Nhiều chính sách mới có hiệu lực từ ngày 1/8

07:07, 31/07/2016
.

Từ ngày mai (1/8), hàng loạt chính sách tác động trực tiếp đến đời sống dân sinh sẽ chính thức có hiệu lực, trong đó có Nghị định 46 quy định tăng mức xử phạt với hàng loạt hành vi vi phạm giao thông, Nghị định 55 điều chỉnh tăng 8% mức lương hưu - trợ cấp hàng tháng, Thông tư 05 với cách tính mới mức lương mới cho cán bộ, công chức…

Tăng mức xử phạt hàng loạt hành vi vi phạm luật giao thông

Nghị định 46/2016/NĐ-CP về quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông chính thức có hiệu lực từ ngày 1/8. Điều 5 của Nghị định quy định các mức xử phạt người điều khiển, người được chở trên xe ô tô và các loại xe tương tự xe ô tô vi phạm quy tắc giao thông đường bộ. Theo đó, phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với người điều khiển xe thực hiện một trong các hành vi điều khiển xe trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn nhưng chưa vượt quá 50 miligam/100 mililít máu hoặc chưa vượt quá 0,25 miligam/1 lít khí thở; điều khiển xe chạy quá tốc độ quy định từ 10 km/h đến 20 km/h.

Đối với người điều khiển xe ô tô chạy quá tốc độ quy định trên 20 km/h đến 35 km/h bị phạt tiền 5.000.000 đồng đến 6.000.000 đồng; gây tai nạn giao thông không dừng lại, không giữ nguyên hiện trường, bỏ trốn không đến trình báo với cơ quan có thẩm quyền, không tham gia cấp cứu người bị nạn cũng bị xử phạt từ 5.000.000 đồng đến 6.000.000 đồng.

Tước quyền sử dụng giấy phép lái xe từ 22 tháng đến 24 tháng (trong trường hợp có giấy phép lái xe) hoặc phạt tiền từ 16.000.000 đồng đến 18.000.000 đồng (trong trường hợp không có giấy phép lái xe hoặc có nhưng đang bị tước quyền sử dụng giấy phép lái xe) đối với người điều khiển xe trên đường mà trong cơ thể có chất ma túy.

Điều 6 của Nghị định quy định rõ các mức xử phạt đối với người điều kiển mô tô, xe gắn máy (kể cả xe máy điện) vi phạm quy tắc giao thông đường bộ. Theo đó, với hành vi không giữ khoảng cách an toàn để xảy ra va chạm với xe chạy liền trước hoặc không giữ khoảng cách theo quy định của biển báo hiệu “Cự ly tối thiểu giữa hai xe” bị phạt từ 60.000 đồng đến 80.000 đồng. Các hành vi không chấp hành hiệu lệnh, chỉ dẫn của biển báo hiệu, vạch kẻ đường, trừ các hành vi vi phạm quy định cũng bị phạt với mức tiền từ 60.000 đồng đến 80.000 đồng.

Nghị định quy định rõ mức xử phạt từ từ 80.000 đồng đến 100.000 đồng với các hành vi chuyển làn đường không đúng nơi được phép hoặc không có tín hiệu báo trước; điều khiển xe chạy dàn hàng ngang từ 3 (ba) xe trở lên; bấm còi trong thời gian từ 22 giờ ngày hôm trước đến 5 giờ ngày hôm sau, sử dụng đèn chiếu xa trong đô thị, khu đông dân cư, trừ các xe ưu tiên đang đi làm nhiệm vụ theo quy định; quay đầu xe tại nơi cấm quay đầu xe.

Phạt tiền từ 100.000 đồng đến 200.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây: dừng xe, đỗ xe trên phần đường xe chạy ở đoạn đường ngoài đô thị nơi có lề đường; không giảm tốc độ hoặc không nhường đường khi điều khiển xe chạy từ trong ngõ, đường nhánh ra đường chính; điều khiển xe chạy quá tốc độ quy định từ 5 km/h đến dưới 10 km/h…

Tăng 8% mức lương hưu, trợ cấp hằng tháng

Nghị định 55/2016/NĐ-CP Điều chỉnh mức lương hưu, trợ cấp mất sức lao động hằng tháng; trợ cấp hằng tháng đối với quân nhân, công an nhân dân, người làm công tác cơ yếu, cán bộ xã đã nghỉ việc; trợ cấp đối với giáo viên mầm non có thời gian làm việc trước năm 1995, chính thức có hiệu lực từ ngày 1/8.

