Ba Tơ: Cảnh báo từ những vụ xe chở keo rơi xuống vực

08:07, 07/07/2015
.

(Baoquangngai.vn)- Hiện nay diện tích trồng keo trên địa bàn tỉnh không ngừng gia tăng. Kéo theo đó là việc các chủ rẫy mở đường tạm bợ để ô tô đưa keo xuống núi. Những con đường tự mở không bảo đảm an toàn nên gây nguy hiểm cho các phương tiện qua lại.

TIN LIÊN QUAN

Những con đường tự mở không bảo đảm an toàn nên gây nguy hiểm cho các phương tiện qua lại. Ô tô biển kiểm soát 76C-03516 do tài xế Phạm Văn Thành (29 tuổi) ở thôn Gòi Rét, xã Ba Cung điều khiển cùng chủ xe là ông Phạm Văn Beo (43 tuổi) ở thôn Gò Loa – Đồng Xoài ngồi trong ca bin xe phía sau chở hàng cả ngàn cây gỗ keo. Trong lúc vận chuyển keo qua khu vực đồi núi thì xe bị trục trặc không thể dừng.

Theo tài xế Phạm Văn Thành cho biết “Khi xe gần tới mép đường có vực, tôi không thể giậm thắng xe dừng lại. Tôi la lên bảo ông Beo chủ xe nhảy ra khỏi xe. Tôi mở cửa xe nhảy ra ngoài, riêng ông Beo không chịu nhảy. Xe rơi xuống vực tôi may mắn thoát chết”. Hiện trường cho thấy xe bị rơi xuống vực gần 20m. Xe ô tô tải bị nát bét từ cabin đến thùng xe, gỗ keo văng khắp đoạn dốc.

Hiện trường vụ lật xe ngày 30.6 làm 1 người chết
Hiện trường vụ lật xe ngày 30.6 làm 1 người chết


Theo người đân ở đây cho biết, đoạn đường xảy ra tai nạn do người dân tự bỏ tiền thuê xe đào làm đường để vận chuyển gỗ keo.

Địa bàn xã Ba Cung, huyện Ba Tơ được biết thường xảy ra các vụ lật xe chở gỗ keo làm chết người. Phạm Văn Yếu (18 tuổi), ở xã Ba Cung hàng ngày cũng phải quần quật theo những chuyến xe chở keo bốc vác. Cha của Yếu là ông Phạm Văn Mi (40 tuổi) đã tử vong cũng trên chuyến xe gỗ keo bị lật.

Từ khi cha mất, Yếu bỏ học tiếp nối nghề của cha để nuôi gia đình. Biết rằng mưu sinh trên xe gỗ keo bao nguy hiểm rập rình, nhưng vì miếng cơm manh áo, nuôi gia đình, Yếu đành phó mặt theo nghề. Người dân xã Ba Cung vẫn rùng mình khi nhắc lại vụ tai nạn lật xe gỗ keo làm nhiều người địa phương chết và bị thương. Lúc đó trời đổ mưa lớn, 8 thanh niên ở xã Ba Cung theo xe ô tô biển số 76K-6324 do tài xế Nguyễn Chí Công ở xã Sơn Kỳ, huyện Sơn Hà điều khiển, chở đi bốc gỗ keo. Khi vừa qua đoạn cống suối Nước Rong thuộc thôn 3, xã Ba Cung thì gặp đường lầy, lún. Xe ôtô tìm mọi cách vượt qua thì bất ngờ bị lật úp xuống hố bên đường. Bốn bánh xe chỏng ngược lên trời, gỗ tung ra. Khi xe lật, một số người đã kịp thời nhảy xuống thoát được. Ông Phạm Văn Mi, Phạm Văn Hăm và Phạm Văn Mừng chết tại chỗ, nhiều thanh niên khác bị thương nặng.

Tại xã Ba Liên, huyện Ba Tơ, người dân vẫn nhắc câu chuyện xót xa về nhiều em học sinh trong thôn theo xe keo đi làm thuê và bị lật xuống vực núi. Trong đó có vụ tai nạn lật xe ô tô biển kiểm soát 76M – 0877 do tài xế Phạm Viết Thống ở xã Phổ Phong, huyện Đức Phổ, điều khiển chở gỗ keo từ đoạn núi Mồng Tăng ra trung tâm xã Ba Liên. Trong lúc qua dốc núi Mồng Tăng thì xe bất ngờ rớt xuống dốc núi khoảng 100m. Vụ tai nạn khiến, 2 học sinh THCS bị tử vong, 2 học sinh và một số người khác bị thương nặng.

Hiện nay cây keo đã đem lại nguồn thu nhập lớn, góp phần cải thiện đáng kể cuộc sống người dân Quảng Ngãi, vì thế diện tích trồng keo trên địa bàn tỉnh không ngừng gia tăng. Kéo theo đó là việc các chủ rẫy mở đường tạm bợ để ô tô đưa keo xuống núi. Những con đường tự mở không bảo đảm an toàn nên gây nguy hiểm cho các phương tiện qua lại.

Nói về thực trạng các đoạn đường tự mở vận chuyển gỗ keo, ông Phạm Văn Khím – Trưởng Công an xã Ba Cung cho biết “Địa bàn xã Ba Cung chiếm phần lớn là diện tích đồi núi và được tập trung trồng gỗ keo. Có hàng trăm con đường do người dân thuê xe đào tự mở để vận chuyển gỗ keo. Vì thế cơ quan chức năng và chính quyền địa phương không thể quản lý hết việc tự mở đường của người dân”.

Để ngăn chặn, không xảy ra những vụ xe chở keo lật, các ngành liên quan và chính quyền địa phương cần đẩy mạnh kiểm tra, quản lý chặt việc mở tự phát mở đường vận chuyển gỗ keo trên các đồi, núi. Xử lý các trường hợp tự mở đường, cũng như các phương tiện ô tô lưu thông không đảm bảo, chở người sai quy định.
                    

Thành Sự
 


.