Xử phạt vi phạm hành chính: Đừng tùy tiện

07:06, 26/06/2016
.

(Báo Quảng Ngãi)- Chỉ khi cơ quan chức năng xác định đúng cơ sở xử phạt, thì việc thực hiện xử phạt hành chính mới bảo đảm chính xác, bảo đảm được quyền và lợi ích hợp pháp của Nhà nước, của tổ chức và cá nhân... 

“Điệp khúc”: Xử phạt... thu hồi

 Thực tế hiện nay, một số cơ quan hành chính Nhà nước quá “nhiệt tình” trong vấn đề xử phạt, để rồi không xác định đúng hành vi vi phạm, ra quyết định xử phạt sai, sau đó lại hủy bỏ quyết định. Trong thời gian qua, từ “đường dây nóng” của Sở Tư pháp, nhiều công dân đã phản ánh tình trạng cơ quan chức năng phạt “lụi”, vì cho rằng người dân vi phạm hành chính (VPHC).

Điển hình là vụ việc của ông Phan Đình T. (Mộ Đức). Tháng 10.2015, khi gia đình ông T. có xây một trại chứa vật dụng sản xuất nông nghiệp trên thửa đất mà gia đình ông đã quản lý, sử dụng ổn định từ trước năm 1975 đến nay. Việc không có gì đáng nói nếu UBND xã nơi ông T. cư ngụ không lập biên bản xử phạt VPHC đối với ông T.

Theo đó, xã xử phạt ông T. 1 triệu đồng và buộc phải tháo dỡ công trình trái phép trả lại hiện trạng của đất như trước khi vi phạm, vì đã thực hiện hành vi VPHC như: Xây dựng nhà ở trên đất trồng hoa màu, chưa được cấp có thẩm quyền cho phép, đất Nhà nước quản lý.

 Vụ việc sẽ “chìm xuồng” nếu ông T. chấp nhận bị xử phạt và thực hiện các biện pháp khắc phục. Nhưng ông T. đã khiếu nại quyết định này và được UBND xã trả lời bằng một quyết định “thu hồi quyết định” xử phạt VPHC nói trên, vì căn cứ áp dụng điều khoản trong biên bản và quyết định xử phạt là chưa đúng.

Khi Thanh tra huyện Mộ Đức vào cuộc, ông T. khiếu nại thì UBND xã lại ra quyết định thu hồi quyết định xử phạt VPHC trước đó đối với ông T. “Điệp khúc” xử phạt... thu hồi chưa dừng lại, khi UBND xã tiếp tục lập biên bản VPHC lần thứ ba và ra quyết định xử phạt hành chính đối với ông T. khi những quyết định trước đó bị khiếu nại và được UBND xã hủy bỏ một cách dễ dàng.
 
Đừng tùy tiện

 Trường hợp của ông T. chỉ là một trong nhiều vụ việc mà người dân bị oan trong cách xử phạt hành chính tùy tiện của lãnh đạo nhiều địa phương ở cơ sở. Cách xử lý như trên khiến cho người dân, người bị xử phạt không thể tâm phục, khẩu phục được.

Qua đó cũng cho thấy, nhiều địa phương lúng túng trong việc xác định hành vi vi phạm, căn cứ xử phạt cũng như hình thức xử phạt áp dụng không đúng. Đây là hành vi bị nghiêm cấm trong Luật Xử lý VPHC năm 2012.

Sự tùy tiện trong vấn đề lập biên bản và ra quyết định xử phạt VPHC như trong trường hợp ông T. cũng là một phần nguyên nhân khiến những khiếu nại, khiếu kiện kéo dài, gây bức xúc trong nhân dân, gây mất niềm tin vào cơ quan Nhà nước.

Thiết nghĩ, nếu như chính quyền địa phương “chậm” một chút để xác minh lại nguồn gốc và xác định hành vi vi phạm, cẩn trọng hơn trong việc áp dụng pháp luật... thì đã không tốn nhiều giấy mực và thời gian để giải quyết những vấn đề phát sinh trong quá trình quản lý.

 Pháp luật là công cụ để Nhà nước quản lý xã hội và là hành lang pháp lý để người dân thực hiện quyền và nghĩa vụ của mình. Suy cho cùng thì điều kiện tìm hiểu và nắm bắt pháp luật của CB, CCVC phải hơn những người dân lao động, những người nông dân.

Do đó, họ phải là người hướng dẫn, tuyên truyền cho người dân thực hiện đúng các quy định của pháp luật. Thế nhưng, trên thực tế vẫn còn một số cá nhân trong cơ quan hành chính Nhà nước ở địa phương chưa làm tròn trách nhiệm của mình, vô tình làm cho người dân khiếu nại kéo dài.         
    

NAM TRIỀU
 


.