Những người đo nước, đoán mây

10:03, 22/03/2017
.

(Baoquangngai.vn)- Quảng Ngãi là một trong những địa phương chịu nhiều tác động của thiên tai. Tuy nhiên, những năm qua, nhờ có sự dự báo tình hình thời tiết liên tục, kịp thời mà người dân trong tỉnh đã giảm được đáng kể thiệt hại do thiên tai, bão lũ. Góp công lớn vào kết quả phòng chống thiên tai ấy chính là những người cán bộ khí tượng thủy văn - những người đo mưa, đoán gió...
 
Trạm thủy văn An Chỉ thuộc Đài Khí tượng thủy văn tỉnh Quảng Ngãi đóng chân tại thôn An Chỉ, xã Hành Phước, huyện Nghĩa Hành. Trạm chỉ có 5 cán bộ, song việc quan trắc nước trên con sông Vệ phải tính theo giờ, thậm chí cao điểm phải đo liên hồi. 
 
Ông Lê Văn Khánh- Trạm trưởng Trạm thủy văn An Chỉ cho biết: "Khi nước lũ thượng nguồn đổ về mạnh, tốc độ dòng chảy đo được rất lớn, xấp xỉ 3,8m/s. Nếu không cảnh báo kịp thời, hạ du có thể sẽ không xoay xở kịp vì lũ dâng nhanh lắm". Và vì thế, mặc cho mưa, gió, đêm khuya, ý thức nghề nghiệp thôi thúc các anh phải lên thuyền, ra giữa dòng để quan trắc trong bóng tối mờ đặc bao phủ cả bến sông.
 
Cán bộ Trạm thủy văn An Chỉ đo dữ liệu phục vụ cảnh báo mưa lũ trên sông
Cán bộ Trạm thủy văn An Chỉ đo dữ liệu phục vụ cảnh báo mưa lũ trên sông
 
Trạm trưởng thủy ăn An Chỉ Lê Văn Khánh đã hơn 30 năm gắn bó với nghề không nhớ hết những con lũ lớn đi qua trong cuộc đời mình, nhưng có 3 cơn lũ mà ông không thể nào nguôi ngoai trong ký ức. Đó là lũ 1999; lũ 2013 và lũ 2016 mới đây. Ông Lê Văn Khánh so sánh: Lũ 1999 và 2013 là lũ lịch sử, mực nước cao hơn nhiều so với lũ 2016. Tuy nhiên, hai cơn lũ kia lên nhanh, xuống nhanh, dường như lũ đỉnh điểm chỉ kéo dài 5 - 6 tiếng. Còn lũ 2016, mực nước nhỏ hơn nhưng trầm ê, dầm dề đến 20 ngày, lên - xuống liên hồi, diễn biến khó lường.
 
Ông Khánh bảo: "Đêm nghe mưa rào rào, không tài nào ngủ được. Theo phản xạ tự nhiên bật dậy, mặc áo phao, xách thiết bị, leo lên thuyền bập bềnh ra giữa dòng sông Vệ đo, đếm tìm thông số chính xác nhất truyền đi. Lũ vừa xuống đó, hai tiếng sau lại lên cao, không biết đâu là lường".
 
Còn tại Trạm thủy văn Sơn Giang (xã Sơn Giang, huyện Sơn Hà) những ngày mưa lớn, lũ thượng nguồn đổ về ào ào như thác. Con sông này lại còn "cõng" thêm nước của hai thủy điện Đắkdrinh và Nước Trong xã lũ với tổng lưu lượng có lúc lên đến 2.000 m3/s. Áp lực công việc dồn lên vai 5 cán bộ, trong khi công việc quan trắc phải tiến hành ở nhiều vị trí của các con sông Trà Khúc, Trà Câu. 

 

Cán bộ Trạm Khí tượng hải văn Lý Sơn tác nghiệp ngoài hiện trường
Cán bộ Trạm Khí tượng hải văn Lý Sơn tác nghiệp ngoài hiện trường
 
Nhiều anh em trạm tâm sự bình thường thì quan trắc theo nhật trình, khi có lũ thì số lượt quan trắc tăng lên gấp nhiều lần. Điều kiện tác nghiệp lại khắc nghiệt, thậm chí nguy hiểm đến an toàn tính mạng vì nước sông vào thời điểm có lũ lớn chảy rất xiết, cột sóng mạnh, tốc độ nhanh. Nhưng đã theo cái nghề này như cái nghiệp nó vịn vào người. Thấy mưa lũ, không ai bảo ai, tự giác theo dõi, cập nhật liên tục, có khi mệt nhoài, ngủ gục ngay tại nơi làm việc.
 
Còn ở đảo Lý Sơn, mặc dù không ảnh hưởng nhiều bởi lũ nhưng liên tiếp trong những tháng cuối năm biển động, gió giật cấp 8 - 9. Những cán bộ Trạm khí tượng Hải văn Lý Sơn cũng phải căng mình để đo tốc độ gió, đoán mây bằng hình ảnh để dự báo lượng mưa nhiều hay ít, giúp nhân dân chủ động phòng tránh an toàn. 
 
Và trong lúc bão giông bủa vây, nhà nhà tìm nơi an toàn để tránh trú, thì những người cán bộ thủy văn, hải văn, khí tượng lại phải chống chọi với thiên tai để đo chính mức độ hiểm nguy của nước lũ, gió giật, cột sóng biển để chuyển đến nhân dân có biện pháp ứng phó. Mỗi dòng "tin lũ khẩn cấp" trên các sông trong tỉnh đều được thực hiện trực tiếp ngoài hiện trường với bao vất vả, cực nhọc...
 
Th.Nhị
 
 

.