Dịch vụ xay xát "di động"

11:09, 14/09/2014
.

(Baoquangngai.vn)-  Chỉ cần một chiếc máy kéo, phía sau là chiếc máy xay gạo hay máy tách hạt bắp, tuốt đậu... là những người hành nghề xay xát dạo có thể rong ruổi ở mọi nẻo đường để hành nghề. Hiện nay, dịch vụ này đang phát triển khá nhiều tại các vùng nông thôn trong địa bàn tỉnh. Người nông dân có yêu cầu dịch vụ xay xát lưu động chỉ cần nhấc điện thoại gọi và trong một thời gian ngắn dịch vụ này sẽ phục vụ tận nhà.
Alô... có mặt!
 
Mùa bắp năm nay gia đình ông Nguyễn Bảy ở thôn Lương Nông Bắc, xã Đức Thạnh (Mộ Đức) thu hoạch được khoảng hơn 2 tấn bắp trái khô. Thay vì như mọi năm, gia đình ông Bảy phải huy động hết lao động trong nhà và thuê thêm người để tách hạt bắp, thế nhưng năm nay, gia đình ông không còn vất vả trong công đoạn này nữa mà đã có dịch vụ tách hạt bắp tận nhà. 
 
"Nhà ít người nên những năm trước cứ mỗi lần thu hoạch bắp, tôi phải thuê nhân công tách hạt bắp theo phương pháp thủ công rất mất công và tốn kém. Còn bây giờ, chỉ cần nhấc điện thoại thì dịch vụ tách hạt bắp lưu động có mặt tại nhà, sau 60 phút tôi đã có bắp hạt như ý muốn"- ông Bảy cho biết.
 
Mặc dù dịch vụ đến tận nhà nhưng giá cả cũng rất phải chăng và chất lượng hạt bắp khi tách không thua kém gì phương pháp thủ công. Bắp sau khi phơi khô, nông dân chỉ việc cho bắp vào máy, hạt sẽ được tách riêng, cùi riêng mà cả hạt và cùi đều không bị dập nát, tiết kiệm thêm nhiều thời gian và công lao động.
 
Theo ông Bảy nhẩm tính, với 2 tấn bắp của gia đình, nếu dùng phương pháp thủ công thì thuê khoảng 2-3 nhân công lao động với công lao động 120 ngàn đồng/ngày làm trong vài ngày mới xong. Đó là chưa kể khi đến mùa thu hoạch còn thiếu nhân công thuê mướn. Nếu sử dụng máy, 1 giờ có thể làm xong nhưng chỉ mất 400- 500 nghìn đồng,  lại chủ động trong khâu thu hoạch.  
 
Mỗi
Mỗi "nhà máy" chỉ cần 2 nhân công là có thể hành nghề.
 
Cùng với những chiếc máy "di động" phục vụ tách hạt bắp, tuốt đậu... thì những chiếc máy xay xát gạo "di động" cũng khá đắt hàng vì tính tiện lợi của nó.
 
Bà Huỳnh Thị Hạnh (60 tuổi) ở thôn Lâm Hạ, xã Đức Phong (Mộ Đức) cho biết: Hai vợ chồng tôi làm 2 sào ruộng, mỗi năm lúa cũng đủ ăn, thế nhưng cả 2 vợ chồng đều lớn tuổi, nhà lại ở cuối xóm nên mỗi lần chở lúa đi xay gạo rất khó khăn. Giờ nhờ có dịch vụ xay xát gạo tận nhà nên cũng tiện.
 
"Mỗi lần hết gạo là tôi chỉ cần gọi điện thoại cho thằng Sơn (chủ máy xay xát gạo di động- PV) là nó tới ngay. Bao nhiêu nó cũng xay. Có tiền thì mình trả tiền, không thì mình trả tiền công cho nó trả bằng gạo, cám"- bà Hạnh chia sẻ.
 
Theo người dân cho biết, do được thiết kế đơn giản nên hạt gạo xay ra từ những máy xay xát di động không đẹp bằng các máy cố định. Song, bù lại nó có tính tiện lợi cho người dân, nhất là các khu dân cư ở xa và những người không có điều kiện chở lúa đến các máy xay xát cố định.
 
Nghề mới
 
Hiện nay, dịch vụ này đang phát triển khá nhiều tại các vùng nông thôn trong địa bàn tỉnh. Dọc theo các tuyến đường liên thôn, liên xã hàng ngày người đi đường có thể bắt gặp hình ảnh những nhà máy xay xát "di động" bon bon trên đường. 
 
Anh Nguyễn Thanh Tân- chủ một "nhà máy" tách hạt bắp ở xã Đức Phú (Mộ Đức) cho biết, trước đây anh có một thời gian làm ở tỉnh Đắklak thấy người dân sử dụng máy tách hạt bắp này khá hiệu quả nên anh nảy ý định kinh doanh.
 
Chỉ chiếc máy là "cần câu cơm' của mình hơn 1 năm nay, anh Tân cho hay: Chiếc máy này tôi mua hết 23 triệu đồng, nhờ có nó mà ngoài phục vụ cho sản xuất trong gia đình, tôi còn kiếm thêm được nguồn thu nhập từ nghề tách hạt bắp dạo cho những người trồng bắp có nhu cầu. 
 
Theo quan sát của chúng tôi, chiếc máy tách hạt bắp kết cấu máy rất đơn giản và gọn nhẹ trọng lượng khoảng 50kg, máy có gắn động cơ chạy bằng dầu diesel và có gắn bánh xe để dễ di chuyển. Khi di chuyển chỉ cần gắn vào yên phía sau xe máy là có thể kéo đi đến bất cứ nơi nào để hoạt động.
 
Hàng ngày, những
Hàng ngày, những "nhà máy di động" bon bon trên đường mưu sinh.
 
Anh Tân chia sẻ, ngoài dịch vụ tách hạt bắp, tôi còn kiêm luôn tuốt đậu phộng.. Vào mùa thu hoạch bắp, đậu…, công việc làm ăn của tôi luôn tất bật. "Sau khi trừ hết phí, ngày nhiều thì tôi kiếm được 400- 500 ngàn đồng, ngày ế thì cũng hơn 100 nghìn. Nói chung là có thể kiếm ăn hàng ngày được”- anh Tân cho biết.
 
Qua tiếp xúc của chúng tôi với một số chủ máy xay xát "di động", để có "mối"  làm ăn liên tục, ngoài giá cả phải chăng, chất lượng  sản phẩm ra đạt chất lượng, tính siêng năng thì khâu tiếp thị khá quan trọng. "Đi đến đâu tôi cũng cung cấp số điện thoại cho khách hàng, để thông qua họ giới thiệu được thêm cho nhiều người khác và khi có nhu cầu họ gọi"- anh Trần Thanh Dũng- một chủ máy xay xát gạo "di động" bày tỏ.
 
Hiện nay, các máy xay xát di động này đã có mặt ở nhiều địa phương trong tỉnh. Với kiểu dáng nhỏ gọn lại dễ di chuyển trên mọi địa hình nên những "nhà máy" này có thể len lỏi khắp mọi nơi. Có máy, nông dân có thể chủ động thời gian mùa vụ thu hoạch, tiết kiệm ngày công lao động và các ông chủ máy xay xát di động này cũng có kế sinh nhai.
 
 
Bài, ảnh: Bảo Ngọc
 

.