Nhớ về mùa Thu năm ấy

10:09, 02/09/2015
.

(Báo Quảng Ngãi)- Mỗi độ thu về, lòng cụ lão thành cách mạng Trần Bầy, ngụ thôn Mỹ Hưng, xã Hành Thịnh (Nghĩa Hành) lại bồi hồi, bởi những ký ức, kỷ niệm về ngày Tết Độc lập lại ùa về nguyên vẹn, thiêng liêng trong ông.

Năm nay đã 95 tuổi nhưng mỗi khi trò chuyện, cụ Trần Bầy vẫn tràn đầy nhiệt huyết, sôi nổi. Đặc biệt, ông nhớ rất kỹ những vấn đề thời sự, chính trị lớn của địa phương, của tỉnh và đất nước. Nhưng có lẽ vẹn nguyên trong ông chính là những cảm xúc “sướng vui không gì tả được” của Tết Độc lập 70 năm trước – ngày 2.9.1945.

Lão thành cách mạng Trần Bầy.
Lão thành cách mạng Trần Bầy.


Năm ấy, ông Bầy tròn 25 tuổi và là biên chế của Đại đội du kích xã Hành Dũng, chiến đấu chống ác ôn, giành chính quyền ở khắp các địa phương trong huyện Nghĩa Minh. Mải làm nhiệm vụ, đến rạng sáng ngày 2.9.1945, khi “cấp trên tổ chức họp, thông báo sáng ngày hôm nay – tức ngày 2.9, tại Quảng trường Ba Đình Hà Nội, Bác Hồ sẽ đọc Bản Tuyên ngôn Độc lập, khai sinh ra nước Việt Nam dân chủ cộng hòa, thì anh  em chúng tôi im phắc. Sau đó chúng tôi ôm nhau khóc như trẻ con. Vừa khóc vừa hô to: Nhân dân mình được độc lập rồi!. Việt Nam muôn năm! Bác Hồ muôn năm!...”, ông Trần Bầy nhớ lại.

Cảm giác “vui mừng, lâng lâng hạnh phúc” ấy đã được ông Bầy lưu giữ vẹn nguyên trong trái tim mình. Để rồi chính nó đã thôi thúc ông quên mình chiến đấu trên khắp các chiến trường trong tỉnh, cũng như sẵn sàng rời xa gia đình để lên đường tập kết ra Bắc vào năm 1954.

Đến Hà Nội vào ngày 1.9.1954, đoàn cán bộ của ông Trần Bầy được bố trí sẽ tham gia mít tinh kỷ niệm ngày Quốc khánh 2.9, ngay tại Quảng trường Ba Đình. “Mừng quá, đêm đó chúng tôi không ngủ, mong trời sáng để được gặp Bác Hồ”, ông Trần Bầy bồi hồi.

 Rồi như không cần sắp xếp lại ký ức, những kỷ niệm cứ thế ùa về qua lời kể không ngắt đoạn của ông, rằng: “Hôm đó người rất đông, đứng chật kín cả Quảng trường. Nhưng dù hàng ngũ đã đâu vào đấy cả rồi, chúng tôi vẫn tranh thủ nhỏ to hỏi chuyện gia đình, chiến sự. Nhưng rồi tất cả bỗng im phắc khi có một cụ già mặc bộ đồ nâu, mang dép cao su đi ra. Tôi nghe ai đó nói nhỏ “Bác Hồ đấy” mà chưa tin vì nghĩ Bác Hồ mà giản dị thế. Nhưng khi nghe Người nói chuyện, từ việc làm kinh tế đến chiến đấu; từ tương lai, vận mệnh của nước Việt Nam, đến nhiệm vụ của chính quyền, của nhân dân, của tuổi trẻ thì tôi tin, Người chính là Bác Hồ. Bác nói đến đâu, tim tôi đập mạnh tới đó vì hồi hộp, sung sướng và cũng thấy rõ trách nhiệm của mình”.

Sau đó ông Trần Bầy được phân công công tác tại Công ty than Hòn Gai (Quảng Ninh). Nhớ lời dạy của Bác tại buổi mít tinh, ông Bầy vừa hăng say lao động, vừa học tập để nâng cao tay nghề và kiến thức. Để rồi từ một anh công nhân, ông được đề bạt giữ chức Phó Giám đốc Công ty than Hòn Gai và có những đóng góp tích cực vào việc nâng cao hiệu quả sản xuất của đơn vị, nhằm chi viện cho chiến trường miền Nam.

Tuy nhiên, do yêu cầu công tác nên đơn vị phải liên tục di chuyển, còn ông Bầy sau đó được điều động trở lại chiến trường miền Nam. Trước khi trở về Nam, ông Bầy đã vinh dự được gặp Bác Hồ khi Người về thăm, nói chuyện với học sinh và thầy cô giáo tại Trường Trung học Hòn Gai (Đông Triều – Quảng Ninh). Nhìn cử chỉ ân cần Bác dành cho các cháu; nghe những lời dặn dò, gửi gắm Bác gửi đến thầy cô giáo, ông và đồng đội cảm nhận rõ hơn nhiệm vụ của mình nên càng nỗ lực phấn đấu rèn luyện, vững tay súng quyết chiến đấu vì niềm tin đất nước thống nhất, non sông thu về một mối.

Hẳn thế nên khi đã bước sang cái tuổi cổ lai hy, một lão thành cách mạng 66 năm tuổi Đảng, đã từng “chết hụt” trong hai lần kháng chiến chống Pháp và Mỹ bảo rằng, tài sản mà ông có được chính là “những lời dạy của Bác để rèn dạy đàn con vào nền nếp, để chúng biết giá trị của cuộc sống, của sự hy sinh mà sống cho nên người”.

Đáp lại lòng cha, các con, cháu ông Bầy đều yêu thương, bảo ban nỗ lực học tập. Khi thành đạt trên các lĩnh vực, các con ông trở về thay cha tri ân quê hương bằng những căn nhà tình nghĩa, những vật dụng trang thiết bị cho nhà văn hóa thôn... Nhìn thế, ông Bầy vui lắm. Ông bảo rằng: “Cuộc đời này tôi chẳng có gì hối tiếc nữa rồi. Cứ sống được ngày nào, hay ngày đó. Miễn là sống vui, khỏe, có ích là được!”.

MỸ HOA
 


.