Quảng Ngãi: Tăng cường bảo vệ động vật nằm trong "danh mục đỏ"

04:05, 31/05/2016
.

(Baoquangngai.vn)- Cùng với việc sử dụng các biện pháp nghiệp vụ, lực lượng chức năng còn tích cực đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật, vận động người dân không tham gia các hoạt động xâm hại đến các loài động vật quý hiếm, đặc biệt là các loài nằm trong “danh mục đỏ”.
 
Khẩn thiết bảo vệ rùa biển
 
Theo nhiều tài liệu nghiên cứu, rùa biển xuất hiện trên trái đất cách đây khoảng 200 triệu năm, kể cả trước khi các loài khủng long ra đời, đóng vai trò quan trọng đối với hệ sinh thái biển, có giá trị cao với khoa học, du lịch, văn hóa, tâm linh.
 
Tại vùng biển nước ta, có 5 loài rùa biển sinh sống: Vích, đồi mồi, quản đồng, rùa da, đồi mồi dứa. Trước đây, số lượng rùa biển tại Việt Nam rất lớn, nhất là loài vích với hàng chục ngàn con lên đẻ trứng mỗi năm. Tuy nhiên, số lượng của các cá thể rùa biển đang suy giảm đi rất nhiều.
 
Ngoài Côn Đảo, nơi có hàng trăm cá thể lên đẻ mỗi năm thì tại các địa phương khác kéo dài từ Quảng Ninh đến Bình Định, số lượng chỉ còn khoảng từ 10 đến 20 con. Tất cả các loài này đều được đưa vào Sách đỏ Việt Nam, cần được bảo vệ, cấm khai thác, vận chuyển và buôn bán.
 
Số lượng rùa biển đang ngày càng suy giảm.
Tất cả các cá thể rùa biển đều được đưa vào Sách đỏ Việt Nam, cần được bảo vệ, cấm khai thác, vận chuyển và buôn bán.
 
Trong khi đó, hiện nay ở Quảng Ngãi, tình trạng khai thác thủy sinh trong danh mục cấm, sử dụng chất nổ đánh bắt thủy sản vẫn còn diễn biến phức tạp, dẫn đến nguy cơ tuyệt chủng những loài thủy sinh quý hiếm, phá hủy môi trường, tài nguyên biển, trong đó có cá thể rùa.
 
Chỉ tính từ đầu năm đến nay, Đồn Biên phòng Bình Hải (huyện Bình Sơn) đã phát hiện, bắt giữ đến 11 cá thể rùa biển ở khu vực mình quản lý và kịp thời báo cho Chi cục Khai thác & Bảo vệ nguồn lợi thủy sản tỉnh gắn thẻ định dạng, thả về đại dương; kịp thời xử lý hành chính nhiều đối tượng khai thác, vận chuyển, buôn bán.
 
Phần lớn những đối tượng khai thác và vận chuyển rùa biển là những ngư dân không có chủ ý, kém hiểu biết về pháp luật, về những loại thủy sinh quý hiếm, nằm trong danh mục cấm. 
 
Trước tình hình trên, Đồn biên phòng Bình Hải đã sử dụng các biện pháp nghiệp vụ đấu tranh, ngăn chặn; tích cực đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho nhân dân trên địa bàn; vận động nhân dân không tham gia các hoạt động xâm hại tài nguyên, môi trường biển... Qua đó,  nâng cao trách nhiệm bảo vệ, khai thác bền vững tài nguyên biển trong cộng đồng.  
 
Số lượng rùa biển được Đồn biên phòng Bình Hải tịch thu trong lúc tuần tra trên khu vực mình quản lý.
Số lượng rùa biển được Đồn biên phòng Bình Hải tịch thu trong lúc tuần tra trên khu vực mình quản lý.
 
“Đồn biên phòng Bình Hải đã cử cán bộ nghiệp vụ, người có uy tín ở địa phương trực tiếp đến tận nhà cho các thuyền trưởng, chủ tàu viết cam kết chấp hành nghiêm việc khai khác thủy, hải sản trên biển”, Thiếu tá Ngô Doãn Tú - Phó Đồn trưởng  nghiệp vụ - Đồn biên phòng Bình Hải, nhấn mạnh.
 
Những biện pháp chủ động bảo vệ tài nguyên môi trường biển của đồn Biên phòng Bình Hải đã và đang góp phần hạn chế và đẩy lùi các vụ việc khai thác, vận chuyển, tiêu thụ những loài thủy sinh quí hiếm trên địa bàn tỉnh.
 
Khoanh vùng, bảo vệ đa dạng sinh học
 
Song song với việc bảo vệ các loài thủy sinh quý hiếm ở biển, lực lượng kiểm lâm tỉnh cũng đã thường xuyên tuyên truyền, vận động người dân tự nguyện giao nộp động vật hoang dã ở khu vực miền núi, nhất là động vật quý hiếm cho cơ quan chức năng. 
 
