Nguy cơ khu tái định cư trở thành... tạm cư!

10:08, 24/08/2014
.

(Báo Quảng Ngãi)- Sau nhiều năm triển khai thực hiện, đến nay khu tái định cư (TĐC) Mang Po, xã Sơn Ba (Sơn Hà) đã hoàn thành, sẵn sàng đón 38 hộ dân thôn Gò Da từ trên núi cao về ở. Tuy nhiên, hiện tại chủ nhân của làng TĐC này vẫn còn dùng dằng chưa muốn dọn về.

TIN LIÊN QUAN

Khu TĐC Mang Po xây dựng từ năm 2009 với tổng kinh phí đầu tư hạ tầng thiết yếu và tiền hỗ trợ làm nhà cho dân khoảng 10 tỷ đồng. Mục đích của TĐC là chuyển dân thôn Gò Da từ núi cao xuống Mang Po là để người dân có điều kiện an cư, hòa nhập, phát triển kinh tế. Song, mục tiêu ấy đang có nguy cơ khó đạt được...

Chính quyền nỗ lực...

Trung tuần tháng 8.2014, “đoàn quân tình nguyện” gần 300 đoàn viên của Công an tỉnh, Công ty Điện lực và huyện Sơn Hà đã về khu TĐC Mang Po nâng cấp đường giao thông, trồng cây ăn quả, làm nhà vệ sinh, kéo điện vào nhà, khám chữa bệnh, cấp thuốc cho người dân. Kết thúc đợt tình nguyện, hàng chục nhà vệ sinh, hàng trăm cây xanh, 38 hệ thống điện thắp sáng trong nhà, hàng ngàn mét đường giao thông đã hoàn thành. Toàn bộ hạ tầng thiết yếu ở khu TĐC Mang Po, gồm điện, đường, trường, nhà văn hóa, nhà ở, cây xanh… đã đầy đủ, sẵn sàng đón người dân Gò Da về ở.

 

Khu TĐC Mang Po đã hoàn thiện, nhưng người dân chưa muốn dọn đến ở.
Khu TĐC Mang Po đã hoàn thiện, nhưng người dân chưa muốn dọn đến ở.


Trước đó, huyện Sơn Hà đã hỗ trợ cho mỗi hộ dân tái định cư 16,5 triệu đồng để làm nhà. Với số tiền ít ỏi này, người dân mua tôn, đinh, sắt và tận dụng những tấm gỗ cũ của gia đình làm được mỗi hộ một căn nhà rộng chừng 20m2. Tất cả 38 ngôi nhà đều theo một kiểu: Mái tôn, nền đất, vách gỗ nằm úp sát vào lưng chừng đồi. So với một số khu TĐC khác ở Sơn Hà hiện nay như Làng Bung (Sơn Ba), Gò Vườn (Sơn Linh), Đồi Gu (thị trấn Di Lăng)… thì khu TĐC Mang Po vượt trội hơn hẳn. Khi dự án được phê duyệt, chủ đầu tư là UBND huyện Sơn Hà đã xác định rõ mục tiêu của khu TĐC là “đưa dân xuống núi an cư, phát triển cuộc sống” nên đã nỗ lực thực hiện để sớm đưa dân vào ở.

...nhưng làng mới là nơi... tạm trú?

Bây giờ nhà đã dựng xong. Điện - đường -  trường - nhà văn hóa đã hoàn thiện. Thế nhưng, chưa có hộ dân nào chính thức dời nhà từ Gò Da về Mang Po sinh sống. Già làng Đinh Văn Dớ, thôn Gò Da nêu lý do: “Chỉ có cái nhà nhỏ, không đất, không ruộng, về đây ở lấy gì sinh sống? Nơi ở cũ dù trên núi cao nhưng có rẫy, có ruộng, dân dễ sống hơn!”.

37 hộ dân còn lại ở Gò Da cũng trong tâm trạng ấy. Vì vậy, những ngày qua, khi chính quyền vận động về khu TĐC Mang Po, người dân chỉ cõng theo gạo, thức ăn đủ nấu một bữa. Ăn xong vợ chồng, con cái lại dắt nhau về làng cũ. Đường từ khu TĐC Mang Po về Gò Da phải đi bộ mất gần hai giờ đồng hồ. Nhưng vì đôi chân quen đường, người dân cảm thấy chuyện đi lại là… bình thường!

