Tịch thu ô tô nếu trong máu tài xế nhiều cồn

02:03, 04/03/2015
.

Bộ trưởng Giao thông vận tải Đinh La Thăng vừa kiến nghị Chính phủ cho phép tịch thu ô tô và tước giấy phép 2 năm nếu trong máu người điều khiển phương tiện có nồng độ cồn trên 80mg/100ml máu... 

Bộ trưởng Giao thông vận tải Đinh La Thăng vừa có văn bản kiến nghị Chính phủ, cho phép thực hiện một số biện pháp xử lý vi phạm hành chính nhằm kéo giảm tai nạn giao thông và bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ, trong đó đề xuất phạt nặng một số hành vi nguy hiểm dễ gây tai nạn giao thông, như: tịch thu xe máy nếu đi vào đường cao tốc; tịch thu ô tô nếu người điều khiển phương tiện trên đường mà trong máu có nồng độ cồn quá cao.

Theo văn bản do Bộ trưởng Đinh La Thăng ký trình Chính phủ, thời gian qua, cùng với sự vào cuộc quyết liệt để thực hiện các biện pháp đồng bộ của cả hệ thống chính trị từ Trung ương đến địa phương, tình hình trật tự, an toàn giao thông tiếp tục có nhiều chuyển biến tích cực, tai nạn giao thông (TNGT) lần đầu tiên sau nhiều năm đã giảm xuống dưới 9.000 người.   

Hai tháng đầu năm 2015 mặc dù có kỳ nghỉ Tết dương lịch dài 4 ngày và Tết Nguyên đán dài 9 ngày, nhu cầu đi lại của người dân tăng cao, nhiều công trình kết cấu hạ tầng giao thông trọng điểm vẫn tiếp tục trong quá trình thi công nâng cấp, mở rộng. Vì vậy các Bộ, ngành, địa phương đã triển khai đồng bộ, quyết liệt các giải pháp nên TNGT tiếp tục được kéo giảm trong 2 tháng đầu năm 2015.

Tuy nhiên, theo đánh giá của Bộ trưởng Đinh La Thăng, mặc dù đạt được những kết quả ban đầu trên nhưng tình hình trật tự an toàn giao thông vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp, tiếp tục xảy ra hiện tượng chống đối lực lượng thực thi công vụ trong công tác kiểm soát tải trọng phương tiện; nhiều vụ tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng do người điều khiển phương tiện cơ giới vi phạm về nồng độ cồn vẫn xảy ra; tiếp tục xuất hiện tình trạng người điều khiển xe mô tô, xe máy, xe thô sơ đi vào đường cao tốc, uy hiếp nghiêm trọng an toàn giao thông....
 

  Cảnh sát giao thông kiểm tra nồng độ cồn của chủ phương tiện vi phạm.
Cảnh sát giao thông kiểm tra nồng độ cồn của chủ phương tiện vi phạm.


Do đó, để khắc phục những bất cập và tiếp tục thực hiện có hiệu quả công tác đảm bảo trật tự an toàn giao thông, Bộ trưởng Đinh La Thăng đề nghị Chính phủ xem xét giao Bộ GTVT phối hợp với Bộ Tư pháp, Văn phòng Chính phủ đề xuất xây dựng Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 171 /2013/NĐ-CP nhằm tăng nặng chế tài xử phạt vi phạm hành chính đối với một số hành vi là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến TNGT, phá hoại kết cấu hạ tầng giao thông, cũng như cản trở người thi hành công vụ.

Theo Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải, để kịp thời có chế tài xử lý vi phạm đủ mạnh nhằm nâng cao hiệu lực điều chỉnh hành vi của người tham gia giao thông, hiệu quả thực thi pháp luật, ngăn ngừa tai nạn giao thông, các bộ, ngành địa phương cần triển khai thí điểm thực hiện một số quy định xử phạt vi phạm hành chính đối với một số hành vi vi phạm trong lĩnh vực giao thông đường bộ từ 15/3/2015.

