Những nữ cựu chiến binh làm mới quê hương

08:09, 30/09/2014
.

(Báo Quảng Ngãi)- Trong số 13 nữ cựu chiến binh thôn Đông Thuận, xã Phổ Vinh (Đức  Phổ) bây giờ nhiều người đã trở thành bà nội, bà ngoại, nhưng họ vẫn luôn yêu đời, tích cực tham gia công tác xã hội trên mảnh đất quê mình.

TIN LIÊN QUAN

Bây giờ, ở thôn Đông Thuận đường đã được bê tông thoáng đãng. Ngôi chợ quê được đầu tư 1,8 tỷ đồng xây dựng khang trang. Nữ cựu chiến binh Trần Thị Thừa, bộc bạch: “Làng quê ngày càng khởi sắc, chị em vui lắm. Kết quả ấy có một phần công sức tuyên truyền vận động và sự đóng góp của chị em mà”.

 

Các nữ cựu chiến binh gặp nhau trong niềm vui, xúc động.
Các nữ cựu chiến binh gặp nhau trong niềm vui, xúc động.


Thôn Đông Thuận là vùng quê  biển nghèo của Đức Phổ. Thời chống Mỹ, địch càn quét dữ dội biến nơi đây trở thành vành đai trắng. Người dân lần lượt cầm súng để giải phóng quê hương. Thấy thanh niên nô nức lên đường, chị em trong thôn cũng đâu kém. Họ cũng hăng hái tòng quân rồi biên chế về các đơn vị hỏa lực trực tiếp cầm súng chiến đấu, người thì làm giao liên, y tá băng bó vết thương cho các thương binh hoặc lên vùng giải phóng trực tiếp giảng dạy... Tất cả đều dốc sức, dốc lòng cho ngày toàn thắng.  Sau ngày hòa bình, đa số các chị em phục viên làm công tác ở địa phương, rồi theo tháng năm về nghỉ hưu sống với gia đình. Tuy vậy, với phẩm chất của Bộ đội Cụ Hồ, họ luôn tích cực đóng góp sức mình xây dựng quê hương.

 Cô Nguyễn Thị Thu Xuân,  nguyên là lính Đại đội 95 Bình Sơn, bày tỏ: “Trong chiến tranh đối tượng học chữ chủ yếu là thanh, thiếu niên. Ngoài việc dạy chữ, dạy những bài học làm người, cô còn truyền cho các em tinh thần yêu nước, gan dạ chiến đấu. Thời bình, đối tượng dạy chữ là trẻ em nên cô càng giúp các em hiểu về tình yêu quê hương, giá trị cuộc sống hôm nay”. Cô Xuân đã về hưu 3 năm, nhưng cô vẫn tham gia đều đặn các hoạt động trong thôn, xã. Lúc thì vận động bà con đóng góp tiền của, hiến đất mở đường, lúc thì hòa giải những mâu thuẫn xích mích trong thôn.

 Cô Nguyễn Thị Trương (61 tuổi) là y tá trong chiến tranh. Từ ngày về hưu, cô Trương đảm nhận tuyên truyền công tác dân số kế hoạch hóa gia đình, y tế thôn. Bất kể nửa đêm, trong làng xã có ai đau ốm nhờ giúp đỡ, cô đều sẵn sàng. Mới đây, dịch tay chân miệng bùng phát, sợ bà con trong làng không nắm rõ nguyên nhân dịch bệnh nên cô đi phát tờ rơi tuyên truyền cả ban trưa. “Mong cho bà con có sức khỏe, dịch bệnh không xảy ra là mình vui lắm!” – cô Nguyễn Thị Trương bộc bạch.

 Ông Trần Chạy - Phó Bí thư chi bộ, kiêm trưởng Ban công tác mặt trận thôn Đông Thuận, hồ hởi bảo:  “Nhớ nhất là đợt vận động bà con di dời mồ mả để xây dựng chợ. Đụng đến chuyện tâm linh nên khó lắm. Vậy mà nhờ các chị đã tỉ tê từng hộ gia đình vận động cùng một lúc di dời trên 50 mộ trong một ngày để san ủi mặt bằng xây dựng chợ Đông Thuận”.

Thường ngày mỗi người mỗi việc, nhưng đúng hẹn 13 nữ cựu chiến binh thuộc chi hội thôn Đông Thuận xã Phổ Vinh 2 tháng lại họp mặt một lần. Họ gặp nhau, trò chuyện về một thời hoa lửa, về cuộc sống hôm nay rồi bàn bạc về phong trào xây dựng nông thôn mới, xây dựng gia đình sống yên vui hạnh phúc.

 Với sự tuyên truyền và đóng góp của các cựu chiến binh và nhân dân, ở thôn có thêm 65 triệu đồng mua sắm các thiết bị nhà văn hóa thôn, hiến 500m2 đất để làm đường và hàng trăm ngày công lao động để xây dựng chợ, đường làng, cổng thôn, trạm y tế, trường học, nhà sinh hoạt văn hóa… Đến nay, thôn Đông Thuận đã mở 1,5km đường liên xóm, với chiều rộng 5m, kéo 900m điện đường thắp sáng làng quê. 100% hội viên cựu chiến binh không có nhà dột nát, không có hộ nghèo. Chi hội cựu chiến binh thôn Đông Thuận góp phần đáng kể cho xã đạt 14/19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới, trong đó có công lao rất lớn của những nữ cựu chiến binh thôn Đông Thuận.

 Bài, ảnh: MAI  HẠ
 


.