Kỷ niệm 70 năm ngày truyền thống Cơ quan công tác dân tộc (03.5.1946 - 03.5.2016):
Chiến lược công tác dân tộc trên địa bàn tỉnh đến năm 2020

04:05, 02/05/2016
.

(Báo Quảng Ngãi)- Trong kháng chiến “Công tác dân tộc” là công tác vận động bà con nhân dân các dân tộc đi theo Đảng và Bác Hồ làm cách mạng giành độc lập dân tộc. Ngày nay, “Công tác dân tộc” thực chất là vận động bà con các dân tộc thực hiện đường lối chủ trương chính sách của Đảng và Nhà nước, trong đó trọng tâm là thực hiện hệ thống chính sách dân tộc nhằm phát triển kinh tế, xã hội, văn hoá các dân tộc, thực hiện nguyên tắc bình đẳng, tương trợ, tôn trọng, giúp đỡ nhau cùng phát triển giữa các dân tộc.
 
Ngay từ thời kỳ thành lập Đảng, nhiều thanh niên ưu tú con em của đồng bào các dân tộc đã được đứng trong hàng ngũ của Đảng và sau này trở thành cán bộ chủ chốt của Đảng và Nhà nước. Ngày 28.3.1935, Đại hội Đảng lần thứ nhất ra Nghị quyết riêng về vận động đồng bào các dân tộc thiểu số. Ngày 19.4.1946, trong thư gửi Đại hội đại biểu các dân tộc thiểu số miền Nam họp tại Pleiku (Gia Lai), Chủ tịch Hồ Chí Minh nói rõ: “Ngày nay nước Việt Nam là nước chung của chúng ta. Trong Quốc hội, có đủ đại biểu các dân tộc. Chính phủ thì có Nha Dân tộc thiểu số để săn sóc cho tất cả các đồng bào”. Trên tinh thần đó, ngày 3.5.1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh số 58 thành lập Nha Dân tộc thiểu số thuộc Bộ Nội vụ và ngày này đã trở thành ngày truyền thống của Cơ quan công tác dân tộc.

Nắng về trên bản làng Cor. Ảnh: T.L
Nắng về trên bản làng Cor. Ảnh: T.L


 Kể từ ngày 3.5.1946 đến nay, sau 70 năm thành lập, Cơ quan làm công tác dân tộc đã trải qua một số mô hình tổ chức và tên gọi khác nhau, từ Nha Dân tộc thiểu số thuộc Bộ Nội vụ (1946 - 1954), Ban Dân tộc thuộc Ban Nội chính của Chính phủ (1955 - 1958), Ủy ban Dân tộc (1959-1987), Văn phòng Miền núi và Dân tộc (1990-1991), Ủy ban Dân tộc và Miền núi (1992- 2002) và  Ủy ban Dân tộc (từ năm 2002 - nay).

Đối với tỉnh ta, trong giai đoạn kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, với việc triển khai tốt nhiệm vụ công tác dân tộc trong những giai đoạn này, đồng bào các dân tộc thiểu số tại khu vực miền núi phía tây Quảng Ngãi đã làm nên các cuộc khởi nghĩa Ba Tơ, khởi nghĩa Trà Bồng vang dội.

Từ ngày tái lập tỉnh (1989), công tác dân tộc tiếp tục là một trong những công tác trọng tâm của Đảng bộ và chính quyền các cấp trong tỉnh. Từ Chương trình phát triển Trung du - Miền núi theo chỉ đạo của Tỉnh ủy khóa XIV, giai đoạn 1991-1995 đến Nghị quyết về đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội, phấn đấu giảm nghèo nhanh và bền vững các huyện miền núi, giai đoạn 2011-2015 và định hướng đến năm 2020 của Tỉnh ủy khóa XVIII, khu vực miền núi và vùng đồng bào các dân tộc thiểu số của tỉnh Quảng Ngãi đã có những bước tiến mang tính căn bản. “Kinh tế - xã hội trên địa bàn này đã có sự thay đổi rõ rệt, bộ mặt nông thôn khởi sắc; quy mô tổng sản phẩm tăng lên đáng kể, tốc độ tăng trưởng kinh tế ổn định, cơ cấu chuyển dịch đúng hướng; các ngành, lĩnh vực, thành phần kinh tế đều phát triển; văn hóa - xã hội có những bước tiến đáng kể, phát triển đồng bộ với kinh tế” đã được UBND tỉnh khẳng định trong Báo cáo Kết quả thực hiện Nghị quyết số 04/NQ-TU ngày 13.10.2011.

Tuy nhiên, hiện nay khu vực miền núi và vùng dân tộc thiểu số của tỉnh vẫn là khu vực chậm phát triển, còn nhiều tồn tại và đang đứng trước những thách thức mới. Đó là một khu vực chỉ chiếm khoảng 17% số hộ gia đình toàn tỉnh, nhưng lại là nơi tập trung trên 53% số hộ nghèo (trong đó gần 91% là đồng bào các dân tộc thiểu số); đó là nguy cơ mai một dần các bản sắc văn hóa độc đáo, đặc trưng của đồng bào các dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh...

Để vượt qua những tồn tại,  thách thức đối với khu vực miền núi và vùng dân tộc thiểu số của tỉnh rất cần sự tham gia  với tinh thần trách nhiệm, quyết tâm cao của tất cả các cơ quan trong hệ thống chính trị, nhằm triển khai thực hiện Chiến lược công tác dân tộc trên địa bàn tỉnh đến năm 2020 đã được UBND tỉnh ban hành. Tin tưởng rằng, việc triển khai đồng bộ của các ngành, các cấp, nhất là thực hiện có hiệu quả Chương trình Mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững trên khu vực miền núi và vùng dân tộc thiểu số của tỉnh, sẽ góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, đẩy nhanh quá trình giảm nghèo bền vững; phát triển nguồn nhân lực, bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa của các dân tộc thiểu số; giữ vững khối đại đoàn kết toàn dân tộc và đảm bảo an ninh, quốc phòng.

D.T

 


.