Vi phạm pháp luật về cạnh tranh bị phạt tới 200 triệu đồng

10:07, 25/07/2014
.

 Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng vừa ký ban hành Nghị định số 71 quy định chi tiết Luật cạnh tranh về xử lý vi phạm pháp luật trong lĩnh vực cạnh tranh.


Theo nghị định, tổ chức, cá nhân kinh doanh (gọi chung là doanh nghiệp) và hiệp hội hoạt động ngành nghề ở Việt Nam (gọi chung là hiệp hội) nếu có các vi phạm về thỏa thuận hạn chế cạnh tranh, về lạm dụng vị trí thống lĩnh thị trường, lạm dụng vị trí độc quyền, về tập trung kinh tế sẽ bị phạt tiền đến 10% tổng doanh thu.

Theo nghị định mới, hành vi sử dụng chỉ dẫn chứa thông tin gây nhầm lẫn về tên thương mại, khẩu hiệu, biểu tượng kinh doanh, bao bì, chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu, nhãn hiệu hàng hóa sẽ bị phạt 50-100 triệu đồng - Ảnh: Tuổi Trẻ
Theo nghị định mới, hành vi sử dụng chỉ dẫn chứa thông tin gây nhầm lẫn về tên thương mại, khẩu hiệu, biểu tượng kinh doanh, bao bì, chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu, nhãn hiệu hàng hóa sẽ bị phạt 50-100 triệu đồng - Ảnh: Tuổi Trẻ


Nghị định quy định các hành vi vi phạm quy định về hành vi cạnh tranh không lành mạnh sẽ bị phạt tiền 10-150 triệu đồng.

Điển hình, hành vi sử dụng chỉ dẫn chứa thông tin gây nhầm lẫn về tên thương mại, khẩu hiệu, biểu tượng kinh doanh, bao bì, chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu, nhãn hiệu hàng hóa sẽ bị phạt 50-100 triệu đồng; hành vi gièm pha doanh nghiệp khác bằng cách trực tiếp đưa ra thông tin không trung thực, gây ảnh hưởng xấu đến uy tín, tình trạng tài chính và hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp sẽ bị phạt tiền 50-100 triệu đồng; hành vi gây rối hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp khác bị phạt tiền 50-150 triệu đồng; các hành vi quảng cáo, khuyến mại nhằm cạnh tranh không lành mạnh bị phạt tiền 60-140 triệu đồng; hành vi vi phạm về bán hàng đa cấp bị phạt 20-100 triệu đồng.

Nghị định quy định mức tiền phạt tối đa đối với các hành vi vi phạm là 100 triệu đồng đối với cá nhân và 200 triệu đồng đối với tổ chức.

Ngoài cảnh cáo và phạt tiền, tùy theo tính chất, mức độ vi phạm, tổ chức, cá nhân vi phạm còn bị áp dụng một hoặc các hình thức xử phạt bổ sung như thu hồi giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp; tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề; bị tịch thu tang vật, phương tiện được sử dụng để vi phạm pháp luật; buộc phải cải chính công khai; bị áp dụng một hoặc một số biện pháp khắc phục hậu quả, bồi thường thiệt hại.

Nghị định có hiệu lực thi hành từ ngày 15-9-2014.
 

Theo V.V.THÀNH/Tuổi Trẻ Online

 


.