Gian nan chống xe quá tải (kỳ 2)

02:10, 26/10/2014
.

TIN LIÊN QUAN

 

Kỳ 2:  Chống xe quá tải bằng cách nào?

Mặc dù quy định về tải trọng do Cục Đường bộ quy định đã rõ thế nhưng xe quá tải vẫn ngang nhiên hoạt động và dường như không sợ. Trong khi đó hệ thống đường và các cây cầu đang phải oằn mình “cõng” xe quá tải. Cuộc chiến chống xe quá tải còn lắm gian nan…

 

Không có đường sá nào chịu nổi

Đi dọc Quốc lộ 1 và các tuyến đường tỉnh, đường huyện dễ dàng bắt gặp những chiếc xe chở vật liệu xây dựng, chở gỗ quá tải chạy trên đường. Nhiều đoạn đường chỉ thiết kế cho xe có tải trọng nhỏ, nhưng vẫn phải oằn mình “cõng” những chiếc xe chở quá tải này.

Đoàn xe tải “núp” ở các quán cơm ven đường để né trạm cân.
Đoàn xe tải “núp” ở các quán cơm ven đường để né trạm cân.


Anh Đông - chủ một xe ben chuyên chở cát, đất có khối lượng tối đa là 9m3 dù là cát, hay đất. “Nếu để xe chở đủ như thiết kế thì khó, như xe tui phải be thêm hai lớp ván nâng thùng xe cao lên khoảng 35cm. Như vậy sẽ chở thêm được vài khối vật liệu. Chúng tôi chủ yếu kiếm lời ở phần này thôi” – anh Đông chia sẻ.

Nhiều tuyến đường, cây cầu đang phải oằn mình “gánh” xe quá tải. Hệ thống đường sá nhiều nơi đang xuống cấp nghiêm trọng. Trong đó một phần nguyên nhân là do xe quá tải gây ra. Theo ông Huỳnh Ngà- Chánh Thanh tra Sở GTVT thì với những xe quá tải vừa bị bắt trên Quốc lộ 1 thời gian qua thì không có đường sá nào chịu cho nổi.

 “Hầu hết đường của mình khi thi công kết cấu kỹ thuật đều đảm bảo, nhưng do xe chở quá tải nên đường mới nhanh xuống cấp. Thể hiện rõ là nền đường không chịu nổi trọng lực của cả trăm tấn đè lên nên mới đùn, lún, rạn nứt hết. Mỗi khi mưa xuống nước thấm vào các vết nứt sẽ bong tróc tạo ra những ổ voi, ổ gà và sóng trâu trên đường dẫn đến mất an toàn giao thông. Như mấy chiếc xe của Tập đoàn Xuân Thành chở xi măng vượt tải trọng lên đến vài chục tấn. Chở như vậy thử hỏi đường sá nào còn. Người dân, chủ phương tiện vận tải lúc nào cũng ca thán đường sá hư hỏng, nhưng bản thân họ có chấp hành hay chưa, hay vẫn vì tham lợi nhuận chở quá tải dẫn đến đường hư. Cái này đổ lỗi cho ai” – ông Ngà bức xúc.
 

Tăng cường khâu đăng kiểm

 Theo ông Nguyễn Thanh Mẫn- GĐ Trung tâm đăng kiểm xe cơ giới Quảng Ngãi, từ tháng 4.2014 đến nay có khoảng hơn 2.000 xe ô tô khi đến đăng kiểm bị “đánh” rớt bởi nhiều lỗi khác nhau. Trong đó, chủ yếu vẫn là các lỗi như cơi nới thùng xe, bánh lốp, hệ thống phanh… không đạt. “Đặc biệt là các lỗi liên quan đến cơi nới thùng xe là bị “ách” lại ngay. Đồng thời yêu cầu chủ xe trả về hiện trạng ban đầu đúng với hồ sơ kỹ thuật mới được kiểm định. Không có chuyện bỏ lọt đối với các lỗi này” – ông Mẫn khẳng định.

Cần có chế tài mạnh hơn

Theo ông Đỗ Tiến Đạt - PGĐ Sở GTVT, các chủ phương tiện chỉ tính đến lợi ích cá nhân để thu lời từ chi phí vận chuyển, nhưng không nghĩ đến việc đồng lời từ phần hàng chở quá tải ấy chẳng thấm vào đâu so với việc phải duy tu, bảo dưỡng hoặc làm mới các tuyến đường bị xe quá tải “cày” nát.

Thế nhưng, việc xử phạt đối với xe chở quá tải hiện nay dường như chỉ mới ở mức cảnh cáo chứ chưa thật sự nâng tầm được ý thức của các doanh nghiệp vận tải. Bằng chứng là, qua gần 6 tháng cân tải trọng và số tiền xử phạt mà Thanh tra giao thông tỉnh thực hiện lên đến hàng tỷ đồng. Cùng với đó là cả trăm bằng lái xe của các tài xế bị thu giữ có thời hạn.

 Trường hợp những lái xe có hành vi tông thẳng vào lực lượng chức năng đang làm nhiệm vụ, ông Huỳnh Ngà cho rằng cần phải xử phạt hành chính thật nặng. Đồng thời tước bằng lái vĩnh viễn. Còn phạt mức 2,5 triệu đồng và tạm giữ bằng lái vài tháng là chưa đủ sức răn đe. “Đối với xe quá tải núp trạm cân tôi đề nghị cần có văn bản quy phạm pháp luật quy định rõ ràng về biện pháp xử lý. Ngoài ra, cũng cần có chế tài đối với chủ cây xăng, quán cơm có hành vi bao che, dung túng để xe quá tải núp trạm” – ông Ngà đề xuất.

 Còn PGĐ Sở GTVT Đỗ Tiến Đạt cho rằng, trên thế giới để chống xe quá tải, bảo vệ đường, cầu, cống… nhiều nước đã có biện pháp mạnh tay như Trung Quốc và Ấn Độ tiến hành thu luôn hàng hóa quá tải trên xe. Thậm chí là cấm các công ty vận tải hoạt động nếu 1/10 số phương tiện trong đội xe của họ chở quá tải. “Tôi cho rằng nếu làm được như vậy cùng với việc cân tải trọng các chủ phương tiện sẽ không dám chở quá tải” – ông Đạt chia sẻ.

 Ông Hoàng Thế Tùng - Phó Vụ trưởng Vụ ATGT cho biết, hiện Bộ GTVT đang dự thảo Nghị định xử phạt vi phạm ATGT trình Chính phủ để thay thế, sửa đổi Nghị định hiện hành (NĐ 171). Trong dự thảo Nghị định mới, sẽ tăng chế tài xử phạt cả chủ xe lên đến hàng trăm phần trăm, với mức cao nhất lên tới 48 triệu đồng. Doanh nghiệp nào có hơn 20% xe chở quá tải sẽ bị rút giấy phép kinh doanh. Đơn vị xếp dỡ hàng hóa nếu xếp quá tải mức phạt sẽ tăng gấp đôi. Cũng theo dự thảo Nghị định mới, việc hạ tải xe chở quá tải không buộc phải làm tại chỗ mà cho xe đến nơi gần nhất, thuận lợi để hạ tải. Hạ tải xong, quay lại cân, đủ tải mới cho đi.
 

Bài, ảnh: LÊ ĐỨC

 


.