Bây giờ ở đảo "mồ côi"

08:04, 13/04/2016
.

(Báo Quảng Ngãi)- Trước đây, xã đảo An Bình (đảo Bé) như hòn đảo “mồ côi”, vì đi lại cách trở không chỉ với đất liền, mà cả với đảo lớn Lý Sơn. Còn bây giờ, ngày nào cũng có du khách từ đất liền ra đảo, làm cho hòn đảo "mồ côi" này nhộn nhịp hẳn lên.
 

Mùa này, biển lặng sóng. Dòng nước biển trong xanh thấy cả những rạn san hô. Nhiều hành khách trên hải trình ra đảo Bé, ai cũng muốn được một lần ngâm mình dưới làn nước mát dịu này. Tàu cập cảng, chúng tôi đặt chân lên đảo hít thở không khí trong lành và đón nhận ánh mắt, nụ cười thân thiện của người dân nơi đây. Nhiều chị phụ nữ, các em nhỏ ăn mặc tươm tất bước đến nhẹ nhàng mời gọi mua túi đậu phụng luộc, bắp luộc, bắp nướng, sử dụng dịch vụ xe bốn bánh điện... điều mà cách đây vài năm còn xa lạ trên đất đảo.
 

 

Bãi tắm Hang sau của đảo nay trở thành điểm du lịch khá hấp dẫn cho nhiều du khách.
Bãi tắm Hang sau của đảo nay trở thành điểm du lịch khá hấp dẫn cho nhiều du khách.

Dọc đường, nhiều hàng quán mọc lên, với nhiều sản phẩm không chỉ mang đặc trưng riêng của đất đảo. Những vỏ ốc từng nằm yên trong lòng biển, nay được chế tác thành những món đồ trang sức bắt mắt... Ngày trước, bà con trồng đậu xen trong ruộng bắp một vụ để ép dầu, còn nay người dân trồng quanh năm để luộc bán cho du khách. Những ruộng bắp cũng vậy. Trước đây trồng chỉ để lấy hạt khô làm lương thực dự trữ, còn bây giờ trở thành món đặc sản cho du khách. Sự chân quê, mộc mạc từ sản vật đến tính cách của người dân đã níu chân du khách là vậy. Bà Phạm Thị Thiệt, thôn Bắc, cho biết: “Một ký đậu luộc giá 25.000 đồng, bắp nấu, nướng giá 4.000- 5.000 đồng/trái, mỗi ngày cũng kiếm được hơn trăm ngàn đồng”.

Dịch vụ du lịch ở đây đều tự phát, cho thấy sự năng động trong cách nghĩ, cách làm của người dân. Tuy vậy, do là tự phát nên tiềm ẩn khá nhiều rủi ro. Vì thế, chúng tôi đã đề nghị huyện bố trí lực lượng bảo vệ quanh khu vực bãi Hang (bãi sau xã đảo) để ứng cứu kịp thời khi có sự cố xảy ra; vận động các khu dân cư bố trí người dọn vệ sinh, bảo vệ môi trường quanh khu vực bãi tắm.
Ông Nguyễn Văn Lê – Chủ tịch UBND xã An Bình, cho biết.
Đến xã đảo An Bình trong những ngày đầu tháng tư này, dù nắng nóng đã bắt đầu, nhưng những rặng dừa xanh đến ngút ngàn tỏa bóng mát dọc lối đi, trong các thửa ruộng tỏi, hành, bắp, các khu dân cư... khiến du khách như đang dạo mát ở thôn quê nơi đất liền. Dừa ở đây cây không lớn, nhưng cho quả sai và nước ngọt. Lâu nay, những rặng dừa này chỉ để giữ gìn môi sinh cho đất đảo, nay còn là một sản vật dùng để giải khát không thể thiếu đối với du khách.

Nơi bãi sau của đảo Bé, du khách được thưởng ngoạn tầng tầng lớp lớp đá magma đen xếp dựng trên những dải cát trắng và ngâm mình dưới làn nước biển trong xanh. Mỗi tầng đá chĩa ra bờ cát tạo thành những khe, khoảng trống cho nước biển tràn vào tung bọt nước trắng xóa, khó cưỡng lòng du khách. Từng làn sóng nhỏ, trong vắt cứ dội vào người tạo cho du khách một cảm giác thư thái như được massage bởi sóng biển.

 Khi mặt trời về chiều, những tia nắng cuối ngày dội xuống bãi biển xuyên qua những tảng đá, tạo thành một khung cảnh lung linh huyền ảo, du khách như lạc vào chốn “bồng lai”.

Ở phía bờ, quanh khu vực bãi tắm, những chòi bằng lá dừa đơn sơ để che nắng được dựng lên. Bên cạnh bán những thức uống, món ăn đặc sản của biển, người dân còn cho thuê áo phao, kính lặn, dịch vụ tắm nước ngọt... Dưới những hang đá, nhiều người tận dụng để làm nơi phục vụ du khách nghỉ ngơi và thưởng thức những món hải sản vừa mới vớt lên từ biển...

Ở đảo Bé còn có một thứ khá đặc biệt là dứa biển. Một loại cây dại sống được trên vùng đất núi lửa, nẩy nhánh thành từng lùm. Lâu nay chỉ có giá trị chắn sóng, gió và giữ đất. Giờ bà con khai thác trái bán tươi, chế biến khô bán cho du khách làm thức uống để chữa bệnh thận. 
 
Bà Trần Thị Mai, bảo: “Từ xưa đến nay, loại cây này được dân đảo hái trái nấu nước uống. Dân đảo quý lắm, loại cây ưa với vùng đất này nên ra trái nhiều, bà con bán bớt để kiếm tiền chi tiêu...”. Đảo bé – An Bình chỉ có diện tích hơn 70 ha, với khoảng 100 hộ dân sinh sống. Ngày trước đảo cô lập, không điện, không có nước, đời sống nghèo khổ, tự cung, tự cấp. Năm 2012, đảo có nguồn nước ngọt, đến năm 2015 có điện lưới Quốc gia làm cho hòn đảo "mồ côi" ngày xưa như bừng sáng. Du khách đến với đảo Lớn qua đảo Bé dễ dàng hơn, vì đã có 4 chiếc tàu chở khách hoạt động hằng ngày...

Vì thế mà đảo Bé hôm nay không còn "mồ côi" nữa, mà đang là điểm đến du lịch khám phá của nhiều du khách trong và ngoài nước. Nhờ đó mà cuộc sống của người dân bây giờ ngày một khấm khá hơn.
 
Bài, ảnh: MAI HẠ
 

.