"Rốn lũ" lo phòng chống lũ

11:07, 31/07/2014
.

(Báo Quảng Ngãi)- Mùa mưa bão năm 2014 được dự báo sẽ khốc liệt với cơn bão kinh hoàng đầu tiên trong năm mang tên Rammasun (bão số 2, còn có tên gọi là bão Thần Sấm). Khi đổ bộ vào Việt Nam, sức tàn phá của cơn bão này đã gây nên những cảnh tượng tan hoang, nhiều thiệt hại nặng nề đối với một số tỉnh phía Bắc. Vì vậy, công tác phòng, chống lụt bão đang đặt ra với nhiều địa phương và hộ dân.Theo dự báo của Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn Trung ương, năm 2014 thời tiết ở nước ta diễn biến phức tạp, bất thường, có khả năng xảy ra nhiều cơn bão lụt có sức tàn phá lớn.
 

TIN LIÊN QUAN


Đang chống hạn đã lo phòng lũ

Chỉ tay lên phía trên ngạch cửa chính trong nhà, bà Nguyễn Thị Thúy ở thôn Nhơn Lộc 2, xã Hành Tín Đông (Nghĩa Hành) vẫn còn rùng mình nhớ lại cơn lũ lịch sử năm 2013. “Lúc đó, nước lũ lên nhanh quá không kịp dọn đồ đạc. Vừa mới lo di chuyển con gái mới sinh và cháu ngoại đến nhà cao hơn, vợ chồng tôi  quay về nhà thì nước đã ngập đến cổ. Hàng hóa, tài sản trôi tứ phía”. Hơn 30 năm kể từ khi bà Thúy đến sống tại Hành Tín Đông này, đó là trận lũ kinh hoàng nhất mà bà từng chứng kiến.

Còn ông Trương Chánh ở thôn Nhơn Lộc 2, xã Hành Tín Đông cho biết suýt chết trong trận lũ ấy. Nước lũ dâng quá nhanh, cuộn cánh cửa sắt của nhà ông lại như một cái bánh tráng nhúng nước. May mắn nhờ biết bơi và có sức khỏe, ông mới thoát khỏi cảnh bị nước lũ nhấn chìm trong căn buồng nhỏ khi đang cố gắng cứu lấy tài sản.

Hành Tín Đông là xã miền núi nằm ngoài kênh Thạch Nham, người dân chủ yếu sống bằng nghề nông. Vụ hè thu năm nay, tổng diện tích gieo trồng trên toàn xã là hơn 211ha, trong đó cây lúa là 115,7ha và các loại cây hoa màu khác. Các loại cây trồng chủ yếu dựa vào nguồn nước tự nhiên, các hồ, đập chứa nước và giếng đóng để tưới tiêu. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, mực nước tự nhiên tại các hồ, đập đang ở mức thấp nên có khả năng thiếu nước cho sản xuất. Trong khi đó do địa bàn xã nằm dọc theo sông Vệ, địa hình xã phức tạp, hằng năm thường xuyên bị ảnh hưởng của lũ lụt.

Năm 2013, địa phương là “rốn lũ” kinh hoàng và thiệt hại về tài sản nặng nề nhất. Vùng trũng bị ngập đến 4m, bình quân nhà dân, trường học bị ngập khoảng 2,5m. Còn đập Đồng Ngỗ bị hư hỏng nặng, đến nay chưa khắc phục được. Đập Suối Chí đã nạo vét được một phần diện tích nhưng chưa khắc phục được van tự động của đập. Điều này gây nỗi lo, mùa nắng thiếu nước để tưới tiêu, mùa mưa... thừa nước.
 
Ông Trương Chánh lo ngại, lúc trước mọi người hay lấy đỉnh lũ lịch sử năm 1999, nhưng năm 2013 vừa rồi lũ cũng trở thành... lịch sử. Những năm tiếp theo, liệu lũ “lịch sử” có tiếp diễn và gây nên nhiều thiệt hại và nỗi ám ảnh kinh hoàng như năm qua.