Cụ thể, cán bộ, công chức, công nhân, viên chức, người lao động và cán bộ xã, phường, thị trấn được điều chỉnh tăng 8% mức lương hưu, trợ cấp hằng tháng. Thời điểm điều chỉnh tính từ tháng bắt đầu hưởng lương hưu, trợ cấp hằng tháng. Riêng các đối tượng đã được điều chỉnh tăng 8% theo Nghị định số 09/2015/NĐ-CP ngày 22/1/ 2015 của Chính phủ thì giữ nguyên mức hưởng.

 Nghị định 55/2016/NĐ-CP Điều chỉnh mức lương hưu, trợ cấp mất sức lao động hằng tháng có hiệu lực từ 1/8
Nghị định 55/2016/NĐ-CP Điều chỉnh mức lương hưu, trợ cấp mất sức lao động hằng tháng có hiệu lực từ 1/8


Người có mức lương hưu, trợ cấp mất sức lao động và trợ cấp hằng tháng thấp hơn 2 triệu đồng/tháng… được điều chỉnh tăng thêm 250.000 đồng/người/tháng đối với những người có mức lương hưu từ 1.750.000 đồng/người/tháng trở xuống; tăng lên bằng 2.000.000 đồng/người/tháng đối với những người có mức lương hưu từ trên 1.750.000 đồng/người/tháng đến dưới 2.000.000 đồng/người/tháng.

Tăng thêm 150.000 đồng/người/tháng đối với những người có mức trợ cấp mất sức lao động, trợ cấp hằng tháng từ 1.850.000 đồng/người/tháng trở xuống; tăng lên bằng 2.000.000 đồng/người/tháng đối với những người có mức trợ cấp mất sức lao động, trợ cấp hằng tháng từ trên 1.850.000 đồng/người/tháng đến dưới 2.000.000 đồng/người/tháng.

Mức lương mới cho cán bộ, công chức

Kể từ ngày 1/8, Thông tư 05/2016/TT-BNV hướng dẫn thực hiện mức lương cơ sở đối với đối tượng hưởng lương, phụ cấp trong cơ quan, đơn vị sự nghiệp công lập của Đảng, Nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội chính thức có hiệu lực. Theo đó, mức lương, phụ cấp và hoạt động phí của các đối tượng quy định tại Điều 1 Thông tư này sẽ được tính theo mức lương cơ sở là 1.210.000 đồng kể từ ngày 1/5/2016.

Đối với cán bộ, công chức có hệ số lương từ 2,34 trở xuống đã được hưởng tiền lương tăng thêm quy định tại Nghị định 17/2015/NĐ-CP như sau: Nếu tổng tiền lương và các khoản phụ cấp lương tính theo mức lương cơ sở 1.210.000 đồng/tháng của tháng 5/2016 thấp hơn tiền lương và các khoản phụ cấp lương cộng với tiền lương tăng thêm theo Nghị định số 17 tính theo mức lương cơ sở 1.150.000 đồng/tháng của tháng 4/2016 thì được hưởng chênh lệch cho bằng tổng tiền lương đã hưởng của tháng 4/2016…

Tăng mức phạt đối với hành vi không niêm yết giá

Nghị định 49/2016/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 109/2013/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý giá, phí, lệ phí, hóa đơn chính thức có hiệu lực từ 1/8. Theo đó, đơn vị vi phạm lần đầu: phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng; vi phạm nhiều lần, tái phạm: phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng.

Đối với hành vi vi phạm về phí, lệ phí cũng bị tăng mức phạt tiền. Cụ thể, phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với hành vi không công khai chế độ thu phí, lệ phí theo quy định. Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến dưới 2.000.000 đồng đối với hành vi vi phạm có số tiền vi phạm đến dưới 10.000.000 đồng; phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến dưới 5.000.000 đồng đối với hành vi vi phạm có số tiền vi phạm từ 10.000.000 đồng đến dưới 30.000.000 đồng…

Tăng thêm nhóm công việc phải nghiêm ngặt an toàn vệ sinh, lao động

Ngày 1/8, Thông tư 13/2016/TT-BLĐTBXH về Danh mục 17 nhóm công việc có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn, vệ sinh lao động chính thức có hiệu lực. Theo đó, ngoài việc bổ sung thêm công việc vào nhóm cũ trong danh mục tại Thông tư 27 (13 nhóm), Thông tư 13 còn thêm mới một số nhóm công việc như: các công việc làm việc trên cao cách mặt bằng làm việc từ 2 mét trở lên; các công việc làm việc có tiếp xúc bức xạ ion hóa; các công việc có tiếp xúc điện từ trường tần số cao ở dải tần số từ 30GHz tới 300GHz.
 

Theo Quang Phong/Dân Trí

 


.