Đổi thay ở miền Tây Quảng Ngãi

07:05, 03/05/2016
.

(Báo Quảng Ngãi)- 41 năm sau ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, từ những vùng đất mang đầy vết thương chiến tranh và đói nghèo, bộ mặt ở miền Tây Quảng Ngãi đã có nhiều khởi sắc. Mỗi nóc nhà, KDC khoác lên mình tấm áo mới, cuộc sống của người dân ngày càng no đủ, an bình.

Mầm xanh trên vùng đất khó

Cuộc khởi nghĩa Trà Bồng và miền Tây Quảng Ngãi thể hiện tính tiên phong của Đảng bộ và nhân dân các dân tộc anh em ở tỉnh ta, góp phần không nhỏ vào đại thắng mùa Xuân năm 1975. Đã 41 năm sau ngày đất nước thống nhất, các thế hệ người dân ở miền Tây Quảng Ngãi vẫn luôn tự hào về một thời đoàn kết đánh giặc, giữ nước của cha ông. Đây là sức mạnh, nhưng đồng thời là nền tảng vững chắc để thế hệ hôm nay và mai sau phát huy trong công cuộc xây dựng quê hương, đất nước.

Khu tái định cư Gò Nổi, xã Trà Sơn, huyện Trà Bồng.
Khu tái định cư Gò Nổi, xã Trà Sơn, huyện Trà Bồng.


Những ngày giữa tháng 4 này, hòa chung niềm vui hướng đến ngày bầu cử ĐBQH khóa XIV và đại biểu HĐND các cấp, nhiệm kỳ 2016 - 2021, đồng bào các dân tộc anh em ở miền Tây Quảng Ngãi cũng hân hoan trước những đổi mới của quê hương, đất nước. Nhiều KDC mới được xây dựng với những ngôi nhà sàn kiểu mới mọc lên đã tô điểm cho bộ mặt nông thôn vùng cao. Trên những cánh đồng lúa chín vàng ươm, rừng xanh ngút ngàn; đường sá từng bước được thảm nhựa, bê tông và cứng hóa; điện thắp sáng đã về phần lớn các KDC... Nhiều hộ đồng bào dân tộc thiểu số đã biết cách làm giàu từ đồi rừng, chăn nuôi gia súc...

Ở Làng Rếch, thôn Bồ Nung, xã Sơn Kỳ (Sơn Hà) là căn cứ kháng chiến của Tỉnh ủy Quảng Ngãi trong kháng chiến chống Mỹ, nay cũng có nhiều đổi thay. Vùng đất này ngày trước đồng bào Hrê đã đứng lên cầm súng giết giặc, chở che, nuôi giấu cán bộ, bảo vệ an toàn cho cơ quan Tỉnh ủy... giờ tiếp tục theo Đảng, nỗ lực phát triển kinh tế gia đình, xây dựng quê hương. Già làng Đinh Văn Kíp nay bước qua tuổi 80, đôi chân không còn vững chãi, nhưng khi nói về những ngày tháng hào hùng của giai đoạn 1972 - 1975, ông không giấu được sự xúc động và tự hào. Ông là du kích địa phương, làm liên lạc cho cơ quan Tỉnh ủy.

“Ngày xưa lo đánh giặc, dân làng còn đói nghèo. Còn bây giờ bà con đã ấm no hơn, nhờ sự chăm lo của Đảng, Nhà nước”, ông Kíp bộc bạch. Vùng cao Sơn Kỳ giờ có nhiều khởi sắc. Tỷ lệ hộ nghèo hiện giảm còn 35%. Ông Đinh Tấn Bắc - Chủ tịch UBND xã phấn khởi, nói: “Xã đang tập trung xây dựng nông thôn mới, ưu tiên nguồn lực hỗ trợ người dân phát triển sản xuất để cải thiện đời sống". Trung tâm huyện lỵ Sơn Hà là thị trấn Di Lăng cũng ngày một khang trang. Thành quả đó là cả một quá trình lãnh đạo sáng tạo, quyết đoán của Đảng bộ, chính quyền huyện Sơn Hà nói chung và thị trấn Di Lăng nói riêng. Từ năm 2011 đến nay, thị trấn Di Lăng có hàng chục dự án được triển khai thực hiện, trong đó có 12 công trình hạ tầng được đầu tư xây dựng quy mô đã làm cho diện mạo của thị trấn thêm tươi trẻ, xứng tầm của một đô thị loại V miền núi.

Giảm nghèo bền vững

Nhìn tổng thể thì các huyện miền núi của Quảng Ngãi vẫn tiếp tục duy trì đà phát triển. Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Hồ Văn Thế cho rằng: Sự  quan tâm của Ðảng và Nhà nước đối với miền núi, thể hiện lòng tri ân đồng bào nơi đây đã hy sinh bảo vệ Đảng, bảo vệ cán bộ, thành quả cách mạng. Cùng với đó, đời sống dân trí được nâng lên, người dân biết ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất keo lai, mì, mía, chăn nuôi gia súc... nên đời sống vật chất, tinh thần của người dân từng bước được nâng lên.

Các xã miền núi đã từng bước quy hoạch vùng sản xuất chuyên canh hàng hóa, nhằm nâng cao hiệu quả kinh tế đất đồi, rừng. Hệ thống hạ tầng được đầu tư xây dựng ngày càng hoàn thiện, phục vụ thiết thực cho sản xuất và sinh hoạt của người dân. Ðời sống văn hóa của đồng bào các dân tộc thiểu số được bảo tồn và tiếp tục phát huy. Công tác khám, chữa bệnh cho người dân ở vùng sâu, vùng xa ngày càng tốt hơn. Hằng năm, tỷ lệ hộ nghèo ở miền núi giảm từ 5- 7%. Đến nay, tỷ lệ hộ nghèo ở miền núi còn dưới 35%, hộ cận nghèo là 16%... Có 13/67 xã có chợ  trung tâm; 67/67 xã có trạm y tế (gần 40% số xã có trạm y tế đạt chuẩn).

 Những ngày này, về các địa phương ở vùng cao Quảng Ngãi, ngắm những đồi núi bạt ngàn màu xanh của keo lai, quế, mía, mì... và những ngôi nhà kiên cố mới thấy được sự vượt khó vươn lên của người dân nơi đây. Trên những nóc nhà, lá cờ đỏ sao vàng phất phới bay trong gió như là một minh chứng thể hiện niềm tin son sắt và lòng biết ơn Đảng, Bác Hồ của đồng bào các dân tộc thiểu số ở miền Tây Quảng Ngãi.


 Bài, ảnh: KN


 


.