"Làng đỏ" bên sông Trà

01:09, 03/09/2015
.

(Báo Quảng Ngãi)- Làng Vĩnh Phúc, thôn Phước Lộc Tây, xã Tịnh Sơn (Sơn Tịnh) nổi tiếng với nghề nuôi cá lồng trên sông Trà Khúc trong nhiều năm nay, nhưng ít ai biết đến nơi đây còn là một “Làng đỏ” trong kháng chiến.

Từ cầu Trà Khúc ngược lên hướng tây theo đường sông hơn 9 km, nhìn về phía bờ bắc là thấy làng Vĩnh Phúc “ưỡn ngực” ra dòng sông Trà trải dài hơn 1km với những ngôi nhà nổi bật màu ngói đỏ tươi. Phía trước làng là những bè nuôi cá lồng nối đuôi nhau nổi trên mặt sông, còn sau lưng là cánh đồng ruộng, lúa phì nhiêu xanh tốt.

Một lòng theo cách mạng

 Ông Phan Đệ, một người con ưu tú của làng, năm nay đã 92 tuổi, nhưng trí nhớ vẫn còn khá tốt. Được khơi lại chuyện đấu tranh hào hùng, ông Đệ kể: Anh ruột của ông là Phan Vậy, nhờ được ông Phạm Kiệt ở làng trên (xã Tịnh Minh, Sơn Tịnh) là thủ lĩnh đội quân Du kích Ba Tơ giác ngộ nên đã sớm vào Đội du kích Ba Tơ. Rồi người anh ruột dẫn ông vào Đội du kích Ba Tơ từ ngày 4.4.1945. Sau đó nhiều người của làng bí mật đi theo cách mạng. Họ lên vùng căn cứ hoạt động hoặc ra Bắc rồi lại trở về Nam tham gia đánh Nhật, đánh Pháp, đánh Mỹ cho đến ngày thống nhất nước nhà.

Làng Vĩnh Phúc bên sông Trà.                                    Ảnh: N.Khâm
Làng Vĩnh Phúc bên sông Trà. Ảnh: N.Khâm


Còn những gia đình có người thân thoát ly tham gia cách mạng ở lại với làng thì phải chịu cảnh bị địch cô lập tra tấn, hành hạ dã man. Có người hoạt động bị lộ, như ông Trần Xuân bị địch bắt nhốt ở Hội đồng xã. Chúng dùng thủ đoạn tra tấn dã man, nhưng ông không hề khai báo mà còn chửi thẳng vào bọn tay sai rồi hô to khẩu hiệu: “Đảng Cộng sản Việt Nam muôn năm”, “Hồ Chí Minh muôn năm”, thế là bọn chúng đưa đi thủ tiêu mất xác. Vậy mà người dân của làng vẫn tiếp tục lên đường đi theo cách mạng. Hồi đó ai muốn thoát ly thì phải móc nối với Đội công tác ở trên về đến tận nhà đọc lệnh “bắt trói” rồi dẫn đi ra khỏi làng mới “thả”, nhằm đánh lừa bọn địch để chúng khỏi hành hạ người thân còn ở lại trong làng.

Là “Làng đỏ” nên trong những năm kháng chiến địch vào làng đi càn là chuyện thường xuyên. Mỗi khi đến làng chúng lại đốt sạch, phá sạch. Nhưng sáng địch đốt nhà, thì chiều dân làng làm lại hoặc chiều địch đốt nhà thì sáng hôm sau dân làm lại chứ không hề nghĩ đến chuyện đầu hàng, phải rời làng mình đi nơi khác. Để đối phó với giặc, dân làng Vĩnh Phúc còn ra công đào hầm bí mật. Cứ vài ba gia đình lại cùng nhau đào một hầm. Với cách đào hầm bí mật, lỗ thông hơi khuất trong bụi rậm nên chó nghiệp vụ của địch cũng không thể phát hiện được. Một phần nhờ vậy mà làng Vĩnh Phúc đã trụ bám được với cách mạng đến cùng, cho đến ngày thống nhất đất nước.

Kỳ tích đội vận tải đường sông

Không những cung cấp nhân lực cho cách mạng, mà người làng Vĩnh Phúc còn biết cách phát huy lợi thế về điều kiện và phương tiện để sớm hình thành nên đội vận tải đường sông của làng từ thời kháng chiến chống Pháp. Sau này, theo nhu cầu cách mạng, đội vận tải đường sông của làng đã lớn mạnh lên thành một tổ chức cánh mạng có tên là Công đoàn vận tải đường sông xã Tịnh Sơn.

Thời ấy, ông Trần Kim Sanh là Trung đội trưởng du kích xã, vừa là Uỷ viên Ban chấp hành Công đoàn vận tải đường sông xã Tịnh Sơn từ năm 1965 cho đến ngày giải phóng. Ông Sanh cho biết: Kể từ khi thành lập thì mỗi người dân của làng Vĩnh Phúc là một đoàn viên công đoàn vận tải. Mưu sinh kiếm sống trên sông nước, nhưng khi cách mạng cần thì sử dụng ngay ghe thuyền của mình để vận chuyển vũ khí, lương thực, thực phẩm và bộ đội, thương binh từ vùng địch lên vùng căn cứ.     
 
Năm 1965, khi diễn ra trận đánh Ba Gia, nhiều người dân làng Vĩnh Phúc là đoàn viên Công đoàn vận tải đường sông như ông Đối, ông Sanh... đã tham gia vận chuyển thương binh của chiến dịch Ba Gia lên vùng giải phóng. Cứ 4-5 giờ chiều dân làng lại tập trung ghe thuyền của mình chèo thẳng về hướng Ba Gia cách làng khoảng 3km. Khi ghe vừa cập bến, dân công cõng thương binh xuống ghe là được chèo đi ngay. Một đêm mỗi ghe chèo được vài ba chuyến trong làn đạn pháo để vận chuyển thương binh.

