Tăng suất đầu tư cho định cư: Tính ổn cư chưa tăng

09:06, 21/06/2016
.

(Báo Quảng Ngãi)- Sơn Tây là địa phương có nhiều khu tái định cư (TĐC), được đầu tư với số tiền từ vài trăm triệu đến hàng tỷ đồng cho một hộ. Mục đích TĐC là giúp các hộ dân nghèo, hộ trong vùng sạt lở, vùng dự án... ổn định cuộc sống. Tuy nhiên, việc triển khai còn nhiều bất cập. Nhiều khu TĐC tính ổn cư không cao, gây lãng phí.

TIN LIÊN QUAN

Những làng định cư, định canh tiền tỷ

"Làng biệt thự" là khu TĐC của các hộ dân trong vùng Dự án thủy điện Đắkđrinh được đầu tư lên đến nửa tỷ đồng cho một hộ. Khu TĐC này có nhiều hạng mục như: Nhà TĐC, đất tái định canh, hạ tầng điện, nước, trường học...

Khu tái định cư Anh Nhoi 2 (Sơn Long) thuộc dự án thủy điện Đăkđrinh, suất đầu tư cao, nhưng nhiều người dân không mặn mà.
Khu tái định cư Anh Nhoi 2 (Sơn Long) thuộc dự án thủy điện Đăkđrinh, suất đầu tư cao, nhưng nhiều người dân không mặn mà.


Với viễn cảnh "biệt thự, ruộng lúa, rẫy keo, vườn rau" liên kế, tạo thành khu dân cư kiểu mẫu giữa đại ngàn Sơn Tây như thiết kế đã không thành hiện thực. Nhiều hộ dân "chê biệt thự", ở nhà sàn. Không ít gia đình nhận nhà, về ở vài hôm rồi đóng cửa, rời làng đi biền biệt. Sự vắng vẻ đến hoang tàn đang hiển hiện ở "làng biệt thự" mà nhìn bề ngoài khá sầm uất này.

Hiện tại, trên địa bàn huyện Sơn Tây đang và sẽ tiếp tục triển khai nhiều khu TĐC, làng thanh niên lập nghiệp với suất đầu tư từ vài trăm triệu đồng đến cả tỷ đồng cho một hộ. Điển hình như Làng Thanh niên lập nghiệp Sơn Bua. Đây là một trong 15 làng thanh niên lập nghiệp được Chính phủ phê duyệt đầu tư, với tổng vốn 55 tỷ đồng để "ổn cư, lập nghiệp" cho 30 hộ thanh niên trong vùng.

Trong tháng 10.2016 này, huyện Sơn Tây tiếp tục nghiệm thu khu định canh, định cư tập trung I Nam, thôn Tà Vinh, xã Sơn Màu và chuyển  dân về ở. Khu I Nam có tổng vốn đầu tư gần 16 tỷ đồng (trong đó, hỗ trợ sản xuất trên 1,1 tỷ và  đầu tư cơ sở hạ tầng thiết yếu trên 14,3 tỷ) phục vụ TĐC và định canh cho 46 hộ dân.

Cũng trong năm 2016, huyện Sơn Tây tiếp tục rà soát để đầu tư thêm 2 dự án định canh, định cư mới. Đó là Dự án định canh, định cư Nước Ram, thôn Tà Dô, xã Sơn Tân cho 54 hộ, với kinh phí đầu tư trên 8,8 tỷ đồng và Dự án định canh, định cư Bà Nót, thôn Mang Trẫy, xã Sơn Lập cho 58 hộ, với tổng kinh phí đầu tư gần 11,8 tỷ đồng.
 

Đã đến lúc việc khảo sát, quyết định đầu tư khu định canh, định cư vùng cao Sơn Tây nói riêng, Quảng Ngãi nói chung cần xem xét một cách thấu đáo, trách nhiệm hơn. Trong đó không nên xem việc đầu tư khu định cư, định canh là công trình "xây dựng cơ bản". Mà đây phải là công trình mang tính an sinh xã hội. Vì vậy, cần tham khảo xem người dân cần gì, để đem đến cho họ cuộc sống thật sự ổn định khi về nơi ở mới.

Tính ổn cư không cao

Hiện tại hai khu TĐC Anh Nhoi 2 (xã Sơn Long), Nước Vương (Sơn Liên) đã hoàn thành, bàn giao, nhưng cuộc sống của người dân nơi đây còn quá nhiều bất cập. Dân "chê" nhà TĐC, trở lại làng cũ hoặc vào rẫy sinh sống khá nhiều. Nhiều hộ TĐC có cuộc sống chật vật hơn trước, do thiếu đất sản xuất. Trong khi người dân trình độ thấp, việc chuyển đổi nghề nghiệp sau khi nhường đất cho dự án lại chưa sẵn sàng. Nạn thiếu ăn, thiếu mặc đã buộc họ phải rời khu TĐC  vào rừng, lên rẫy kiếm sống, khiến nơi đây trở nên đìu hiu. Theo thống kê, hiện tại có đến 30% số hộ ở các khu TĐC bỏ nhà đi nơi khác làm ăn sinh sống.

Tại khu dân cư Ngọc Răng (xã Sơn Tân) sự vắng vẻ ngày một gia tăng. Nhiều khoảnh đất trống ghi trong dự án là "vườn", "ruộng" bị bỏ hoang vì thiếu nước sản xuất. Những ngôi nhà xây nho nhỏ, bịt bùng không hợp với nếp sống của người dân vùng cao. Họ chỉ thích sống ở nhà sàn nên bỏ "nhà xây" hoang phế. Hiện khu dân cư này chỉ có khoảng 8 hộ sinh sống. Còn hàng chục ngôi nhà xây khác cửa đóng im ỉm.

 Ông Lê Văn Tùng - Chủ tịch UBND huyện Sơn Tây thừa nhận: "Các khu định cư, định canh hiện tại còn nhiều bất cập. Nhiều vấn đề phát sinh mà trước đấy không dự lường được. Tất cả những bất cập này đang được huyện và các ngành liên quan tập trung tháo gỡ".

Trên địa bàn tỉnh, giai đoạn 2009 - 2012, chính sách tái định canh, định cư với suất đầu tư thấp, nên việc đầu tư không đảm bảo. Nhiều ngôi làng nhà tôn, vách lồ ô, không nước sinh hoạt, không điện thắp sáng... nên người dân không chịu di dời đến ở. Khắc phục những tồn tại này, việc đầu tư các khu TĐC đã nâng suất đầu tư cao hơn, dù là nguồn vốn ngân sách hay doanh nghiệp. Thế nhưng vẫn không ít khu TĐC, định canh vẫn vắng vẻ. Cuộc sống người dân sau khi về TĐC không phát triển hơn trước; thậm chí bấp bênh, thiếu thốn hơn.



 Bài, ảnh: THANH NHỊ

 


.