Nghĩa tình xóm làng

10:12, 19/12/2014
.

(Báo Quảng Ngãi)- Nhìn người thầy giáo 18 năm cắm bản ở Tây Trà, giờ trở về quê hương với căn bệnh chưa tìm ra nguyên nhân  hành hạ chỉ còn có thể nằm một chỗ, bà con thôn Diên Sơn, xã Long Sơn (Minh Long) đã đồng lòng dựng một mái nhà, góp gạo, góp thuốc men... để cùng thầy Đinh Xăng Cầm vượt qua nguy khó.
Vò gạo chẳng “biết” vơi

Trên chặng đường được đưa từ Tây Trà về lại quê nhà Long Sơn, thầy Đinh Xăng Cầm ngỡ mình sẽ nhắm mắt dọc đường. Nhưng rồi sau 3 tháng về quê, từ một người chỉ còn nằm chờ chết, giờ thầy Cầm đã có thể ngồi dậy và trò chuyện… “Lá rụng về cội, nên mới gọi điện người nhà lên Tây Trà đón về. Ai có ngờ về đến đây thì bệnh tình bắt đầu đỡ hơn”, thầy Cầm rưng rưng kể.

 

Người thầy 18 năm cắm bản giờ sống nương nhờ vào sự sẻ chia của bà con xóm giềng.                                                                         Ảnh: Ý THU
Người thầy 18 năm cắm bản giờ sống nương nhờ vào sự sẻ chia của bà con xóm giềng. Ảnh: Ý THU

Không nhà cửa, không tấc đất cắm dùi. Ngày về, thầy Cầm chỉ “mang theo” căn bệnh lạ cùng hai đứa con nhỏ còn học tiểu học. Vợ thầy Cầm thì qua đời cách đây đã 5 năm. Thương người thầy giáo không may mắc phải chứng bệnh nan y, bà con thôn Diên Sơn chẳng ai bảo ai, người thanh tre, người dăm chục nghìn để gom góp mua tôn, mua gạch lo cho thầy mái nhà che mưa che nắng. Tận dụng căn nhà bỏ trống đã nhiều năm ở Long Sơn, ba chục người dân cùng hợp lại sửa sang, lợp mái mới. Vách tường gạch rêu mốc phủ đen dày, cũng được bà con cẩn thận chà sạch để căn nhà khỏi ẩm mốc, rêu phong.

Mỉm cười khoe lu gạo đã 3 tháng vẫn đầy ắp, thầy Cầm cảm động: “Về đây gần 3 tháng, mà lu gạo trong nhà vẫn cứ đầy mãi. Người 5, 6 lon, người vài chục nghìn, ai cũng sang đóng góp, giúp đỡ. Nồi cơm điện này cũng là của mọi người góp tiền mua cho”.

Nỗi lòng của người thầy 18 năm cắm bản

Bị bệnh tật dày vò, thầy Đinh Xăng Cầm gõ cửa khắp nơi mà vẫn không tìm ra tên bệnh. Trong khi đó, tay chân thầy Cầm thì ngày một teo tóp và biến dạng dần… nên mọi cử động đều rất khó khăn. Ấy thế mà ký ức về những ngày tháng đứng lớp vẫn rõ mồn một trong tâm trí của người thầy ấy.

Năm 1996, khi Trường Tiểu học Trà Xinh mới được thành lập, thầy Cầm là một trong những giáo viên đầu tiên xung phong lên Trà Xinh để giảng dạy. Ngôi trường nằm nép mình bên dòng sông Tang nước dâng cuồn cuộn mỗi mùa mưa bão về. Đường lên Trà Xinh lúc đó chỉ là đường mòn nhỏ hẹp nhưng đôi chân thầy Cầm chưa từng biết mỏi.

Gắn với điểm trường chính được 2 năm thì thầy Cầm được phân công về điểm lẻ Trà Kem. “Ngày đó rừng còn già nên âm u lắm. Chỉ có thể men theo con đường bà con đi rẫy để lên Trà Kem chứ chưa có đường”. Ở lại Trà Kem, mất 2 năm trời ròng rã, thầy Cầm mới quen thân và thuyết phục được tất cả học sinh ra lớp. Rồi đến năm 2002, thầy lại di chuyển như con thoi về điểm trường lẻ Trà Ôi. Trường tranh tre, bàn ghế cũng làm từ lồ ô, tre nứa vì không có đường để vận chuyển bàn ghế lên điểm lẻ trên thôn. Thầy Cầm một lần nữa lại tiếp tục kiên trì, bền chí, vượt qua những khó khăn thiếu thốn để cùng học trò bám lớp, bám trường.

Yêu công việc giảng dạy, gắn bó với những gian nan của sự nghiệp giáo dục ở Tây Trà từ những ngày đầu… nên mãi đến năm 2013, sau 3 năm gắng gượng với bệnh tật, đến khi không còn có thể đứng dậy được nữa, thầy Cầm mới quyết định viết đơn xin nghỉ việc. “Nhớ trường, nhớ học sinh mà nhiều lúc không ngủ được. Tên của từng đồng nghiệp, tôi vẫn còn nhớ rõ bâng trong đầu…”, giọng thầy Cầm chợt trầm xuống khi chạm về ký ức. Lúc chia tay, thầy Cầm chợt nhắn gửi: “Về Quảng Ngãi, có khi nào gặp cô giáo Huỳnh Thị Đặng Quyên thì cho thầy gửi lời thăm. Cô là đồng nghiệp cũ ngày xưa cùng dạy ở Tây Trà”.
 
THU-HIỀN


 

.