Tự hào ngày Tết Độc lập

08:09, 02/09/2015
.

(Báo Quảng Ngãi)- Những ngày này, người dân khắp mọi miền đất nước đang hướng về kỷ niệm 70 năm Quốc khánh 2.9.  Ở Quảng Ngãi, bài học làm nên thắng lợi Cách mạng Tháng Tám của 70 năm về trước, cùng với những chiến công trong những năm tháng đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước luôn là niềm tự hào và là nền tảng vững chắc để Đảng bộ, quân và dân tỉnh nhà vượt khó vươn lên một tầm cao mới.  

Trong cuộc Tổng khởi nghĩa giành chính quyền vào Tháng Tám năm 1945, Quảng Ngãi là một trong những địa phương giành chính quyền sớm nhất, chỉ trong 3 ngày từ 14-16.8.1945. Trước khi Chính phủ lâm thời do Chủ tịch Hồ Chí Minh đứng đầu ra mắt quốc dân đồng bào tại Quảng trường Ba Đình lịch sử vào ngày 2.9.1945, thì ở Quảng Ngãi, ngày 30.8.1945 chính quyền cách mạng ở địa phương đã được thành lập, mang tên Ủy ban nhân dân cách mạng lâm thời tỉnh Lê Trung Đình.

 

Trung tâm huyện lỵ Ba Tơ hôm nay.
Trung tâm huyện lỵ Ba Tơ hôm nay.


Thạc sĩ Trần Công Lượng – Giảng viên Trường Đại học Phạm Văn Đồng cho rằng: Thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám năm 1945 ở Quảng Ngãi có ý nghĩa vô cùng trọng đại, đã làm thay đổi thân phận của nhân dân tỉnh nhà. Từ thân phận của người dân mất nước, làm nô lệ nay trở thành người chủ của quê hương, đất nước, góp phần xứng đáng vào trang sử vẻ vang nhất, chói lọi nhất trong cuộc đấu tranh cách mạng của dân tộc ta. Thắng lợi này khẳng định vai trò lãnh đạo sáng suốt, linh hoạt, nhạy bén, tài tình của Tỉnh Đảng bộ Quảng Ngãi. Từ đó tạo niềm tin tưởng sâu sắc của nhân dân vào vai trò lãnh đạo của Đảng nói chung và Tỉnh Đảng bộ Quảng Ngãi nói riêng.
 

Cách mạng Tháng Tám thành công đã mở ra cơ hội và tạo tiền đề, nền tảng để Đảng lãnh đạo cách mạng nước ta đi đến thắng lợi trong mùa Xuân 1975. Cùng với cả nước, sau ngày thống nhất đất nước, Quảng Ngãi đã tận dụng tốt thời cơ để khôi phục hậu quả chiến tranh, tiến lên công nghiệp hóa, hiện đại hóa nền kinh tế tỉnh nhà. Với truyền thống cách mạng kiên cường của quê hương, đặc biệt là bài học về lòng dân, tôi tin tưởng rằng, dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ tỉnh, Quảng Ngãi sẽ tiếp tục phát triển bền vững hơn nữa trong thời gian đến.

 Thạc sĩ Trần Công Lượng – Giảng viên Trường ĐH Phạm Văn Đồng

Tiếp nối truyền thống cách mạng từ những ngày đầu, Quảng Ngãi lại là nơi khởi nguồn của nhiều phong trào cách mạng mới. Đó là Khởi nghĩa Ba Tơ, Khởi nghĩa Trà Bồng và miền Tây Quảng Ngãi; là chiến thắng Ba Gia, Vạn Tường lừng lẫy... Bài học về việc chớp thời cơ, vận dụng sáng tạo Nghị quyết của Trung ương, dựa vào thực tế tại địa phương để đưa cách mạng ở Quảng Ngãi giành thắng lợi nhanh chóng là sức mạnh lòng dân được phát huy tối đa. Trong 2 cuộc kháng chiến chống thực dân, đế quốc, Quảng Ngãi là vùng đất đi đầu, lập nên nhiều chiến công oanh liệt, mở ra những bước ngoặt cho phong trào đấu tranh giải phóng dân tộc trong cả nước đi đến thắng lợi hoàn toàn. Thắng lợi đó là kết quả của là sự kết hợp tuyệt vời giữa ý Đảng, lòng dân ở vùng đất Ấn - Trà kiên cường, bất khuất này.

