Phập phồng cửa Lở

01:10, 26/10/2016
.

(Báo Quảng Ngãi)- Trước mặt là cửa Lở, bên trái là hạ lưu sông Vệ, nên từ bao đời nay người dân thôn An Chuẩn (Đức Lợi, Mộ Đức) luôn phải sống trong thấp thỏm với nỗi lo sông lấn, biển ngoạm. Trong vòng 14 năm, đã có khoảng 200 hộ dân phải rời làng...

Những căn nhà sát bờ biển nơi cửa Lở giờ chỉ còn trơ khung. Mái tốc, móng nhà bị nước biển ăn sâu nên chẳng còn ai dám ở.

TIN LIÊN QUAN


Đồng cam cộng khổ

Tháng 10 hằng năm, khi mưa bắt đầu nặng hạt, nước từ thượng nguồn dồn về hạ lưu làm người dân thôn An Chuẩn “lãnh” đủ. Bao nhiêu đời sống chung với cảnh sông, biển lấn bờ nên mỗi mùa mưa, hơn 300 hộ dân thôn An Chuẩn lại bước vào “cuộc chiến” với thiên nhiên để giữ đất.

Gần 100 hộ dân có nguy cơ sạt lở ven sông thì rủ nhau trồng cây tra, một loại cây có rễ chắc khỏe và có khả năng tán gió tốt để giữ đất, còn hơn 100 hộ có nguy cơ sạt lở ven biển thì chung sức trồng dương liễu để ngăn chặn triều cường xâm thực.

 

Đá lởm chởm từ chiếc kè dở dang khiến ngư dân thôn An Chuẩn, xã Đức Lợi (Mộ Đức) không dám neo trú tàu thuyền.                             Ảnh: Ý THU
Đá lởm chởm từ chiếc kè dở dang khiến ngư dân thôn An Chuẩn, xã Đức Lợi (Mộ Đức) không dám neo trú tàu thuyền. Ảnh: Ý THU

Dọc bờ sông, những thân tra nối tiếp nhau, lớp trong, lớp ngoài tạo thành một “kè” chắn sóng thiên nhiên vững chãi. Về phía biển, những cây dương liễu chắc nịch được trồng vòng quanh nhà để ngăn sóng. “Ở đây, cây tra, cây dương liễu còn quý hơn vàng. Bởi không có nó thì nhà cửa trôi ra biển hết”- bà Nguyễn Thị Nòng, một người dân sống ở An Chuẩn cho hay.

Lo xong lớp chắn “thiên nhiên” phía ngoài, mỗi nhà lại tiếp tục xếp bao cát và đá vòng một lớp phía trong để có thể chống chọi được qua mùa mưa bão. Nỗ lực vượt qua sự khốc liệt của thiên nhiên, nhưng trước sự bất lợi về địa hình, năm nào bão lớn, thôn An Chuẩn cũng có nhà bị sóng biển, rồi dòng chảy hung hãn của sông “nuốt chửng”. Mùa mưa bão năm 2005, triều cường “liếm” sát vào móng nhà nên ông Nguyễn Nuôi chẳng dám chợp mắt. Bà con trong thôn cùng nhau mang bao cát, cọc tre, dương liễu đội mưa ra phụ ông chằng chống nhà cửa. Mấy chục người cùng túc trực để giúp ông “cứu nhà”, thế mà nhà cũng bị sóng đánh chìm.

Nước dâng, nhà cửa có thể bị sóng đánh sập bất cứ lúc nào, nên những hôm mưa lớn, các hộ dân sống sát mé sông, mé biển đều gánh gồng đồ đạc, dắt con cái đi gửi để đảm bảo an toàn. “Đến mùa mưa là nhà tôi chật kín chẳng còn chỗ nhích. Bao nhiêu giường tủ, bàn ghế, khay chén... mọi người đến gửi tôi nhận giữ hết để nếu có bị "hà bá" nuốt nhà thì ít ra họ vẫn còn vớt vát chút của”- bà Võ Thị Tuân, một người dân sống ở khu dân cư số 1, thôn An Chuẩn cho biết.

