Khởi sắc ở những vùng quê cách mạng

03:04, 24/04/2015
.

(Báo Quảng Ngãi)- Dù chịu nhiều đau thương, mất mát do chiến tranh, nhưng khi quê hương giải phóng, đất nước thống nhất, cán bộ và nhân dân xã Đức Phong (Mộ Đức) và xã Tịnh Khê (TP.Quảng Ngãi) đã bắt tay ngay vào khôi phục hậu quả chiến tranh, phát triển kinh tế- xã hội để xứng đáng với sự hy sinh và những chiến công oai hùng của nhiều thế hệ.

“Đất lửa” chuyển mình

Những năm 1959 - 1960, xã Đức Phong (Mộ Đức) được xem là “đất lửa” trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Các địa danh: Lâm Sơn, Đồng Nà, Phú Lộc, hầm Xác Máu, hầm Trà Niên, bãi biển Tân An... đã ghi dấu thời gian bằng những trang sử đau thương, nhưng cũng vô cùng oanh liệt. Nhiều trận đánh oai hùng của quân và dân địa phương được khắc ghi trong lịch sử Đảng bộ xã Đức Phong như để nhắc nhở thế hệ hôm nay thấu hiểu giá trị của độc lập, tự do. Tại địa đạo Lâm Sơn, ngày 10.4.1968, lính Mỹ dùng mìn đánh sập hầm, sát hại 21 người. Ngày 30.4.1965, ở hầm Xác Máu (núi Ông Đọ), địch đã sát hại 27 thường dân. Hay tại bãi biển Tân An, ngày 22.6.1966, nhằm hủy diệt căn cứ Mù U (nay là thôn Tân An), tàu chiến tầm ngắn của Mỹ đã nã trọng pháo giết chết 108 ngư dân và làm bị thương 39 người khác…

Ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất đã giúp năng suất lúa ở Đức Phong (Mộ Đức) tăng cao.           Ảnh:  N.Triều
Ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất đã giúp năng suất lúa ở Đức Phong (Mộ Đức) tăng cao. Ảnh: N.Triều


Theo ông Phạm Thanh Sơn (80 tuổi) ở thôn Lâm Thượng, người gắn bó với mảnh đất này từ những ngày đầu đánh Mỹ, thì ở xóm Mù U có 52 hộ gia đình dù bị nhiều sức ép nhưng tất cả đều kiên trung, không một gia đình nào có người đi lính Nguỵ hay làm việc cho chế độ Mỹ- ngụy. Vì thế mà xóm Mù U còn có mật danh “Đơn vị 52”, “Liên gia 52” hay “Cây số 52”. Nơi đây, nửa đêm ngày 8.2.1964 lệnh khởi nghĩa đã được phát động và nhận được sự hưởng ứng tích cực của nhân dân các thôn lân cận đứng lên đánh đuổi quân xâm lược. Những thắng lợi bước đầu đã tạo đà cho các cuộc nổi dậy giành chính quyền trên toàn huyện Mộ Đức. Hiện nay, xã Đức Phong có 6 di tích lịch sử cấp tỉnh.

Những chiến công oai hùng trong cuộc chiến chống quân thù xâm lược đã được nhiều thế hệ người dân Đức Phong tiếp bước. Đường về xã Đức Phong sau 40 năm đất nước thống nhất đã rộng rãi, hai bên là những ruộng lúa trĩu bông, thấp thoáng những ngôi nhà cao tầng khang trang. Xã đã thực hiện tốt các chủ trương chuyển đổi cơ cấu cây trồng, mùa vụ, áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, phát triển các loại cây trồng có năng suất và giá trị kinh tế cao. Chăn nuôi gia súc, gia cầm phát triển theo hướng hàng hóa… Ông Đinh Văn Bé - Phó Chủ tịch UBND xã Đức Phong, cho biết, tỷ lệ hộ nghèo của xã giảm xuống còn 7% vào cuối năm 2014, bình quân thu nhập đầu người đạt 21 triệu đồng/người/năm.

Cùng với sự lãnh đạo phát triển kinh tế, nâng cao đời sống nhân dân, Đảng bộ xã Đức Phong còn thường xuyên quan tâm, chăm lo xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh. Tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn được giữ vững và ổn định. Nhờ đó, xã Đức Phong đã huy động tốt các nguồn lực để đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, các công trình phúc lợi, làm cho bộ mặt nông thôn ngày càng khởi sắc. Đến nay, xã đã đạt 12/19 tiêu chí của nông thôn mới.

Màu xanh Tịnh Khê

Xã Tịnh Khê, TP.Quảng Ngãi là địa danh đã đi vào lịch sử với bao đau thương, mất mát. Đã hơn 47 năm trôi qua từ cái ngày lính Mỹ gây nên cuộc thảm sát Sơn Mỹ khiến nhân loại phải rùng mình,  những tàn tích khốc liệt của một thời mưa bom, lửa đạn vẫn còn in hằn trên mảnh đất này.

Trải qua bao mất mát, đau thương, người dân Tịnh Khê thấm thía hơn ai hết nỗi đau của chiến tranh. Thế nhưng, nơi máu hồng của những người dân vô tội nhuộm đỏ cả con mương, cánh đồng giờ đã phủ lên màu xanh của lúa, hoa màu; một màu xanh của sự khoan dung, cần cù, chịu thương chịu khó của những người nông dân chân lấm, tay bùn. Cũng là một trong những nạn nhân sống sót trong vụ thảm sát Sơn Mỹ, ông Phạm Thành Công - Giám đốc Ban quản lý Khu chứng tích Sơn Mỹ bảo, ông thật sự vui mừng trước những đổi thay của quê hương. “Nhìn những cựu binh Mỹ trở lại, đốt những nén hương trước vong linh người dân Sơn Mỹ vô tội xin được thứ lỗi, lòng tôi cũng không còn hận thù”, ông Công nói.

Ở Tịnh Khê hôm nay, nhiều tuyến đường được mở rộng thênh thang, góp phần đổi thay bộ mặt của vùng quê như: Đường ven biển Dung Quất – Sa Huỳnh (đoạn Mỹ Trà – Mỹ Khê), Quốc lộ 24 hay như 25 km đường giao thông liên xã, liên thôn… Nhiều tuyến đường được lắp thiết bị chiếu sáng, giúp Tịnh Khê bừng sáng trong đêm. Bãi biển Mỹ Khê trải dài, thu hút nhiều cá nhân và doanh nghiệp đến kinh doanh, tạo thành điểm nhấn quan trọng cho Tịnh Khê.

Ông Trương Thanh Thảo - Chủ tịch UBND xã Tịnh Khê, cho hay: Hiện nay, tỷ lệ hộ nghèo của xã chỉ còn dưới 4%. Tốc độ tăng trưởng kinh tế luôn ở mức cao so với các địa phương. Đặc biệt, Tịnh Khê là một  trong 10 xã được tỉnh chọn làm điểm và sẽ hoàn thành 19 tiêu chí nông thôn mới vào cuối năm 2015. “Nhiều người dân Tịnh Khê là nạn nhân còn sống sót sau vụ thảm sát cách đây 47 năm đã có cuộc sống ổn định, nhà cửa khang trang, tích cực phát triển kinh tế gia đình, góp phần phát triển quê hương giàu đẹp hơn”, ông Thảo nói.


NGUYỄN TRIỀU



 


.