Hiện nay, Ban PCLB của xã Hành Tín Đông được trang bị 7 thuyền máy, 6 biển cảnh báo lũ sớm, 4 máy phát điện, áo phao, phao cứu sinh...
Hiện nay, Ban PCLB của xã Hành Tín Đông được trang bị 7 thuyền máy, 6 biển cảnh báo lũ sớm, 4 máy phát điện, áo phao, phao cứu sinh...


Ông Trịnh Bê - Phó Chủ tịch UBND xã Hành Tín Đông cho biết, lo lắng của người dân là có cơ sở. Những năm gần đây, nước lũ dâng lên rất nhanh. Bởi vì, rừng đầu nguồn ngày càng bị tàn phá cộng với mùa thu hoạch keo cũng là... mùa mở đường trên núi, để lại những con đồi trơ sỏi đá. Đó là những lý do khiến nước chảy ào ạt, dâng nhanh hơn, nhanh chóng bao vây các khu dân cư. Bởi thế nên trong thời điểm này, xã vừa lo chống hạn, đã lên phương án để phòng chống lụt bão, giảm nhẹ thiên tai năm 2014.

Chuẩn bị nhân lực và trang thiết bị cứu nạn cứu hộ

Điều may mắn là trận lũ năm 2013, xã không có thiệt hại về người. Có được điều này là nhờ công tác chuẩn bị phòng chống lụt bão (PCLB), tập huấn, diễn tập trước đó và sự chỉ đạo kịp thời, linh hoạt vào thời điểm nguy cấp. Điều này cho thấy công tác phòng chống lụt bão là công tác đặc biệt quan trọng, không được chủ quan.

Hiện nay, Hành Tín Đông đã thành lập Ban chỉ huy PCLB năm 2014 với 21 thành viên có mặt trên từng thôn và xây dựng phương án PCLB một cách cụ thể. Đó là khi tình hình có dấu hiệu bất thường phải thực hiện chế độ trực chiến 24/24 giờ; dự báo và phán đoán trước tình hình để không bị động trước những tình huống phát sinh khi lũ lên nhanh, vượt mức dự kiến. Đồng thời, Ban PCLB lên phương án cụ thể việc di dời các hộ dân đến những nơi cao hơn; dự trù kinh phí chuẩn bị xăng dầu cho các đội cứu hộ, huy động phương tiện xe cơ giới và trang thiết bị cứu nạn cứu hộ như áo phao, phao cứu sinh...   

Anh Nguyễn Văn Hiếu - thành viên ban PCLB xã cho biết, ngay từ bây giờ Ban PCLB đã lo kiểm tra tình trạng các thuyền máy, máy phát điện và các dụng cụ cứu nạn cứu hộ. Bởi vì đã có tình trạng một số phương tiện đến giờ nguy cấp mang ra sử dụng đã bị hư hỏng, cũ kỹ, không còn đáp ứng tốt cho nhiệm vụ tìm kiếm, cứu hộ, cứu nạn.

Ông Trịnh Bê cho biết, việc PCLB được đưa vào các tiết học một cách cụ thể để trang bị cho học sinh kiến thức ứng phó với thiên tai. Chính quyền xã khuyến khích người dân nên trang bị áo phao trong nhà. Nhiều gia đình đã lo chuẩn bị áo phao để sẵn trong nhà cho các thành viên khi mùa mưa bão sắp đến. Điều đáng mừng là dù đời sống nhiều người dân còn nghèo, nhưng gia đình nào cũng cố gắng xây thêm lầu, gác lửng để làm nơi trú ẩn và di dời hàng hóa, tài sản.

Ông Trịnh Bê cho biết, địa bàn Hành Tín Đông chủ yếu bị nước lũ ở đầu nguồn tràn về mới gây nên trận lụt kinh hoàng như năm qua. Còn nước lũ lên từ sông, mực nước dâng chậm hơn và dòng chảy không xiết như vậy. Điều này cho thấy, rừng xanh là “lá chắn” bảo vệ người dân khỏi thiên tai. Do đó công tác chăm sóc, bảo vệ rừng là vấn đề rất quan trọng trong việc ứng phó và giảm nhẹ thiệt hại do thiên tai.

Bài ảnh: Bảo Hòa
 


.