Chuyện tình của người thương binh mù

01:11, 16/11/2015
.

(Báo Quảng Ngãi)- Đến với nhau trong muôn vàn khó khăn, nhưng bằng tình yêu chân thành, sự thấu hiểu, đồng cảm, họ đã thu được "quả ngọt". Đó chính là tình yêu giữa người thương binh mù Trương Văn Minh và người phụ nữ bản lĩnh Nguyễn Thị Hải.

Một lòng chung thủy

Chúng tôi ghé thăm nhà thương binh 1/4 Trương Văn Minh ở thôn Minh Khánh, xã Tịnh Minh (Sơn Tịnh) vào một buổi chiều trời trở đông. Vợ chồng ông đang hái rau sau nhà. Nghe tiếng nhà có khách, bà Hải chạy lên và đón chúng tôi bằng nụ cười hiền hậu. Còn ông đang mò mẫm men theo bức tường nhà đi lên phòng khách. Căn nhà khang trang của vợ chồng người thương binh này có được chính là nhờ sự đồng lòng, tình nghĩa dành cho nhau. Nhấp ngụm trà nóng, họ kể cho chúng tôi nghe về chuyện tình trắc trở, đầy thử thách của mình.

Ông Minh - bà Hải vui vầy bên con cháu.
Ông Minh - bà Hải vui vầy bên con cháu.


Năm 1978, khi vừa tròn 18 tuổi, chàng thanh niên trẻ Trương Văn Minh tình nguyện sang chiến trường Campuchia thực hiện nghĩa vụ quốc tế. Năm 1981, ông được đi học sĩ quan. Trong quãng thời gian ấy, mỗi lần được cho về thăm gia đình, ông Minh thường ghé thăm nhà người bạn thân, cũng là người anh họ của bà Hải. Sau những lần gặp gỡ, tình yêu trong họ dần lớn lên. Thế là lấy hết can đảm, chàng lính trẻ nói lời yêu với cô thôn nữ.

Sau khi nhận lời yêu, chàng lính phải quay lại chiến trường. Và dù xa cách, cô gái trẻ tên Hải vẫn trọn niềm tin người yêu sẽ hoàn thành nhiệm vụ, bình an trở về. Nhưng oái ăm thay, vào năm 1986, trong lúc làm nhiệm vụ ông Minh bị mìn văng trúng, mù cả hai mắt. "Lúc bị mù hai mắt, tôi như người vô hồn, cứ nghĩ cuộc đời mình tới đây là hết rồi. Nhưng nhờ sự động viên của người yêu và đồng đội nên dần dần tôi cũng thoát ra được cái suy nghĩ tiêu cực để làm lại từ đầu", ông Minh chia sẻ.

Làm "đôi mắt"cho chồng

Sau khi bị mù, ông Minh phục viên trở về quê. Ngoài sự cảm thông gia đình, xóm làng, ông thấy mình có thêm động lực sống nhờ tình yêu chung thủy của bà Hải dành cho. Mặc cho gia đình ngăn cản, bà Hải vẫn ngày ngày đến thăm nom ông Minh. "Nhiều lúc, tôi nghĩ mình không được làm khổ bà ấy. Nhưng sự chân thành của người yêu làm tôi mạnh mẽ hơn rất nhiều", ông Minh tâm sự.

Thế là, đôi trai gái mạnh dạn xin gia đình cho kết hôn. Cha mẹ biết mình không đủ sức ngăn cản được tình yêu mãnh liệt của đôi bạn trẻ nên cuối cùng đồng ý. Năm 1989, đám cưới diễn ra trong niềm hạnh phúc hân hoan của đôi trẻ, nhưng cũng là lúc bắt đầu cho những chuỗi ngày khó khăn.

Sau ngày cưới, bà Hải trở thành trụ cột trong gia đình, gánh vác các công việc. Không kể ngày đêm, bươn chải đủ nghề, bà Hải còn cần mẫn chăm 5 sào lúa, nuôi heo, gà... Con cái lần lượt ra đời, để có thêm thu nhập, bà còn lặn lội lên tận Trà Bồng, Sơn Hà để tìm củi đưa về xuôi bán kiếm đồng lời.

Thương vợ tần tảo, ông Minh luôn đồng hành cùng với vợ trên mọi nẻo đường. Dù có nửa đêm hay sáng sớm, khi vợ thức ông cũng thức để đi làm với vợ. Ông cố gắng mò mẫm cùng bà tát nước ruộng, cho gà ăn, cuốc cỏ... Mọi việc bà làm đều có ông phụ giúp.

Cùng nhau trải qua không biết bao lần sóng gió, nhưng bằng tình yêu sâu đậm dành cho nhau, ông bà đã minh chứng được rằng có tình yêu là có tất cả. Giờ đây, cả hai đều bước sang tuổi ngũ tuần, 4 người con đã khôn lớn, ngôi nhà tranh vách lá được thay bằng ngôi nhà gạch khang trang.

Hiện tại, ông Minh được tín nhiệm giữ chức Uỷ viên Thường vụ Hội Người mù tỉnh, còn bà Hải vẫn cứ tần tảo lo việc trong gia đình. Cứ đầu tuần bà lại chở ông xuống cơ quan làm việc. Đến cuối tuần bà lại xuống chở ông về. Nghe tiếng con cháu vui đùa trước sân, ông hạnh phúc: "Từ lúc bị mù, tôi không dám nghĩ cuộc đời tôi sẽ có ngày hôm nay. Bà ấy đã cho tôi cuộc sống hạnh phúc".

Bài, ảnh: ĐĂNG SƯƠNG

 


.