 

41 hộ trụ bám có 18 Bà mẹ VNAH

Trong kháng chiến, cả làng Vĩnh Phúc có 41 hộ trụ bám thì có đến 73 liệt sĩ; 39 thương binh; 50 người dân chết vì bom đạn giặc; 18 Bà mẹ Việt Nam Anh hùng và 2 đội viên Đội du kích Ba Tơ, hiện giờ một cụ còn sống. Đặc biệt làng có 3 chị em ruột Trần Thị Vùng, Trần Thị Vẫy và Trần Thị Giã đều là Mẹ Việt Nam Anh hùng.
Ông Trần Nhật Tiên-Trưởng thôn Phước Lộc Tây cho hay, hiện ở Bảo tàng Quân khu 5 còn lưu giữ hai hiện vật của làng trong thời kỳ chống Mỹ. Đó là một cây dầm và một chiếc nón nhựa trắng. Dầm dùng để chèo ghe đưa bộ đội qua sông. Nón trắng dùng để ám chỉ tín hiệu, khi nào thấy nón trắng hiện lên giữa sông Trà là tín hiệu không có giặc, bộ đội, du kích có thể yên tâm về làng...

Trong rất nhiều câu chuyện chở bộ đội qua sông, người làng Vĩnh Phúc cũng không bao giờ quên câu chuyện trước khi diễn ra chiến dịch Mậu Thân năm 1968. Khi đó dân làng đã sử dụng hàng ngàn cây tre bí mật trong 3 đêm làm nên một chiếc cầu chìm bắc ngang qua sông Trà Khúc dài hơn 300m tại bến đò Phước Lộc. Cầu giấu khuất dưới nước nên ban ngày máy bay địch không thấy. Chiều đến dân làng lại cắm cọc tre dọc theo cầu để làm tay vịn cho bộ đội qua sông, tiến vào trung tâm tỉnh lỵ Quảng Ngãi.

 Tham gia vào mặt trận vận tải đường sông trên dòng Trà Khúc trong thời kỳ chống Mỹ đã có 12 người con của làng Vĩnh Phúc đã anh dũng hy sinh khi làm nhiệm vụ. Cho đến bây giờ người làng Vĩnh Phúc vẫn còn nhắc đến tên người con gái của làng là đoàn viên Công đoàn vận tải đường sông Trần Thị Theo. Vào năm 1969, trong khi dùng ghe chở bộ đội qua sông bất ngờ bị pháo địch bắn trúng, cô đã hy sinh cùng với anh bộ đội và một nữ y tá ngay trên dòng sông Trà, khi ấy cô vừa tròn 18 tuổi...

Đi lên bằng đôi chân của mình

 Dưới chế độ cũ, người làng Vĩnh Phúc ở sát ruộng mà không có ruộng, phải “ăn gạo chợ, uống nước sông”.

Ông Phan Thanh Tâm,một nông dân của làng tâm sự: Nếu không có Cách mạng thì người làng Vĩnh Phúc không bao giờ biết làm nông vì có ruộng đâu mà làm. Rồi ông bật cười nói tiếp, bây giờ, người làng Vĩnh Phúc đã tự biết làm giàu trên đồng ruộng của mình. Bà con đã biết đầu tư thâm canh trên ruộng lúa 2 vụ ở ngay phía sau làng luôn đạt năng suất cao, từ 60-62 tạ/vụ trở lên. Có hộ gắn phát triển chăn nuôi với nghề phụ, thu nhập hơn 200 triệu đồng/năm.

 Làng Vĩnh Phúc cũng là nơi đầu tiên của tỉnh thực hiện thành công mô hình nuôi cá lồng trên sông Trà Khúc từ năm 1993. Lúc đầu chỉ nuôi cá trắm cỏ, sau đó nuôi thêm cá chình. Từ chỗ nuôi tự phát, nhiều hộ đã tự nguyện thành lập Tổ hợp tác nuôi cá lồng trên sông gồm 30 hội viên. Ông Trần Kim Sanh - Tổ trưởng Tổ hợp tác cho biết: Bước đầu tổ hoạt động rất có hiệu quả như, đã hỗ trợ nhau để cho mỗi hội viên đều nuôi được từ 2-4 lồng cá trắm cỏ và cá chình, thu lãi khoảng 80-90 triệu đồng/hộ/năm. Hiện tại ở làng Vĩnh Phúc có hơn 100 hộ thì đa số đều nuôi cá lồng, tổng doanh thu mỗi năm khoảng 1 tỷ đồng. Đây là nguồn thu nhập đáng kể để nâng cao đời sống cho bà con trong làng.

Trẻ em của làng đều được đến trường học chữ. Trong làng đã có hơn 50 người đạt trình độ từ cao đẳng đến đại học. Trong đó có người đã trở thành bác sĩ, thạc sĩ... Gần đây, Nhà nước đã đầu tư xây dựng đê bao dọc theo bờ bắc sông Trà nên làng Vĩnh Phúc không còn phải thấp thỏm với nỗi lo bị sạt lở bờ sông. Làng nhỏ ven Sông Trà ngày xưa chỉ là những ngôi nhà tranh tre tạm bợ, bây giờ đã được thay thế bằng những ngôi nhà ngói đỏ tươi và nhà cao tầng bề thế, khang trang. Tất cả đều hướng ra mặt sông Trà, tạo cho làng một cảnh đẹp thật nên thơ.

 

Nguyễn Khâm

 


.