng sau 10 năm đi vào hoạt động, đến giờ công trình trên đã xuống cấp, hư hỏng, nên chỉ cấp nước cho khoảng 60 hộ.

Tương tự, công trình cấp nước Nghĩa Phú thiết kế cấp nước cho khoảng 600 hộ dân, giờ công trình chỉ còn đảm nhận cấp nước cho khoảng 300 hộ. Nhưng chất lượng nước cũng không còn đảm bảo, mà bị nhiễm phèn nghiêm trọng.

Riêng công trình cấp nước Nghĩa An với tổng mức đầu tư hơn 5 tỷ đồng, có quy mô công suất thiết kế hơn 1.200m3/ngày, đêm, dự kiến sẽ cung cấp nguồn nước hợp vệ sinh cho hàng nghìn hộ dân ở Nghĩa An, Nghĩa Hà và Nghĩa Phú. Nhưng do chưa thống nhất được với người dân về vị trí khoan giếng, nên dù đã cơ bản hoàn thành từ năm 2011, nhưng đến nay công trình vẫn chưa thể vận hành và đi vào hoạt động.

Phó trưởng Phòng Kinh tế hạ tầng TP.Quảng Ngãi  Trần Dương, cho biết: “Nếu như trước đây, muốn đạt được chỉ tiêu 17.1 về nước sạch, mỗi xã chỉ cần 75% số hộ được sử dụng nước hợp vệ sinh, thì bây giờ mỗi xã cần có 95% số hộ trở lên được sử dụng nước hợp vệ sinh và 65% số hộ trở lên được sử dụng nước sạch theo quy chuẩn 02 của Bộ Y tế. Trong khi đó, hầu hết các xã ven biển của TP.Quảng Ngãi đang thiếu nước sinh hoạt trầm trọng. Chất lượng nước cũng không đảm bảo vì bị nhiễm mặn, nhiễm phèn. Vì vậy, để đạt tỷ lệ 95% số hộ sử dụng nước hợp vệ sinh đã khó, huống hồ là nước sạch theo quy chuẩn của Bộ Y tế. Do đó, đây là một thách thức lớn trong xây dựng nông thôn mới trên địa bàn”.


Bài, ảnh: Ý THU

 


.