Điệp khúc... đò ngang

10:10, 30/10/2014
.

(Báo Quảng Ngãi)- Những ngày qua, các đơn vị liên quan gồm Thanh tra giao thông, CSGT đường thủy, Phòng Kinh tế hạ tầng các huyện và chính quyền các xã có bến đò ngang đã tiến hành đi kiểm tra các bến đò. Cũng giống như mọi năm trước, qua kiểm tra, gần như 100% các bến đò trên địa bàn tỉnh đều không đủ điều kiện để hoạt động.

TIN LIÊN QUAN

Ẩn họa giao thông đường thủy

Dọc sông Trà Khúc có rất nhiều bến đò ngang hoạt động, số lượng người dân qua lại khá đông. Những ngày này khi mùa mưa bắt đầu, nước sông dâng cao nhưng tại nhiều bến đò, chủ phương tiện và người dân rất chủ quan không mặc áo phao mỗi khi qua lại, dù trên ghe có áo phao để sẵn. “Nước chảy cũng bình thường nên mặc áo phao phiền phức lắm! Với lại bây giờ đi ghe máy rồi chứ đâu còn chống sào như trước đây mà lo!”- anh Nguyễn Tấn Minh, hành khách trên chuyến đò từ xã Tịnh Minh qua xã Nghĩa Thắng, nói.

Học sinh xã Sơn Bao sang sông trên chiếc ghe nhỏ. Ảnh: LÊ ĐỨC
Học sinh xã Sơn Bao sang sông trên chiếc ghe nhỏ. Ảnh: LÊ ĐỨC


Không chỉ ở đồng bằng mà ở các huyện miền núi, đi dọc các tuyến đường tỉnh lộ, quốc lộ, đường liên huyện, xã cạnh sông, suối rất nhiều những bến đò ngang. Trên con sông Rin, đoạn chảy qua xã Sơn Bao (Sơn Hà), từ nhiều năm qua hàng trăm người dân và học sinh ở phía bên kia con sông phải đi lại bằng đò ngang đến trường hoặc lên xã có việc. Các em học sinh Trường Tiểu học và THCS Sơn Bao thường phải đi lại trên chiếc ghe nhỏ, mang cặp được cho là có chức năng thay thế áo phao. Dòng nước đục ngầu cuồn cuộn chảy. Các em đâu biết rằng tai họa có thể ập xuống bất kỳ lúc nào.

Bên cạnh những bến đò ngang thì ở tỉnh ta, tuyến đường thủy Sa Kỳ - Lý Sơn, mặc dù thời gian qua được Nhà nước và tư nhân đầu tư nhiều tàu cao tốc để đưa đón hành khách ra đảo và vào đất liền. Tuy nhiên, tình trạng tàu cao tốc chết máy giữa biển nước trong thời tiết mưa, gió đã trở thành nỗi ám ảnh với hành khách. Gần nhất là vào mùa mưa năm 2013, tàu cao tốc An Hải, đưa hành khách từ đảo Lý Sơn vào đất liền. Khi chỉ còn cách đất liền khoảng 10 hải lý thì tàu đột ngột chết máy, mất lái trôi tự do trên biển. Rất may sau đó, tàu cứu hộ của Bộ đội Biên phòng tỉnh nhận được tín hiệu và ứng cứu kịp thời.

Cấm cũng như không

Mưa lớn nhiều ngày qua khiến các sông suối trên địa bàn tỉnh bắt đầu dâng cao. Tại bến đò An Phú xã Tịnh An (TP. Quảng Ngãi) người dân bắt đầu dùng đò để qua lại sông Trà Khúc. Để đảm bảo ATGT cho người dân qua lại, ngành chức năng tiến hành kiểm tra thực tế và đình chỉ hoạt động 2 chủ đò ở đây. Tuy nhiên, đình chỉ hôm trước, hôm sau các chủ đò vẫn hoạt động bình thường. Ông Trần Phố, một trong 2 chủ đò hoạt động ở bến đò An Phú không ngần ngại cho biết, nếu cấm thì chúng tôi sẽ nghỉ, nhưng nếu nghỉ thì hàng trăm người dân và học sinh trong thôn sẽ đi lại bằng cách nào. Do vậy, biết hoạt động trái phép nhưng chúng tôi vừa mưu sinh, nhưng cũng vừa để phục vụ người dân. “Chừng nào họ cấm triệt để, hoặc thu phương tiện thì chúng tôi mới nghỉ”, ông Phố nói.

Người dân đi đò ở bến đò An Phú, xã Tịnh An (TP.Quảng Ngãi).                    Ảnh: X.THIÊN
Người dân đi đò ở bến đò An Phú, xã Tịnh An (TP.Quảng Ngãi). Ảnh: X.THIÊN


Đại tá Nguyễn Hồng Thanh - Phó Trưởng phòng CSGT đường thủy, Công an tỉnh cho biết, theo Quy định 251 của UBND tỉnh về quản lý hoạt động đò ngang thì gần 100% bến đò trên địa bàn tỉnh không đủ điều kiện hoạt động. Chúng tôi cũng không thể phạt các chủ đò được vì đó là phương tiện sống còn của họ từ bao đời nay. Tuy nhiên, việc kiểm tra, nhắc nhở để các chủ đò và người dân ý thức hơn trong việc qua lại bằng đò, tránh những rủi ro đáng tiếc. Chẳng hạn như, nhắc các chủ đò không cho người dân lên đò khi không mặc áo phao. Các chủ đò không được chở quá tải, rất nguy hiểm. Đó là những việc chúng tôi có thể làm.

Ông Đặng Văn Minh - Giám đốc Sở GTVT chia sẻ, nếu không cấm thì cơ quan chức năng không hoàn thành nhiệm vụ quản lý nhà nước của mình. Còn cấm thì hàng ngàn người dân không biết đi lại bằng cách nào. Đây là cái khó của cả hai bên.

Chuyện của tương lai

Ông Đặng Văn Minh cho biết thêm, với Quyết định 251 của UBND tỉnh ban hành 2008 quy định về quản lý các hoạt động đò ngang trên địa bàn tỉnh ta cũng dựa vào các quy định của Bộ GTVT. Tuy nhiên, có nhiều tiêu chí quy định quá cao so với thực tế đặc thù ở tỉnh ta nói riêng và miền Trung nói chung. Đặc thù của miền Trung là sông ngòi có độ dốc lớn và các bến đò chỉ hoạt động chủ yếu và các tháng mùa mưa. Khi mùa mưa lũ đến, nước lớn chảy dốc nên rất nguy hiểm cho các phương tiện đò ngang không đủ điều kiện hoạt động.  

Theo quy hoạch của tỉnh, thì đến 2020, sẽ xây dựng 8 cầu treo để thay thế 8 bến đò ngang. Đến 2030 sẽ thay thế hoàn toàn các bến đò ngang trên địa bàn bằng các cây cầu. Tuy nhiên, việc thực hiện cũng tùy thuộc vào nguồn lực của tỉnh. Như vậy, việc thay thế các bến đò ngang là công việc lâu dài, và chúng ta vẫn phải tiếp tục với thực tế là đình chỉ cứ đình chỉ, các bến đò vẫn hoạt động như thường. Trách nhiệm chủ yếu thuộc về các địa phương có bến đò ngang bằng việc nhắc nhở, kiểm tra, tuyên truyền cho người dân, khi nào nên đi, đi như thế nào cho an toàn.


L.Đức - X.THIÊN
 


.