Để đường dây nóng luôn... nóng

01:08, 29/08/2016
.

(Báo Quảng Ngãi)- Việc công khai đường dây nóng (ĐDN), số điện thoại, địa chỉ email cá nhân của lãnh đạo tỉnh, các sở, ban, ngành và lãnh đạo các huyện, thành phố... là một phương pháp lãnh đạo, điều hành tích cực. Qua đó, người lãnh đạo nghe được ý kiến đa chiều từ người dân, tổ chức; chỉ đạo giải quyết kịp thời những kiến nghị chính đáng của dân, tổ chức, góp phần nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước.

TIN LIÊN QUAN

Ông Phạm Tấn Hoàng - Chủ tịch UBND TP.Quảng Ngãi cho biết, để tiếp thu ý kiến phản ánh của người dân, hiện nay lãnh đạo thành phố đã công bố số điện thoại, địa chỉ mail, ĐDN... Qua đó, thành phố tiếp nhận nhiều ý kiến phản ánh về cung cách làm việc, tiến độ giải quyết các thủ tục hành chính (TTHC) cho công dân. Với những vụ việc đơn giản, lãnh đạo thành phố trả lời, hoặc hướng dẫn người dân đến các cơ quan, đơn vị có trách nhiệm để được giải quyết.

Bộ phận một cửa Sở KH&ĐT giải quyết TTHC cho doanh nghiệp.
Bộ phận một cửa Sở KH&ĐT giải quyết TTHC cho doanh nghiệp.


Những vụ việc phức tạp cần thời gian, thì ghi nhận các kiến nghị của dân, rồi chỉ đạo các phòng, ban giải quyết, trả lời cho người dân theo quy định của pháp luật. "Thời gian qua, những thông tin phản ánh của người dân được lãnh đạo thành phố chỉ đạo giải quyết kịp thời. Với những tin thuộc phạm vi giải quyết của cơ sở, như lấn chiếm vỉa hè, lòng lề đường, vệ sinh môi trường, tranh chấp đất đai... lãnh đạo thành phố vẫn chỉ đạo UBND các xã, phường kiểm tra, xử lý và trả lời cho công dân", ông Hoàng nhấn mạnh.

Còn ông Trần Em - Chủ tịch UBND huyện Đức Phổ thì cho rằng, qua công bố số điện thoại, địa chỉ email, ĐDN, lãnh đạo huyện đã tiếp nhận được nhiều thông tin bổ ích, giúp việc điều hành sát với thực tế hơn. Những thông tin tiếp nhận được huyện cho kiểm tra, nếu chính xác thì chỉ đạo giải quyết ngay.

Việc lắng nghe, tiếp nhận ý kiến, phản ánh, đánh giá của các tổ chức, cá nhân về TTHC... là một trong những đổi mới trong phương thức lãnh đạo của các sở, ngành, đơn vị, địa phương nhằm hướng đến sự hài lòng của người dân, tổ chức. Ông Nguyễn Cao Phúc - Giám đốc Sở KH&ĐT cho biết: Qua nửa năm công bố, chúng tôi tiếp nhận nhiều ý kiến của doanh nghiệp, người dân chủ yếu về thủ tục đăng ký kinh doanh.

Được biết, các TTHC ở sở hiện đạt mức độ 4, người dân ở nhà cũng có thể đăng ký kinh doanh qua mạng, nên giảm thời gian đi lại, chờ đợi... Việc công bố ĐDN còn nhằm đẩy mạnh phát triển chính quyền điện tử, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của cơ quan nhà nước theo hướng phục vụ người dân và doanh nghiệp tốt hơn.

 Cán bộ Phòng TN&MT huyện Bình Sơn giải quyết thủ tục đất đai cho người dân.
Cán bộ Phòng TN&MT huyện Bình Sơn giải quyết thủ tục đất đai cho người dân.


Tuy nhiên, theo nhiều người dân, để ĐDN của lãnh đạo tỉnh, huyện, thành phố hoạt động hiệu quả cần có một bộ phận thường trực để tiếp nhận, tổng hợp ý kiến của dân để báo cáo lãnh đạo giải quyết. Ông Lê Văn Tuấn, xã Nghĩa Hiệp (Tư Nghĩa) cho rằng, khi tiếp nhận ý kiến qua ĐDN các cơ quan chức năng cần khẩn trương và nghiêm túc trả lời công dân, nếu không thực hiện được điều này thì ĐDN sẽ "không còn nóng".

Còn bà Đỗ Thị Sinh, xã Tịnh Ấn Tây (TP. Quảng Ngãi) thì phản ánh, nhiều vụ việc người dân phản ánh qua đơn thư cũng không giải quyết kịp thời nói gì đến phản ánh qua ĐDN, nên cần phải xem lại, không nên làm cho có...

Theo bà Sinh, nhiều năm qua, bà làm đơn khiếu nại việc thu hồi đất của mẹ bà là bà Nguyễn Thị Bộ để thực hiện xây dựng Trường Cao đẳng Công thương TP.Hồ Chí Minh tại thôn Liên Hiệp 1, phường Trương Quang Trọng nhưng không bồi thường,  đến nay chưa có cấp nào giải quyết dứt điểm.
                      

Bài, ảnh: Bá Sơn


 


.