Đối với chủ xe, lái xe cố tình bỏ phương tiện, không hợp tác với lực lượng thực thi công vụ trong công tác kiểm soát tải trọng phương tiện, cho phép khóa bánh phương tiện tại chỗ hoặc cẩu, kéo đến nơi tập kết. Chủ phương tiện và người điều khiển phương tiện chịu trách nhiệm hoàn toàn về chi phí phát sinh để khóa bánh hoặc cẩu, kéo phương tiện và trông giữ phương tiện, hàng hóa, tài sản trên xe.

Với xe chở hàng vượt tải trọng trên 150% thì kiến nghị phạt người điều khiển phương tiện 25 triệu đồng/lần vi phạm và áp dụng hình thức phạt bổ sung là tước giấy phép lái xe trong 1 năm và phải thi lại nội dung về Luật giao thông đường bộ trước khi được cấp lại giấy phép lái xe; đối với chủ phương tiện vi phạm là cá nhân sẽ bị phạt 40 triệu đồng/lần vi phạm và 80 triệu đồng/lần vi phạm đối với chủ phương tiện là tổ chức (sẽ bị tịch thu phương tiện nếu không nộp tiền phạt).

Đối với hành vi người tham gia giao thông vi phạm nồng độ cồn, lãnh đạo Bộ Giao thông vận tải kiến nghị, người điều khiển xe ô tô và các loại xe tương tự ô tô sẽ bị phạt tiền từ 8-15 triệu đồng và tước quyền sử dụng giấy phép lái xe 6 tháng nếu điều khiển phương tiên trên đường mà trong máu hoặc khí thở có nồng độ cồn đến 50mg/100ml máu hoặc đến 0,25 mg/1ml khí thở.

Cùng hành vi này, sẽ phạt tiền từ 15 - 20 triệu đồng và tước giấy phép 1 năm nếu điều khiển phương tiện nếu trong máu hoặc khí thở có nồng độ cồn đến 50 - 80mg/100ml máu hoặc vượt quá 0,25 - 0,4mg/1ml khí thở, đồng thời phải thi lại nội dung về Luật giao thông đường bộ trước khi được cấp lại giấy phép lái xe.

Sẽ tịch thu phương tiện và tước giấy phép 2 năm nếu điều khiển phương tiên trên đường mà trong máu hoặc khí thở có nồng độ cồn trên 80mg/100ml máu hoặc vượt quá 0,4mg/1ml khí thở. Người vi phạm phải thi lại nội dung về Luật giao thông đường bộ trước khi được cấp lại giấy phép lái xe. Hình thức xử phạt này cũng áp dụng cho cả người vi phạm điều khiển mô tô, xe gắn máy (xe máy điện) và các loại xe tương tự mô tô, xe gắn máy.

Cũng với hành vi trên, người điều khiển mô tô, xe gắn máy (xe máy điện) và các loại xe tương tự mô tô, xe gắn máy trên đường nếu vi phạm nồng độ cồn đến 50 - 80mg/100ml máu hoặc vượt quá 0,25 - 0,4mg/1ml khí thở thì sẽ bị phạt tiền từ 4-5 triệu đồng, tước giấy phép lái xe 1 năm, đồng thời phải thi lại nội dung về Luật giao thông đường bộ trước khi được cấp lại giấy phép lái xe.

Riêng với hành vi điều khiển mô tô, xe gắn máy (kể cả xe máy điện), các loại xe tương tự xe mô tô và các loại xe tương tự xe gắn máy, xe thô sở tham gia giao thông trên đường cao tốc, Bộ trưởng Đinh La Thăng kiến nghị Chính phủ cho phép thực hiện biện pháp tịch thu phương tiện.

Hiện các kiến nghị trên đã được trình lên Chính phủ để xem xét, nếu được phê duyệt thì đây sẽ là những biện pháp xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ cao nhất từ trước đến nay được áp dụng ở nước ta.


Xuân Tùng/VnMedia


.