Đi qua hai cuộc kháng chiến nên hậu quả của chiến tranh để lại cho Quảng Ngãi cũng hết sức nặng nề. Vì thế, nhiều năm sau ngày giải phóng, Quảng Ngãi vẫn là một tỉnh nghèo, kinh tế chủ yếu là thuần nông, đời sống đại bộ phận nhân dân còn nhiều khó khăn. Nhưng dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ, cùng với đó là công cuộc đổi mới do Đảng ta khởi xướng đã dấy lên phong trào thi đua lao động sản xuất từ thành thị đến nông thôn, từ ven biển hải đảo đến vùng núi cao và đã đạt được những thành tựu căn bản.

Ông Nguyễn Kim Hiệu- Nguyên Chủ tịch UBND tỉnh, nói: Nhờ công cuộc đổi mới mà Việt Nam đã thêm một lần nữa khẳng định vai trò, vị thế và hình ảnh đất nước trên trường quốc tế.  Từ một đất nước đói, nghèo đã vươn lên trở thành một trong những quốc gia đứng đầu trong xuất khẩu gạo, mở ra cơ hội cho người nông dân sản xuất hàng hóa, vươn lên làm giàu. Cũng theo ông Hiệu, từ công cuộc đổi mới thành công mà trên quê hương Quảng Ngãi mới có Nhà máy lọc dầu đầu tiên của đất nước nằm trong KKT Dung Quất, thuộc vùng kinh tế trọng điểm miền Trung.

Các KCN của tỉnh cũng từng bước được lấp đầy và Khu công nghiệp- đô thị- dịch vụ VSIP cũng bắt đầu đi vào hoạt động... đã mở ra cơ hội việc làm cho người dân, tăng nguồn thu cho ngân sách, đẩy nhanh quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa nền kinh tế tỉnh nhà. Còn bà  Nguyễn Thị Điệp (SN 1934) ở xã Bình Đông (Bình Sơn), phấn khởi nói: Đây là thành quả cách mạng mà bao thế hệ người dân Quảng Ngãi nói chung, Bình Sơn nói riêng đã phải hy sinh xương máu mới có được. Vậy nên, mỗi người dân chúng ta phải tiếp tục đồng lòng, chung tay xây dựng và bảo vệ thành quả cách mạng đó.

Giờ đây, trên khắp các làng quê ở Quảng Ngãi đang ra sức thi đua xây dựng nông thôn mới, xây dựng đời sống văn hóa mới để sánh vai đi lên cùng các làng quê trong cả nước. Cùng với nội lực và các nguồn vốn xã hội khác đã được tận dụng tối đa để xây dựng cơ sở hạ tầng ở miền núi, ven biển và hải đảo, mở ra cơ hội làm ăn cho người dân, rút ngắn khoảng cách giàu nghèo giữa các vùng trong tỉnh...

Tròn 70 năm cuộc Cách mạng Tháng Tám thành công và khai sinh ra nước Việt Nam mới, cùng với cả nước, Quảng Ngãi đang đứng trước vận hội mới. Mùa thu này một sự kiện trọng đại của tỉnh nhà, đó là Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2015-2020 sẽ diễn ra. Trong không khí phấn khởi trước những thành tựu kinh tế - xã hội tỉnh ta đạt được trong 5 năm qua, người dân Quảng Ngãi cũng đang kỳ vọng một sự phát triển tiếp theo của tỉnh nhà trong chặng đường mới, dẫu biết rằng phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức ở phía trước.  

Tin rằng, dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ, các tầng lớp nhân dân ở Quảng Ngãi sẽ phát huy tinh thần đoàn kết, sáng tạo, đồng lòng chung sức xây dựng quê hương ngày một giàu đẹp.
 

XUÂN THIÊN



 


.