Nhân Ngày Gia đình Việt Nam 28.6:
Nơi nuôi dưỡng những tâm hồn cao đẹp

06:06, 28/06/2016
.

(Baoquangngai.vn)- Dù ở bất cứ xã hội nào, gia đình vẫn luôn đóng vai trò then chốt đem lại niềm hạnh phúc, tình yêu thương cho mỗi con người. Nhất là trong những gia đình sống chung nhiều thế hệ, sự gương mẫu của ông bà, cha mẹ có sức ảnh hưởng mạnh mẽ để hình thành nên nhân cách sống tốt đẹp của thế hệ trẻ.
Gia đình cụ Lê Văn Lượng (95 tuổi) ở thôn Mỹ Huệ 1, xã Bình Dương (huyện Bình Sơn) được nhiều người nhắc đến bởi nếp sống tứ đại đồng đường đầm ấm, hòa thuận được gia đình cụ duy trì từ lâu. Ngôi nhà nhỏ luôn đầy ắp tiếng cười của các thành viên trong các khoảng thời gian sinh hoạt chung. Được con, cháu chăm sóc chu đáo, tận tình nên dù đã ở tuổi xưa nay hiếm nhưng cụ Lượng vẫn khỏe mạnh và minh mẫn.
 
Cụ Lượng từng tham gia chống Pháp và Mỹ, sau khi thống nhất đất nước, vì vợ mất sớm nên một mình cụ phải tần tảo vừa làm cha, vừa làm mẹ nuôi các con khôn lớn. Thấu hiểu được nỗi vất vả của cha, ông mình, nên các con cháu luôn cố gắng làm việc, học tập tốt, trở thành những tấm gương tốt trong xã hội.

 

Gia đình tứ đại đồng đường của cụ Lê Văn Lượng là nơi giáo dục, nuôi dưỡng nên những nhân cách tốt cho thế hệ cháu con
Gia đình tứ đại đồng đường của cụ Lê Văn Lượng là nơi giáo dục, nuôi dưỡng nên những nhân cách tốt cho thế hệ cháu con.
 
Những năm tháng còn trẻ, cụ Lê Văn Lượng đã không ngừng cống hiến sức mình cho công việc, sẵn sàng giúp đỡ những gia đình khó khăn. Đến khi sức tàn lực kiệt, tinh thần trách nhiệm vì cộng đồng của cụ đã được “truyền lửa” sang thế hệ con cháu.
 
Hơn 10 năm qua, khắc sâu lời dạy của cha mình về truyền thống gia đình "lá lành đùm lá rách", ông Lê Văn Hậu vẫn miệt mài với công tác thiện nguyện, kêu gọi cộng đồng giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn ở thôn, xóm.
 
Khi hay tin hoàn cảnh của cháu Lộ Ngọc Quý mới học lớp 4 đã mất cả bố lẫn mẹ, phải sống với bà ngoại đã già yếu, ông Hậu đã không ngại ngần gõ cửa từng nhà và vận động các con cháu trong gia đình quyên góp được số tiền 15 triệu đồng để hỗ trợ hai bà cháu Quý bước đầu vượt qua cơn khó khăn.
 
“Gia đình ông ấy tốt lắm, bà con hễ có gì khó, có gì cần thì cụ Lượng, ông Hậu và các con cháu đều nhiệt tình giúp đỡ”- bà Võ Thị Lít- bà ngoại của Quý cảm kích trước tấm lòng của ông Hậu.
 
Không riêng gia đình cháu Quý được hỗ trợ, mỗi năm ông Hậu đã giúp 5-7 gia đình khó khăn tại địa phương bằng cách tự bỏ tiền của mình và kêu gọi con cháu trong nhà và vận động bà con quyên góp để hỗ trợ những mảnh đời éo le.
 
“Tôi chứng kiến cảnh cha mẹ mình cực khổ nuôi con khôn lớn, tôi cũng nhìn rõ những việc tốt cha đã làm và bản thân cũng đã từng trải qua những năm tháng chiến tranh gian khổ với cảnh gia đình ly tán, đói khổ khắp nơi. Thế nên, chính những điều ấy đã hun đúc trong tôi sự quyết tâm giúp người, hễ còn sức thì sẽ còn giúp”- Ông Lê Văn Hậu chia sẻ tâm tư.

