Cảnh giác với kinh doanh đa cấp và huy động vốn trái phép

09:11, 20/11/2015
.

(Báo Quảng Ngãi)- Kinh doanh đa cấp là loại hình được Nhà nước cho phép hoạt động, hiện đang được điều chỉnh bởi Nghị định 42 của Chính phủ về quản lý hoạt động bán hàng đa cấp. Tuy nhiên, lợi dụng loại hình này, thời gian qua nhiều đối tượng đã hoạt động vi phạm pháp luật, gây thiệt hại cho khách hàng và người tham gia.

TIN LIÊN QUAN

Huy động vốn trái phép, chiếm đoạt hơn 60 tỷ đồng

Trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi hiện có 9 cơ sở hoạt động kinh doanh mang tính đa cấp và huy động vốn có dấu hiệu lừa đảo, tác động xấu đến ANTT ở địa phương. Lực lượng Công an đã làm rõ 3 cơ sở vi phạm pháp luật, điển hình là Công ty Cổ phần đầu tư tài chính Thiên Việt do Nguyễn Văn Kỳ Chủng (SN 1978) ở 183 đường Trần Hưng Đạo (TP. Quảng Ngãi) làm Tổng Giám đốc đã kinh doanh vàng tài khoản trái phép trên mạng internet và huy động vốn trái phép để lừa đảo, chiếm đoạt hàng chục tỷ đồng của hàng trăm khách hàng.

Trước khi huy động vốn trá hình, Nguyễn Văn Kỳ Chủng đưa ra thông tin gian dối là cần góp vốn để kinh doanh bất động sản, dược phẩm, cà phê... Thực chất, Công ty không kinh doanh gì ngoài việc kinh doanh vàng tài khoản bất hợp pháp trên mạng và đang bị thua lỗ, vốn huy động được Chủng vừa sử dụng trả lãi, gốc cho người góp trước, vừa chi phí hoạt động Công ty và chi tiêu cho cá nhân.

Thời điểm bị bắt giữ, Chủng mất khả năng thanh toán cho khách hàng hơn 60 tỷ đồng, riêng tại Quảng Ngãi có 183 khách hàng đã góp vào 28 tỷ đồng. Vụ việc đã được Cơ quan CSĐT Bộ Công an khởi tố vụ án, khởi tố bị can, tạm giam đối với Nguyễn Văn Kỳ Chủng về tội lừa đảo để điều tra, làm rõ. Tại Quảng Ngãi, đến ngày 12.11.2015, Phòng Cảnh sát hình sự Công an tỉnh đã tiếp nhận 108 đơn trình báo, số tiền kê khai tham gia góp vốn cho Công ty Thiên Việt hơn 21 tỷ đồng.
 

Những ai là người bị hại của Công ty cổ phần đầu tư tài chính Thiên Việt tiếp tục trình báo, cung cấp thông tin đến Phòng Cảnh sát hình sự Công an tỉnh (Số 01 Chu Văn An, TP. Quảng Ngãi) để cơ quan điều tra làm rõ. Đồng thời những ai biết được tổ chức, cá nhân nào có phương thức, thủ đoạn hoạt động như trên thì nên tố giác để góp phần đấu tranh phòng, chống loại tội phạm này đạt hiệu quả.

Nâng cao cảnh giác

Kinh doanh đa cấp mang tính lừa đảo đều có chung phương thức, thủ đoạn, đó là: Người tham gia làm thành viên của mạng lưới đa cấp phải đặt cọc, phải mua lượng hàng hóa ban đầu hoặc phải trả khoản tiền để tham gia; lợi nhuận phát sinh không từ kinh doanh bán hàng mà phát sinh từ việc tuyển dụng người tham gia, mục đích là lấy tiền, vốn của người sau để trả cho người trước. Nói cách khác, người tham gia hưởng hoa hồng, thu lợi kinh tế từ việc lôi kéo thêm người tham gia vào mạng lưới đa cấp (đây là điểm khác biệt với bán hàng đa cấp hợp pháp). Họ không quan tâm đến việc kinh doanh, hay chất lượng hàng hóa; hàng hóa ở đây chỉ mang tính tượng trưng, ít hoặc không có giá trị, và hầu như hàng hóa không có trên thị trường để người mua so sánh.

Hoạt động kinh doanh đa cấp, huy động vốn trá hình diễn ra ở hầu hết các lĩnh vực, từ tín dụng, kinh doanh, bán hàng, hùn hạp làm ăn, đến núp bóng từ thiện, bảo hiểm, hỗ trợ người nghèo... xảy ra ở khắp các địa bàn trong tỉnh, lôi kéo đủ thành phần trong xã hội tham gia. Song do phương thức, thủ đoạn hoạt động loại hình này tinh vi, người tham gia thường do thiếu thông tin, phần thì nhẹ dạ cả tin, nhiều người vì ham lãi suất cao, trong khi nhiều vụ việc chưa được phanh phui, nên khách hàng tham gia chưa nhận diện được vi phạm pháp luật của loại hình này. Nhiều người khi vướng vào thì chỉ biết chịu thiệt mà không dám lên án, tố giác, đã gây trở ngại cho việc điều tra, khám phá loại tội phạm này.

Để tránh bị thiệt hại khi tham gia góp vốn và kinh doanh đa cấp, người dân hãy cảnh giác, thận trọng trước những lời mời tham gia hấp dẫn về lãi suất, những hứa hẹn hão huyền hay sự phô trương về hình thức và vật chất. Đối với kinh doanh đa cấp, nếu bạn hưởng hoa hồng, tiền thưởng và các lợi ích kinh tế khác không phải từ hoạt động kinh doanh của mình và mạng lưới do mình xây dựng mà lại xuất phát từ việc dụ dỗ, lôi kéo người khác tham gia vào mạng lưới đa cấp thì chắc chắn có dấu hiệu lừa đảo.

Đối với góp vốn kinh doanh, là nhà đầu tư góp vốn, bạn có quyền được biết góp vào để họ làm gì, kinh doanh hợp pháp hay không, lợi nhuận như thế nào và việc chia lợi nhuận ra sao. Nếu họ không công khai, minh bạch cho bạn biết việc kinh doanh và lợi nhuận thì dễ bị rơi vào bẫy lừa đảo của họ.

Võ Văn Dương

 


.