Ngành khí tượng thủy văn: Nỗ lực trước diễn biến thời tiết thất thường

08:03, 23/03/2017
.

(Báo Quảng Ngãi)- Để người dân nắm bắt nhanh nhất thông tin dự báo về diễn biến của thiên tai và chủ động ứng phó trong điều kiện thời tiết diễn biến ngày càng thất thường là áp lực, thách thức của ngành khí tượng hiện nay.

TIN LIÊN QUAN

Những năm gần đây, Quảng Ngãi ngày càng xuất hiện nhiều hiện tượng thời tiết cực đoan, thất thường, không tuân theo quy luật nào khiến người dân gặp nhiều khó khăn trong ứng phó, nên hứng chịu nhiều thiệt hại nặng nề. Như đợt ảnh hưởng của gió mùa đông bắc kết hợp với nhiễu động trong đới gió đông gây mưa to đến rất to vào tháng 12.2016.

Đợt lũ lụt này khiến gần 210 ngôi nhà bị thiệt hại và ảnh hưởng phải di dời, hơn 28.500 ngôi nhà bị ngập nước, gần 6.000ha lúa, hoa màu bị hư hại hoàn toàn, gần 800 nghìn con gia súc, gia cầm trên địa bàn tỉnh bị lũ cuốn trôi. Nhiều công trình hạ tầng giao thông, thủy lợi, y tế, giáo dục, cấp nước sạch... bị hư hỏng nặng nề. Tổng giá trị thiệt hại ước tính khoảng 880 tỷ đồng.

Khi thời tiết diễn biến thất thường, các quan trắc viên của Đài Khí tượng Thủy văn tỉnh phải thực hiện công tác đo thông số nửa giờ một lần để kịp thời đưa ra thông tin dự báo đến người dân.
Khi thời tiết diễn biến thất thường, các quan trắc viên của Đài Khí tượng Thủy văn tỉnh phải thực hiện công tác đo thông số nửa giờ một lần để kịp thời đưa ra thông tin dự báo đến người dân.


Ông Cao Đình Vượng ngụ thôn 4, xã Đức Nhuận (Mộ Đức) cho biết: “Mặc dù đã được chính quyền địa phương thông báo về tình trạng mưa lũ, nhưng trong đêm khuya nước lũ tràn vào nhà quá nhanh, khiến gia đình tôi không kịp trở tay, mọi vật dụng sinh hoạt bị ngập nước, gia đình chỉ kịp vận chuyển được một số vật nuôi lên chỗ cao ráo”.
 

Cần "hiểu biết về mây"

"Ngoài công tác dự báo tình hình thời tiết đến người dân, các cấp, ngành cần quan tâm đến tuyên truyền, hướng dẫn, tập huấn cho người dân về cách nhận biết một số diễn biến thời tiết nguy hiểm để người dân có thể kịp thời nhận biết và phòng tránh. Đơn cử như những hiện tượng giông sét, lốc xoáy, vòi rồng... người dân hoàn toàn có thể nhận biết được thông qua quan sát hình dáng, màu sắc các đám mây. “Hiểu biết về mây” để dự báo tình hình thời tiết cũng là Chủ đề của Ngày Khí tượng Thế giới năm nay (23.3)"
Giám đốc Đài Khí tượng Thủy văn tỉnh NHÂM XUÂN SỸ.

Trước tình hình thời tiết ngày càng khó lường, công tác dự báo về tình hình thời tiết, thủy văn cũng đối mặt với những thách thức, áp lực mới. “Nếu như những ngày bình thường, cứ 3 giờ một lần chúng tôi mới đi quan trắc, thì những lúc thời tiết diễn biến thất thường, phức tạp, cứ khoảng 30 phút, chúng tôi lại phải đội mưa, đội gió đi đo thông số về tốc độ gió, mây, độ ẩm, nhiệt độ, áp suất khí quyển và tổng hợp, cập nhật về Đài khí tượng khu vực để kịp thời thông tin đến người dân”, Giám đốc Đài Khí tượng Thủy văn Quảng Ngãi Nhâm Xuân Sỹ cho biết.

Gắn bó với công việc quan trắc tại Đài Khí tượng Thủy văn tỉnh 7 năm nay, chị Nguyễn Thị Tường Vy tâm sự: “Vài năm trở lại đây, tình hình thời tiết ngày càng diễn biến phức tạp hơn, cường độ công việc cũng vì thế mà tăng lên. Nhưng, nghề khí tượng là nghề  cần độ chính xác cao, không cho phép sai trong đo thông số, bởi nếu chỉ một sai sót nhỏ cũng có thể ảnh hưởng lớn tới cuộc sống của nhân dân trong vùng và khu vực. Vì vậy, dù là 1-2 giờ sáng chúng tôi vẫn làm việc với tinh thần trách nhiệm cao nhất”.

Tuy đã có những nỗ lực nhất định trong công tác dự báo, nhưng theo ông Nhâm Xuân Sỹ, để công tác dự báo có thể chính xác đến từng địa điểm, thời gian trong điều kiện thời tiết ngày một diễn biến đột ngột, cực đoan, đòi hỏi phải có sự đầu tư đồng bộ về hạ tầng, trang thiết bị phục vụ cho công tác đo đạc. Nhưng trên thực tế, do kinh phí còn hạn chế, mạng lưới đo đạc vẫn còn quá dàn trải, thưa thớt, nên rất khó có thể đưa ra dự báo chính xác khi thời tiết diễn biến thất thường, phức tạp...


Bài, ảnh: Ý THU

 


.