Phòng tránh quấy rối, xâm hại tình dục trẻ em

08:03, 23/03/2017
.

(Báo Quảng Ngãi)- Thời gian qua, hàng loạt nghi vấn về các vụ xâm hại tình dục (XHTT) trẻ em làm dư luận xôn xao. Giải pháp ngăn chặn tình trạng này đang là một thách thức đối với các cơ quan chức năng và các bậc phụ huynh.

Chia sẻ về vấn đề này, thạc sĩ Võ Thị Thiều, giảng viên Tổ Tâm lý-Giáo dục Khoa Sư phạm Xã hội, Trường Đại học Phạm Văn Đồng nói: Hệ quả của việc XHTD đối với trẻ em là rất nặng, vì sau khi "sự việc" xảy ra, các em luôn sống trong mặc cảm, bị sang chấn tâm lý nặng nề; trẻ có thể bỏ học, ngại giao tiếp với mọi người.
 

Xâm hại tình dục ở trẻ em xảy ra khá phổ biến hiện nay, cả với bé gái và bé trai. Theo thống kê, trên thế giới cứ 4 trẻ thì có 1 trẻ bị xâm hại. Theo Tổng Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm, trong số 1.000 vụ xâm hại tình dục thì số trẻ em là nạn nhân chiếm đến 65%; nạn nhân nữ ở độ tuổi 12-15 (chiếm 57,46%), trẻ em dưới 6 tuổi bị xâm hại chiếm tới 13,2%.

Tình trạng này kéo dài, trẻ có thể rơi vào trạng thái trầm uất, hoảng loạn, thậm chí tự tử để giải thoát sự ám ảnh đó... Vì vậy, việc động viên, ổn định tâm lý đối với trẻ em khi bị XHTD là rất cần thiết, nhằm hạn chế những điều đáng tiếc có thể xảy ra.

Giám đốc Bệnh viện Tâm thần Quảng Ngãi, bác sĩ Nguyễn Thanh Quang Vũ chia sẻ: Khi phát hiện trẻ bị XHTD, gia đình không nên im lặng mà phải nói ra với những người, đơn vị có chức năng để giải quyết vấn đề. Không nên thông tin đến quá nhiều người không liên quan, như thế sẽ ảnh hưởng đến tâm lý của con trẻ, gây nên những sang chấn tâm lý lâu dài, ảnh hưởng đến quá trình trưởng thành. Trong giai đoạn này, các em rất cần được chăm sóc, động viên, tạo cảm giác thoải mái về mặt tinh thần.

Về giải pháp lâu dài, thạc sĩ Võ Thị Thiều cho rằng, việc giáo dục giới tính trong nhà trường tuy được quan tâm, nhưng việc triển khai chưa thật sự hiệu quả. Nhà trường chú trọng việc dạy chữ, ít quan tâm đến việc giáo dục các kỹ năng sống cho các em. Kinh phí, thời gian để tổ chức các buổi nói chuyện về giới tính còn gặp nhiều khó khăn. Công tác giáo dục giới tính còn hời hợt, thiếu nghiêm túc, chưa thu hút nhiều học sinh tham gia. Tâm lý một bộ phận phụ huynh còn e ngại, cho rằng giáo dục giới tính trong nhà trường là “vẽ đường cho hươu chạy”. Thạc sĩ Thiều nhấn mạnh: "Cần giáo dục giới tính cho trẻ ngay từ khi trẻ bắt đầu biết ý thức những điều xung quanh trong cuộc sống. Từ đó, giáo dục kỹ năng sống cho các em, cách phòng tránh bị quấy rối, XHTD".

Cũng theo bác sĩ Vũ và thạc sĩ Thiều, ngay từ khi trẻ xuất hiện ý thức (khoảng 3 tuổi trở lên) cha mẹ nên dạy trẻ biết, ngoại trừ bố mẹ, còn lại không cho phép ai được đụng đến các vùng nhạy cảm trên cơ thể của mình. Khi có ai đụng chạm đến những bộ phận nhạy cảm, hãy dạy trẻ nói to “Không”. Sau khi bé nói to “Không”, hãy dạy bé cách bỏ chạy về phía một người lớn khác, hoặc hãy chạy ra chỗ có người. Dạy trẻ kể chính xác vị trí bị chạm vào, dạy con nói tên chính xác vùng riêng tư của bé. Đối với nhà trường, cần giáo dục giới tính cho trẻ ngay ở bậc mầm non.  

Ở mỗi độ tuổi nhất định cần có những bài học về giới tính cho phù hợp với tiến trình phát triển tâm lý của trẻ. Tổ chức nhiều hoạt động ngoài giờ nhằm tăng cường các kỹ năng phòng ngừa XHTD ở trẻ em. Các hoạt động này có thể mời phụ huynh, bác sĩ chuyên khoa đến để nói chuyện về giới tính. Lồng ghép việc giáo dục giới tính trong một số môn học như giáo dục công dân, sinh học... Gia đình cần quan tâm nhiều hơn đến con trẻ, dành thời gian nói chuyện với con. Cha mẹ nên chia sẻ những vấn đề của con trong cuộc sống hằng ngày, để có thể phát hiện sớm và xử lý những nguy cơ tiềm ẩn gây tổn hại đến trẻ.

PV
 


.