 

Tiếp nối những hành động đẹp của cha, ông Lê Văn Hậu mỗi năm luôn cố gắng vận động, giúp đỡ cho nhiều hoàn cảnh éo le trong thôn, xóm
Tiếp nối những hành động đẹp của cha, ông Lê Văn Hậu mỗi năm luôn cố gắng vận động, giúp đỡ cho nhiều hoàn cảnh éo le trong thôn, xóm.
 
Những hành động gương mẫu của cụ Lượng và cả tấm lòng nhân ái của ông Hậu đều được lấy ra để răn dạy các thế hệ con cháu về tình yêu thương. Những giờ sinh hoạt chung của gia đình, cụ Lượng luôn nhắc nhở thế hệ con, cháu luôn phải sống sao cho tròn nghĩa, vẹn tình. Lời nói luôn đi đôi với hành động của người đi trước, đã trở thành tấm gương sáng cho thế hệ trẻ noi theo.
 
“Ông cố, ông bà nội và cả ba mẹ luôn khuyên bảo cháu phải thành người tốt, phải sống yêu thương con người. Sống chung nhiều thế hệ trong gia đình như thế này, cháu học được rất nhiều điều hay lẽ phải”- Cháu Lê Minh Khôi (18 tuổi)- chắt nội của cụ Lê Văn Lượng bộc bạch.
 
Cũng là một trong số ít gia đình tứ đại đồng đường còn sót lại ở xã Bình Dương, gia đình của ông Nguyễn Tiến (66 tuổi) gồm 7 người vẫn luôn hòa thuận, yêu thương và được bà con hàng xóm nhắc đến như một gia đình truyền thống kiểu mẫu.
 
Từ thế hệ ông bà, đến con cháu trong gia đình ông Nguyễn Tiến luôn răn bảo nhau làm những việc có ích cho láng giềng, cộng đồng. Chính vì thế, từ những năm 1980, gia đình ông Tiến đã tiên phong trong việc góp công, góp của xây chiếc cầu đầu tiên nối Bình Dương- Bình Trung, tạo điều kiện cho người dân Bình Dương đi lại thuận lợi.
 
Rồi đến những năm 2000, UBND xã Bình Dương kêu gọi người dân hiến đất, góp sức làm đường xây dựng nông thôn mới, ông Tiến cùng các con sẵn sàng hiến gần 100 mét vuông đất và một số tiền mặt khá lớn lúc bấy giờ để người dân địa phương có đường bê tông khang trang.

 

Để có được sự đồng lòng trong gia đình nhiều thế hệ, theo ông Nguyễn Tiến, cách giáo dục và tình thương yêu đóng vai trò rất quan trọng
Để có được sự đồng lòng trong gia đình nhiều thế hệ, theo ông Nguyễn Tiến, cách giáo dục và tình thương yêu, sự sẻ chia đóng vai trò rất quan trọng
 
Theo ông Tiến, để có được sự đồng lòng từ ông bà đến con cháu, cách giáo dục trong gia đình vô cùng quan trọng. Sống trong gia đình truyền thống nhiều thế hệ, mỗi thành viên đều phải tự điều chỉnh các hành vi và mối quan hệ của mình cho phù hợp. Các thành viên trong gia đình phải “trên kính, dưới nhường”, biết quan tâm, tôn trọng lẫn nhau, điều quan trọng là kiềm chế “cái tôi” ích kỷ để cùng nhau vun đắp hạnh phúc gia đình. 
 
“Tôi luôn dạy các con, cháu phải có lòng nhân ái. Và lòng nhân ái không nói đâu xa mà xuất phát từ sự thương yêu giữa các thành viên trong gia đình lẫn nhau. Rồi sau đó, các cháu mới học được tình yêu thương làng xóm, quê hương để có những hành động đẹp”- ông Tiến chia sẻ.
 
Trong cuộc sống hiện đại ngày nay, việc duy trì được nếp sống gia đình nhiều thế hệ như cụ Lượng, ông Tiến là điều rất đáng quý, thể hiện nét đẹp, tình đoàn kết, yêu thương, giá trị truyền thống của gia đình. Từ những gia đình ấy, nhiều tấm lòng nhân với những hành động đẹp được lan tỏa ra xã hội một cách nhẹ nhàng, nhưng vô cùng sâu sắc.
 
Bài, ảnh: Thanh Phương
 

.