Thu gom rác thải nông thôn: Phương tiện thô sơ, xử lý sơ sài

07:11, 28/11/2014
.

(Báo Quảng Ngãi)- Môi trường là một trong 19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới, thế nhưng công tác xử lý chất thải tại nhiều địa phương vẫn chưa được quan tâm đúng mức. Phương tiện vận chuyển thô sơ, bãi chôn lấp sơ sài, kinh phí thực hiện thiếu trước hụt sau… khiến người làm công tác môi trường nông thôn gặp phải rất nhiều khó khăn.

TIN LIÊN QUAN

HTX khó vì thiếu phương tiện

HTX thu gom rác thải trên biển Bình Thuận (Bình Sơn) là HTX môi trường duy nhất của tỉnh. Được thành lập từ năm 2009, thông qua Cảng vụ hàng hải, HTX nắm bắt được số lượng tàu cá về neo đậu xung quanh cảng để từ đó ký hợp đồng với các tàu rồi làm dịch vụ thu gom rác, vệ sinh tàu.

Phương tiện vận chuyển của đội thu gom rác xã Tịnh Khê được thuê lại của tư nhân với giá 10-15 triệu đồng/tháng.
Phương tiện vận chuyển của đội thu gom rác xã Tịnh Khê được thuê lại của tư nhân với giá 10-15 triệu đồng/tháng.


Những tưởng việc làm này sẽ thuận buồm xuôi gió, khi việc gom rác, xử lý vệ sinh đối với tàu neo đậu trong cảng đã được quy định trong Luật Hàng hải nên HTX không còn phải lo khâu tìm kiếm khách hàng. Nhiều thời điểm, nhất là từ tháng 4 đến tháng 8, mỗi ngày, 23 xã viên của HTX thu gom rác cho hơn 10 tàu. Tuy nhiên, hiện nay, sau 5 năm đi vào hoạt động, khối lượng công việc của HTX đã giảm sút chỉ còn 70% so với trước đây. Lý giải nguyên nhân, ông Vương Tấn Lợi - Chủ nhiệm HTX thu gom rác thải trên biển Bình Thuận thở dài: “Hiện Bình Thuận đang có thêm một công ty tư nhân thu gom, xử lý rác trên biển, nên khối lượng công việc của HTX bắt đầu san sẻ dần. Vì thế anh em xã viên đang lo lắng bởi nếu không đổi mới để cạnh tranh, thì HTX sẽ không trụ được nếu có thêm nhiều công ty thu gom rác ra đời”.

Cũng theo ông Lợi, nhiều đợt tàu về ít, khối lượng công việc giảm sút. Nhưng do không có phương tiện vận chuyển rác về bãi tập kết rác của huyện, nên HTX phải bỏ ra 1,2 triệu đồng/lần để thuê Công ty Điện và Môi trường Sơn Tịnh làm công tác vận chuyển. Thiếu vốn, không có phương tiện vận chuyển nên HTX đang loay hoay tìm cách xoay vòng vốn để có thể tự trang bị, hiện đại hóa phương tiện. Tuy nhiên, với một HTX chỉ 23 xã viên thì chuyện tự gom được số vốn lên đến vài trăm triệu đồng để mua xe thu gom không phải là chuyện đơn giản.

Tổ, đội thu gom còn khó hơn

Vì không có phương tiện vận chuyển, nên rác thải sau thu gom tại xã Đức Thạnh chỉ có thể tập trung về bãi trung chuyển ngay sát tuyến đường liên thôn.
Vì không có phương tiện vận chuyển, nên rác thải sau thu gom tại xã Đức Thạnh chỉ có thể tập trung về bãi trung chuyển ngay sát tuyến đường liên thôn.

 

Trong khi nhiều địa phương còn loay hoay với công tác thu gom rác thải, thì chính quyền xã Đức Phong (Mộ Đức) đã chọn phương thức kêu gọi xã hội hóa. Theo đó, ông Trương Minh, một người dân trong xã tự trang bị xe vận chuyển và nhận thu gom, xử lý rác thải cho cả xã. Mức phí môi trường mà mỗi hộ đóng cho ông Trương Minh cũng chỉ ở mức 10 nghìn đồng/tháng.         

HTX môi trường duy nhất của tỉnh gặp khó, tổ, đội thu gom nhỏ lẻ tại các xã lại càng khó hơn. Phương tiện thu gom thô sơ trong khi khối lượng rác trong khu dân cư quá lớn. Thiếu kinh phí hiện đại hóa trang thiết bị, đầu tư bãi chôn lấp rác tại địa phương… khiến công tác thu gom của các tổ, đội thu gom gặp nhiều khó khăn, vướng mắc.

Đội thu gom rác thải xã Đức Thạnh (Mộ Đức) chỉ có 3 thành viên, lại  không có phương tiện vận chuyển nhưng được “khoán” cho việc thu gom rác chợ Thi Phổ và rác thải sinh hoạt của 400 hộ dân thôn Phước Thịnh. Vậy là chỉ với chiếc xe ba gác thô sơ, 3 thành viên trên luân phiên nhau gom cả tấn rác thải mỗi ngày. Sau thu gom, vì Đức Thạnh không có bãi chôn lấp rác nên các thành viên trong đội phải dồn rác ngay bên đường rồi tự đốt. Riêng mùa mưa, khi không thể xử lý rác thải bằng cách trên thì UBND xã Đức Thạnh hợp đồng với Hạt quản lý đường bộ huyện để thu gom, xử lý.

Còn tại xã Tịnh Kỳ (TP.Quảng Ngãi), do đặc điểm đường sá tại xã ven biển quá nhỏ hẹp, nên việc trang bị, nâng cấp xe thu gom rác gặp vướng mắc. Ông Nguyễn Xí- Phó Chủ tịch UBND xã Tịnh Kỳ trăn trở: “Bình quân một ngày, lượng rác thu gom tại các khu dân cư trên địa bàn xã lên đến 15 tấn nên xe gom không xuể. Tuy nhiên, dù muốn nâng cấp, tăng tải trọng xe thì địa phương cũng chẳng thể làm được vì các tuyến đường liên thôn quá nhỏ hẹp”. Hiện bãi trung chuyển rác của xã Tịnh Kỳ được đặt tại thôn An Kỳ chỉ có diện tích vỏn vẹn 770m2. Vậy nên hằng năm, chỉ tính riêng kinh phí vận chuyển rác từ bãi trung chuyển về khu chôn lấp Đồng Nà, địa phương phải bỏ ra từ 400-550 triệu đồng…

Trước những khó khăn, vướng mắc trên, hoạt động của HTX, tổ, đội thu gom rác thải vẫn chưa thể phát huy hết được vai trò của mình trong công tác bảo vệ môi trường tại các địa phương.
                         

Bài, ảnh: Ý THU

 


.