Sớm chấn chỉnh tình trạng buôn bán san hô ở Lý Sơn

08:10, 27/10/2016
.

(Baoquangngai.vn)- “Cấm mua bán, vận chuyển các loài san hô”, là thông điệp mà các cơ quan chức năng thông báo, nhắc nhở cho người dân phải chấp hành. Thế nhưng,  tại huyện đảo Lý Sơn người dân vẫn cố tình phớt lờ lệnh cấm, thản nhiên bày bán san hô tại nhiều điểm trên huyện đảo. 

TIN LIÊN QUAN

Mặc dù việc mua  bán, vận chuyển các loại san hô đã bị cấm từ lâu, tuy nhiên vì lợi riêng và vì nhu cầu quà lưu niệm, tại huyện đảo Lý Sơn, tình trạng mua bán san hô vẫn diễn ra công khai.
 
Đến các điểm du lịch tại huyện đảo Lý Sơn như: Cổng Tò Vò, chùa Hang… thậm chí tại ngay cầu cảng, du khách sẽ dễ dàng bắt gặp hình ảnh những nhánh san hô đủ các loại được người dân bày bán công khai tại các lều quán mà không bị chính quyền địa phương và các cơ quan chức năng nhắc nhở, xử lý. 
 
San hô được bày bán công khai tại các lều quán ở các điểm du lịch
San hô được bày bán công khai tại các lều quán ở các điểm du lịch.

 

Tuy là hàng cấm khai thác, nhưng giá bán san hô khá bình dân. Giá trung bình từ 100.000 - 200.000đ/nhánh, tùy theo hình dạng, kích cỡ. Qua tìm hiểu của chúng tôi, những người buôn bán san hô cho biết, hầu hết số san hô bày bán ở đây được vận chuyển từ các tỉnh Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận… về địa phương.
 
Cùng với loại san hô khác, điều đáng nói, dù nằm trong Sách đỏ Việt Nam và thế giới, song san hô đen cũng được uốn thành bonsai, chế tác thành nhẫn, vòng đeo tay, dây chuyền... bày bán công khai ở huyện đảo Lý Sơn và chở vào đất liền để tiêu thụ. 
 
Theo Tiến sĩ Nguyễn Đăng Vũ- Giám đốc Sở VHTT& DL tỉnh, Lý Sơn là một trong 16 khu bảo tồn biển Quốc gia, nhưng người dân vô tư bày bán san hô tại các điểm du lịch… mà không có ngành chức năng ở địa phương ngăn cấm, xử lý. Thậm chí, trên tàu chở khách, nhiều loại san hô nhất là san hô đen to lớn được chở vào đất liền. Nhiều người cho rằng đó là san hô khai thác ở những nơi khác, nhưng mặc dù có ở những nơi khác cũng không được bày bán và phải được nghiêm cấm triệt để việc khai thác, buôn bán này. 
 
San hô đen được cắt thành từng khúc để chế tác nhẫn
San hô đen được cắt thành từng khúc để chế tác nhẫn

 

San hô đen tạo dáng bonsai được bày bán công khai tại một khách sạn ở Lý Sơn
San hô đen tạo dáng bonsai được bày bán công khai tại một khách sạn ở Lý Sơn
 
Có thể nói, theo lý giải của người dân, san hô không được khai thác trực tiếp trên địa bàn, nhưng việc mua bán san hô của một số hộ dân ở huyện đảo Lý Sơn đã gián tiếp ảnh hưởng nghiêm trọng tới hệ sinh thái và môi trường biển.
 
Vì cuộc mưu sinh mà một số người đã bất chấp pháp luật, mua bán san hô như hiện nay sẽ kéo theo nạn khai thác san hô trái phép tại các vùng biển, dẫn đến tài nguyên môi trường biển bị xâm hại. Điều này đồng nghĩa với sự cạn kiệt nguồn lợi thuỷ sản. 
 
Chính vì vậy, chính quyền địa phương, người dân và các tổ chức cần sự chung tay hành động, sớm có biện pháp ngăn chặn tận gốc tình trạng trên để bảo vệ, tránh san hô bị tận diệt.
 
 
Nghị định số 103/2013/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thủy sản:
Điều 5. Vi phạm quy định về bảo vệ môi trường sống của các loài thủy sản:
1. Mức phạt tiền từ 5 - 10 triệu đồng đối với hành vi hủy hoại rạn san hô, thảm cỏ biển, thảm rong biển.
2. Mức phạt tiền đối với hành vi khai thác, mua bán, vận chuyển san hô được quy định như sau:
a) Phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1 triệu đồng nếu khối lượng san hô dưới 10kg;
b) Phạt tiền từ 2 - 5 triệu đồng nếu khối lượng san hô từ 10kg đến dưới 50kg;
c) Phạt tiền từ 6 - 10 triệu đồng nếu khối lượng san hô từ 50kg đến dưới 100kg;
d) Phạt tiền từ 10 - 20 triệu đồng nếu khối lượng san hô từ 100kg trở lên.
 
 
PV

.