 

Thanh niên tình nguyện kéo điện thắp sáng vào nhà dân khu TĐC Mang Po.
Thanh niên tình nguyện kéo điện thắp sáng vào nhà dân khu TĐC Mang Po.


Từ trung tâm xã Sơn Ba đến Gò Da đi qua đèo cao, suối sâu, dốc dựng đứng. Khu TĐC Mang Po nằm ở khoảng giữa đoạn đường từ trung tâm xã đến thôn Gò Da. Vì thế huyện Sơn Hà xây dựng khu TĐC này để giúp dân Gò Da “hạ sơn”, giảm một nửa khoảng cách từ nơi ở cũ đến trung tâm xã. Huyện đầu tư san nền, kéo điện, làm đường, xây trường, hệ thống nước, nhà văn hóa và hỗ trợ cho mỗi hộ dân 16,5 triệu đồng để làm nhà. Sau khi khu TĐC hoàn thành vận động nhân dân dọn về ở. Đồng thời cho phép người dân giữ lại nhà sàn tại nơi cũ để làm nơi ở thứ hai. Tái định canh vẫn là “ruộng cũ, rẫy cũ” ở Gò Da. Có nghĩa là huyện chỉ chủ trương đưa dân về Mang Po để ở, còn chuyện sản xuất, làm ăn của dân vẫn gắn với làng cũ Gò Da. Điều này đã gây ra trong dân tâm lý “coi nhà mới là nơi tạm trú”, còn nhà cũ ở Gò Da lại là nơi… “thường trú”, vì đồng bào không thể xa ruộng, thiếu rẫy được.

Bất hợp lý nhất là chuyện bố trí việc học hành cho con em của 38 hộ dân tái định cư. Nhiều năm nay, huyện Sơn Hà và Trường Tiểu học Sơn Ba đã dày công xây dựng mô hình “nội trú” cho học sinh Gò Da. Việc học nội trú của các em đã ổn định và ngày càng thuận lợi, tốt đẹp hơn.

Đầu tuần các em xuống núi học chữ, ăn ở tại trường, đến cuối tuần về thăm gia đình. Mọi chuyện sinh hoạt có người chăm lo, giúp đỡ. Thế nhưng khi xây dựng khu TĐC Mang Po, huyện Sơn Hà vẫn đưa vào dự án “trường học cho học sinh Gò Da”. Dự kiến, sẽ đưa các em học sinh Gò Da đang học nội trú ổn định ở Trường Tiểu học Sơn Ba quay lên núi đến khu TĐC  Mang Po để học. Trong khi đó, ngay cả những cô cậu học trò nhỏ cũng không muốn chuyện này.  

Đưa dân Gò Da “hạ sơn” là việc làm đúng đắn. Bởi vì do sống quá xa trung tâm, người dân Gò Da chậm thoát khỏi tình trạng lạc hậu, thiếu thốn. Chỉ có điều cách thức thực hiện di dân, TĐC cho số hộ dân này của huyện Sơn Hà là chưa hợp lý, dẫn đến nhiều khả năng người dân không về nơi ở mới trong khi làng mới đã xây xong.

Thực tế đã có những mô hình di dân khá thành công của các địa phương khác trên địa bàn tỉnh. Đơn cử như việc di dân thôn Gọi Re, xã Ba Xa (Ba Tơ) mới đây. Khi xây dựng làng TĐC, chính quyền vận động đồng bào chuyển toàn bộ nhà sàn truyền thống nơi ở cũ về dựng lại trên nền TĐC, ruộng, rẫy giữ nguyên. Chính quyền mở đường giao thông thuận lợi cho người dân về nơi cũ sản xuất. Người dân đồng thuận di dời nhà cửa, phấn khởi về nhà mới. Từ cách làm ở Ba Tơ, huyện Sơn Hà cần nghiên cứu vận dụng vào tình hình thực tế tại địa phương, giúp cho công tác di dân đạt mục tiêu đề ra.

Bài, ảnh: THANH NHỊ
         

 


.