Đợt bão năm 2009, nhà bếp của bà Tuân bị sập hoàn toàn. Nhà chật chội lại phải lo dựng lại nhà, nhưng bà vẫn nhận đồ và sắp xếp chỗ ở cho các gia đình tá túc. Không riêng gì bà Tuân, mà hơn 100 hộ dân nằm trong khu vực an toàn của thôn đều chủ động nhận đồ đạc và là nơi trú tạm cho các hộ dân nằm trong khu vực bị ảnh hưởng bởi triều cường. Những đứa trẻ nơi đây cũng quen dần với những bữa ăn, giấc ngủ nơi nhà lạ.

 Nỗi buồn kè dang dở

Bao đời sống trong âu lo mỗi mùa mưa bão, nên năm 2009 khi Công ty Cổ phần Saphia Quốc tế triển khai xây dựng Dự án kè chống sạt lở ven sông, với chiều dài 800m nhằm bảo vệ đất đai, nhà cửa, tài sản cho người dân thôn An Chuẩn, ai nấy đều vui mừng. Để xây dựng tuyến kè, đơn vị thi công đã “ủi sạch” lớp tra chắn sóng có “tuổi thọ” mấy chục năm trời.

Dù tiếc, nhưng bà con ai nấy đều ủng hộ với hy vọng sẽ có kè chắn sóng an toàn và không còn phải sống trong lo âu thấp thỏm. Nhưng mới chỉ thực hiện được 40% hạng mục công trình thì công ty này bỏ ngang. Lúc này, người dân mới “té ngửa”, khi dải tra chắn sóng đã mất, mà kè thì chẳng thấy đâu.

Đã có gần 200 hộ dân ở An Chuẩn xã Đức Lợi (Mộ Đức)  phải di dời, vì nhà cửa bị ảnh hưởng của triều cường và sạt lở ven sông.
Đã có gần 200 hộ dân ở An Chuẩn xã Đức Lợi (Mộ Đức) phải di dời, vì nhà cửa bị ảnh hưởng của triều cường và sạt lở ven sông.


Không chỉ người dân tiếp tục thấp thỏm mà từ ngày có chiếc kè dang dở, 108 tàu thuyền của ngư dân xã Đức Lợi và các xã lân cận cũng mất luôn khu vực neo trú tàu thuyền. Bởi lẽ, những tảng đá lởm chởm từ chiếc kè dở dang có thể gây vỡ tàu bất cứ lúc nào, nên chẳng có chủ tàu nào dám đánh cược để neo đậu.

Ông Trần Đến, một chủ ghe xã Nghĩa An đang neo trú tàu ở đập An Mô cho biết: “Trước đây, vào mùa mưa bão, anh em chúng tôi hay neo tàu ở hạ lưu sông Vệ để tránh gió. Chỗ này vừa an toàn, vừa có những gốc tra lớn để neo dây. Nhưng giờ chẳng ai dám trú tàu ở đây vì sợ tàu, ghe va vào đá”.

Không còn nơi neo trú, các chủ tàu đành dẫn tàu thuyền về neo trú tạm ở đập ngăn mặn An Mô. Tuy nhiên, theo các ngư dân nơi đây, đập ngăn mặn An Mô hiện đã xuống cấp, không đủ diện tích và an toàn để các chủ tàu có thể yên tâm neo đậu vào mùa mưa bão.

Trông ngóng và hy vọng đến ngày được xây dựng kè chắn sóng ven biển, bà con An Chuẩn tiếp tục bám trụ lại vùng sạt lở và tìm cách thích ứng với điều kiện khó khăn. “Ở gần biển quen rồi nên dù sạt lở tôi vẫn chẳng muốn đi. Chỉ mong sao kè chống sạt lở ven biển này sẽ hoàn thành thật nhanh để dân được yên tâm, chứ đừng như kè ven sông...”- ông Võ Đứng bỏ lửng câu nói rồi tiếp tục chăm chút cho những cây tra non trước nhà.

 

Bài, ảnh: Ý THU
 


.