Gian nan nghề bưu tá

10:01, 26/01/2015
.

(Báo Quảng Ngãi)- Công việc của những bưu tá là lặn lội, rong ruổi trên khắp các nẻo đường để “đến từng ngõ, gõ từng nhà, trao tận tay”  bưu phẩm, bưu kiện cho người nhận thông qua hệ thống bưu chính. Thế nhưng, từ trước đến nay các chính sách hỗ trợ cho họ hầu như chưa có gì. Họ làm việc trong điều kiện khó khăn, thiếu thốn.

Gần 10 giờ sáng, sau khi nhận, phân loại các loại báo, bưu phẩm, bưu kiện, anh Lê Trọng Chánh, bưu tá phường Quảng Phú, lại tất bật lên đường để kịp giao cho khách hàng. Rong ruổi hết con đường này đến con đường khác rồi lại loay hoay tìm những ngôi nhà nằm sâu trong mấy con hẻm nhỏ. Công việc cực nhọc, vất vả là thế, nhưng anh vẫn vui vẻ, niềm nở trên suốt chặng đường của mình.

 

Những bưu tá miệt mài với công việc của mình.
Những bưu tá miệt mài với công việc của mình.


Anh Chánh đã gắn bó với công việc này đã 6 năm. Nói về công việc của mình, anh Chánh chia sẻ: “Công việc này cực nhọc lắm! Ngày nào cũng phải làm, kể cả những ngày nghỉ. Hễ có bưu phẩm, bưu kiện hay quà cáp của khách hàng là mình phải chạy đi giao ngay. Thế nhưng từ ngày vào làm việc, tôi chưa được hưởng một chế độ bảo hiểm cũng như các chế độ xã hội nào khác. Đồ bảo hộ lao động cho chúng tôi cũng còn thiếu thốn. Tất cả mình phải tự lo hết nên công việc cũng như đời sống gặp rất nhiều khó khăn”.

Hiện nay, toàn tỉnh có hơn 170 bưu tá. Mỗi người đảm nhận một địa phương và có trách nhiệm giao đúng bưu phẩm, bưu kiện ở nơi mình đảm nhận.  Đối với những bưu tá hoạt động ở các địa bàn vùng núi, hải đảo thì công việc của họ còn gặp khó khăn hơn. Trong khi đó, về bảo hiểm y tế (BHYT), bảo hiểm xã hội (BHXH) thì họ phải tự lo.

Anh Nguyễn Văn Đậu – Bưu tá phụ trách các xã cánh tây Tư Nghĩa bày tỏ: “Từ trước đến giờ, chúng tôi muốn có các loại bảo hiểm phải tự mình bỏ tiền ra mua chứ bưu điện không có chính sách hỗ trợ. Thậm chí, cách đây không lâu, tôi bị tai nạn phải nằm viện trong một thời gian dài. Nhưng không có một chế độ hỗ trợ nào để lo tiền thuốc men, viện phí”.

Theo bà Nguyễn Thị Xuân Nhung – Giám đốc Bưu điện huyện Tư Nghĩa thì tiền lương hằng tháng của bưu tá được quy định theo hai mức. Thứ nhất là tiền xăng tính theo định mức số kilômét  hằng ngày họ đi. Thứ hai là hưởng theo số lượng sản phẩm phát ra trong ngày, trong tháng. Ngoài ra, các bưu tá còn có thể kiếm thêm thu nhập thông qua việc bán các loại bảo hiểm, các dịch vụ công ích… được cho phép của ngành. Riêng vấn đề bảo hiểm cho bưu tá thì trong năm 2015 sẽ được giải quyết. Còn trước đây BHYT, BHXH đã chi thẳng vào thu nhập hằng tháng của nhân viên bưu tá.

Trao đổi vấn đề này, ông Phạm Văn Hoạch – Trưởng Phòng Tổ chức, Hành chính, Bưu điện tỉnh cho biết: “So với những năm trước, thì năm 2015 tới đây Tổng Công ty sẽ đưa ra những cơ chế mới cho các bưu tá. Đó là việc khoán toàn bộ bưu phẩm, bưu kiện cho họ. Số tiền họ thu được cũng phụ thuộc vào số sản lượng mà họ phát được trong từng tháng… Ngoài ra, Tổng Công ty còn hỗ trợ 50% tiền BHYT, BHXH tự nguyện cho mỗi bưu tá, 50% còn lại họ phải tự đóng. Các dụng cụ bảo hộ lao động, bảo hộ nghề nghiệp cũng được Tổng Công ty cấp đầy đủ. Ngoài ra, một số vấn đề bất cập khác chúng tôi cũng đã kiến nghị lên các cấp để sớm giải quyết, nhằm mang lại quyền lợi chính đáng cho ngội ngũ bưu tá”.

Bài, ảnh: ĐÌNH DIỆU
 


.