"Đo nước, đong mưa, đoán gió" vào mùa cao điểm

03:10, 19/10/2014
.

(Báo Quảng Ngãi)- Một năm có bốn mùa nhưng với những người cán bộ khí tượng thủy văn thì một năm chỉ có 2 mùa mưa và nắng. Những ngày nắng khá thảnh thơi đã đi qua, giờ đây họ đang căng mình “đo nước, đong mưa, đoán gió”để dự báo về tình hình mưa, lũ, bão, giúp cho công tác ứng phó với thiên tai hiệu quả hơn.

TIN LIÊN QUAN

Đài Khí tượng thủy văn (KTTV) Quảng Ngãi có 6 đơn vị trực thuộc, gồm trạm thủy văn An Chỉ, Sơn Giang, Trà Khúc; các trạm khí tượng: Ba Tơ, TP Quảng Ngãi và Trạm Khí tượng Hải văn (KTHV) Lý Sơn. Số liệu thu thập được từ các trạm, chuyển về Đài KTTV Quảng Ngãi, rồi sau đó truyền về Đài KTTV khu vực Trung Trung Bộ xử lý và thông tin rộng rãi đến nhân dân.
 
“Chạy đua” với gió, mưa

Chúng tôi đến Trạm KTHV Lý Sơn khi trời chiều chuyển gió. Cơn bão từ xa đang ảnh hưởng đến vùng biển Lý Sơn. Bám theo Trạm trưởng KTHV Lý Sơn Nguyễn Nam tôi dán mắt vào màn hình thiết bị đo tốc độ gió. 13 m/s! Anh Nam ghi chép và tỏ ra khá lo lắng, nói: “Tốc độ gió lúc này gấp 3 lần hồi 9 giờ sáng. Khi trời chuyển, tốc độ gió tăng bất thường lắm!”.

Từ đầu tháng 10 đến nay, gió, mưa liên hồi đổ về Lý Sơn. Đó cũng chính là nguyên nhân “giữ chân” đội thợ lắp đặt thiết bị quan trắc hải văn cho Trạm của Đài KTTV khu vực Trung Trung Bộ “nằm” lại hòn đảo này cả tháng trời rồi. “Gió to, sóng lớn, không thể lắp đặt thiết bị hải văn được. Phải đợi khi nào sóng thật êm mới có thể triển khai” – Trạm trưởng KTHV Lý Sơn Nguyễn Nam cho hay.

 

Cán bộ Trạm KTHV Lý Sơn quan trắc diễn biến thời tiết trên đảo.
Cán bộ Trạm KTHV Lý Sơn quan trắc diễn biến thời tiết trên đảo.


Theo chân anh Hoàng - cán bộ khí tượng Lý Sơn đi thực tế quan trắc khí tượng tại khu vực đặt các thiết bị này. Chỉ vào vũ lượng kế (thiết bị đựng nước mưa) anh Hoàng bảo: “Mấy ngày nay, lượng mưa tăng mạnh. Từ đầu năm đến nay, đây là thời điểm lượng mưa trên đảo Lý Sơn đạt cao nhất”. Chỉ thiết bị nhật quang ký (thiết bị đo thời gian có nắng trong ngày), anh Hoàng giải thích: “Hễ mưa nhiều thì thời gian có nắng giảm”. Anh Hoàng lấy sổ ra bắt đầu quan trắc mây bằng mắt thường. Bầu trời mây đen kịt, anh lấy bút ghi chép bằng ký hiệu chuyên ngành… Anh Hoàng trở về phòng, bắt đầu lên máy nhập liệu và truyền thông tin về trên.

Cứ tưởng kết thúc công việc ấy là kết thúc một ngày làm việc vì lúc này đã hơn 5 giờ chiều. Nhưng không, anh Hoàng lại giở sổ sách tiếp tục lặp lại công việc như ban nãy. Anh Hoàng giải thích: “Khi trời yên ả, việc quan trắc thưa hơn nhưng khi tình hình thời tiết biến đổi, phải quan trắc liên tục. Một giờ đồng hồ có thể là vài ba lần mới đảm bảo thông tin diễn biến thời tiết kịp thời”. Ba cán bộ Trạm thay nhau trực 24/24 giờ, chuyển những thông tin cần thiết về Đài KTTV Quảng Ngãi ngay sau khi thu thập được.
 
Căng mình đo nước

Bước vào mùa mưa bão, cán bộ thủy văn của 3 trạm Sơn Giang, An Chỉ, Trà Khúc là những con người “siêng” ra sông nhất. Sông Giang mùa hè đá cuội lởm chởm thì mùa này đục ngầu, nước cuồn cuộn chảy. Địa hình dốc, nước từ thượng nguồn đổ về ào ào không ngớt. Mưa to nhưng công việc quan trắc nước sông không thể dừng lại. Những cán bộ thủy văn của Trạm Sơn Giang lỉnh kỉnh đồ đạc xuống ca nô vượt ra giữa sông đo nước. Bây giờ chưa phải là thời điểm xảy ra lũ lớn, nhưng công việc của các quan trắc viên hiểm nguy từ tứ phía. Họ vừa phải đội mưa, lênh đênh trên sông giữ thăng bằng, đo mực nước, rồi ghi chép các thông số đo được. Mỗi ngày có thể họ phải ra giữa sông nhiều lần để làm việc.

Trạm thủy văn An Chỉ (Hành Phước, Nghĩa Hành) “bám sát” thượng nguồn sông Vệ “đón” nước từ Ba Tơ đổ về. Mỗi ngày, cán bộ trạm phải thực hiện 4 – 6 lần quan trắc, vài ba lần đánh mốc và thay giản đồ, ghi lại những thông số rồi truyền đi phục vụ cho công tác dự báo thời tiết. Mỗi một lần ra sông đo nước chỉ chừng 30 – 60 phút, nhưng đòi hỏi cán bộ quan trắc phải làm việc với cường độ cao để có thể đảm trách nhiều công việc một lúc. Nhiều đêm mưa bão, 1 giờ sáng, các cán bộ quan trắc vào ca trực, trời khuya vắng ngắt, lạnh lẽo, vất vả và cả hiểm nguy rình rập. Thế nhưng, với lòng yêu nghề, kinh nghiệm công tác, tất cả họ đều vượt qua…

Mưa gió, bão tố càng lớn, sự căng mình trước công việc của những người cán bộ KTTV càng cao. Họ đã âm thầm đóng góp sức mình để bảo vệ tính mạng, tài sản của Nhà nước và nhân dân trước lũ lụt, bão tố.


Bài, ảnh: THANH NHỊ  
 


.