Công tác tuyên truyền, vận động đã và đang dần mang lại  hiệu quả. Nhiều người dân ở các huyện miền núi khi phát hiện các loài động vật này đã chủ động trình báo, tự nguyện giao nộp cho cơ quan chức năng. 
 
Mới đây, ngày 23.5, Hạt kiểm lâm huyện Ba Tơ đã bàn giao cá thể voọc chà vá chân xám cho Trung tâm cứu hộ linh trưởng nguy cấp, Vườn Quốc gia Cúc Phương. Cá thể này do anh Nguyễn Quốc Việt (37 tuổi, ở xã Ba Vì, huyện Ba Tơ) bắt được trong quá trình đi làm nương rẫy tại xã Ba Xa.
 
Đây là một trong ba cá thể voọc chà vá chân xám được lực lượng bàn giao từ đầu năm đến nay; là loài quý hiếm thuộc nhóm 1B, có tên trong Sách Đỏ Việt Nam và nằm trong nhóm cực kỳ nguy cấp trong Sách đỏ của Tổ chức bảo tồn thiên nhiên quốc tế (IUCN).
 
“Việc người dân tự nguyện giao nộp động vật hoang dã quý hiếm cho cơ quan chức năng chứng tỏ người dân đã dần có ý thức trong việc cùng chung tay bảo vệ động vật hoang dã, có nguy cơ tuyệt chủng”, ông Nguyễn Đại - Phó Chi cục trưởng Chi cục kiểm lâm tỉnh, cho biết.
 
Quảng Ngãi là khu vực có giá trị đa dạng sinh học cao, nhất là khu tây Ba Tơ (với các xã Ba Xa, Ba Vì, Ba Nam) nơi giáp ranh vùng kết nối đa dạng sinh học các tỉnh Bình Định, Gia Lai, Kontum. Xếp thứ hai là khu tây Trà Bồng (đỉnh Cà Đam).
 
Voọc chà vá chân xám được lực lượng kiếm lâm Ba Tơ bàn giao cho
Voọc chà vá chân xám được lực lượng kiểm lâm Ba Tơ bàn giao cho Trung tâm cứu hộ linh trưởng nguy cấp Vườn Quốc gia Cúc Phương.
 
Cùng với các loài voọc, theo kết quả khảo sát phối hợp giữa lực lượng kiểm lâm tỉnh và các nhà khoa học trong nước, tại Ba Tơ còn có 55 loài thú, 54 loài bò sát, ếch nhái, 206 loài bướm, côn trùng… Trong đó có nhiều loài quý hiếm như vượn, rùa hộp trán vàng. 
 
Còn tại khu tây Trà Bồng (khu vực đỉnh Cà Đam còn khoảng 70 loài thú, 296 loài chim, 74 loài bò sát lưỡng cư, 521 loài côn trùng… Đặc biệt, nơi đây còn một số loài động vật quý hiếm như khỉ mặt đỏ, khỉ đuôi lợn.
 
Theo ông Nguyễn Đại - Phó Chi cục trưởng - Chi cục kiểm lâm tỉnh, mức độ quý hiếm của các loài động vật hoang dã ở các vùng núi tỉnh ta cao hơn so với nhiều vùng trong nước. Trước thực tế đó, tỉnh cũng đã có động thái tích cực trong kiểm soát chặt chẽ các hoạt động săn bắn, buôn bán động vật hoang dã; phân loại các vùng rừng ưu tiên để có kế hoạch bảo tồn sinh thái.
 
Để bảo vệ các loài động vật hoang dã (kể cả các loài quý, hiếm và loài thông thường) một cách hiệu quả nhất, UBND tỉnh đã có chủ trương quy hoạch chi tiết khu dự trữ thiên nhiên trên cạn tại khu tây huyện Ba Tơ là 39.000 ha và khu tây Trà Bồng là 1.000 ha.  
 
Việc quy hoạch nhằm tăng độ che phủ rừng, bảo vệ đa dạng sinh học và môi trường với các loài động thực vật có gen đặc hữu, quý hiếm, đang bị đe dọa; tiến tới việc thành lập Khu bảo tồn thiên nhiên tại các khu vực này.
 
“Thêm vào đó, ngành kiểm lâm cũng đã thường xuyên nhắc nhở các hộ dân sinh sống gần khu vực rừng và các nhà hàng, quán ăn cam kết không khai thác, mua bán, kinh doanh, chế biến động vật rừng và các sản phẩm của chúng khi không có nguồn gốc rõ ràng”, ông Đại chia sẻ thêm.
 
Bài, ảnh: Thiên Hậu
 

.